Mỹ - Triều thêm bất đồng: Nguy cơ chiến tranh hạt nhân nổ ra

13/10/2023 | 07:36 GMT+7

Triều Tiên và Mỹ tiếp tục gia tăng căng thẳng sau khi Washington công bố chiến lược đối phó vũ khí hủy diệt hàng loạt và coi Bình Nhưỡng là “nguy cơ thường trực”.

 Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo từ tỉnh Nam Hwanghae về phía biển Nhật Bản hôm 14-3. Ảnh: KCNA

Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây công bố bản cập nhật Chiến lược Đối phó Vũ khí Hủy diệt Hàng loạt (CWMD) năm 2023, trong đó Lầu Năm Góc mô tả Trung Quốc là “thách thức”, Nga là “mối đe dọa nghiêm trọng” còn Triều Tiên và Iran là “nguy cơ thường trực”. Mỹ lần đầu công bố CWMD năm 2014.

Mỹ còn cảnh báo, việc Triều Tiên phát triển năng lực quân sự sẽ cho phép nước này sử dụng vũ khí hạt nhân “ở bất cứ giai đoạn nào của xung đột”. Cáo buộc Washington bộc lộ “ý định gây hấn nguy hiểm” nhằm đe dọa Triều Tiên và chiếm lấy vị thế “bá chủ quân sự toàn cầu”.

Đáp trả lại tuyên bố trên, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Triều Tiên cho rằng “mối đe dọa lớn nhất của Vũ khí Hủy diệt Hàng loạt (WMD) đến từ Mỹ”, “Nguy cơ thường trực” là cách diễn tả phù hợp nhất dành cho Mỹ, quốc gia sở hữu WMD lớn nhất thế giới và là bên duy nhất từng dùng bom nguyên tử”. Theo KCNA, Bình Nhưỡng buộc “phải đáp trả bằng cách răn đe mạnh mẽ trước những nguy cơ trung và dài hạn, khi Mỹ tìm cách dùng WMD nhằm vào Triều Tiên”.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gần đây leo thang, khi Bình Nhưỡng nhiều lần phóng thử tên lửa đạn đạo, còn Mỹ và Hàn Quốc tăng cường hợp tác quân sự và tiến hành tập trận chung nhằm vào Triều Tiên. Triều Tiên nhiều lần chỉ trích tập trận chung Mỹ - Hàn, coi đây là bằng chứng cho thấy liên minh này có thái độ thù địch và muốn thay đổi chế độ của Bình Nhưỡng. Đại sứ Triều Tiên Kim Song cảnh báo bán đảo Triều Tiên có nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân, với nguyên nhân là chính sách thù địch từ Washington và Seoul.

Trong khi đó, Washington và Seoul khẳng định các cuộc tập trận chỉ mang tính phòng vệ nhằm đảm bảo chủ quyền đất nước và bảo vệ đồng minh.

Còn Nga và Trung Quốc cũng nhiều lần cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung khiêu khích Triều Tiên, khiến căng thẳng bán đảo gia tăng. Trong khi đó, Washington cho rằng Bắc Kinh và Matxcơva đang bao che cho Bình Nhưỡng.

Trong một động thái liên quan, trước đó Quốc hội Triều Tiên thống nhất điều chỉnh Hiến pháp, trong đó bổ sung chính sách xây dựng lực lượng hạt nhân của đất nước. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định: “Chính sách xây dựng lực lượng hạt nhân đã trở thành một phần cố định trong bộ luật cơ bản của đất nước. Đây là sự kiện lịch sử, mang đến đòn bẩy chính trị mạnh mẽ để tăng cường đáng kể tiềm lực quốc phòng”.

Ông Kim Jong-un kêu gọi tăng tốc độ hiện đại hóa vũ khí hạt nhân để duy trì lợi thế răn đe chiến lược, cũng như yêu cầu các quan chức “củng cố sự đoàn kết với những Quốc gia đang chống lại nước Mỹ và chiến lược bá quyền của phương Tây”. Lãnh đạo Triều Tiên cũng chỉ trích quan hệ đồng minh ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là “phiên bản châu Á của NATO”.

Hiện Triều Tiên đã phát triển và đưa vào biên chế một số loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, trong đó tên lửa Hwasong-17 có tầm bắn ước tính lên tới 15.000km, đủ sức bao trùm toàn bộ lãnh thổ Mỹ.

Hồi tháng 7-2020, Quân đội Mỹ cho biết, Triều Tiên có khoảng 20-60 đầu đạn hạt nhân và có thể sản xuất thêm 6 đầu đạn mỗi năm. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley cho rằng Bình Nhưỡng sở hữu năng lực hạt nhân “đủ sức gây ra mối đe dọa thực sự cho lục địa Mỹ cũng như đồng minh và đối tác của Washington trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Triều Tiên và Mỹ vốn đã bất đồng sâu sắc từ hàng chục năm nay, tuy nhiên thời gian gần đây căng thẳng lại càng leo thang hơn. Việc Mỹ công bố chiến lược đối phó vũ khí hủy diệt hàng loạt và coi Bình Nhưỡng là “nguy cơ thường trực” đã làm gia tăng căng thẳng. Những yếu tố trên vô hình trung đã châm ngòi cho chiến tranh trong tương lai gần.

Đến thời điểm này, Triều Tiên đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân, trong đó thiết bị gần nhất được kích nổ vào tháng 9-2017 có sức công phá khoảng 100 kiloton, gấp khoảng 5 lần so với quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Nagasaki của Nhật Bản năm 1945.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>