Mỹ khuyến cáo công dân không tới Iraq: Lo ngại tấn công khủng bố

25/10/2023 | 08:59 GMT+7

Liên tục nhiều vụ tấn công nhắm vào binh sĩ và các nhân viên Chính phủ Mỹ đã dấy lên quan ngại khiến Bộ Ngoại giao nước này khuyến cáo công dân không tới Iraq.

Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, Iraq. Ảnh: Reuters

Mới đây, nhiều máy bay không người lái (UAV) và rocket đã lao tới căn cứ không quân Ain al-Asad, nơi lực lượng Mỹ và quốc tế đóng quân ở phía Tây Iraq, gây ra nhiều vụ nổ. Cùng thời gian này, một căn cứ quân sự khác nơi lính Mỹ đồn trú ở gần sân bay quốc tế Baghdad, cũng bị nã rocket, cảnh sát Iraq thông tin nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Từ ngày 18-10 đến nay, 3 căn cứ quân sự của Iraq, vốn được lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu sử dụng, đã trở thành mục tiêu của 5 vụ tấn công riêng lẻ. Động thái trên khiến Mỹ đã lên tiếng cảnh báo ở mức độ nguy hiểm cấp độ 4, mức cao nhất và khuyến cáo công dân nước này không tới Iraq.

Sở dĩ Mỹ đưa ra tuyên bố khuyến cáo trên là do lo ngại khủng bố, bắt cóc, xung đột vũ trang, bạo loạn dân sự… sẽ còn tiếp diễn. Trong khi đó, các lực lượng quân đội của Mỹ ở Iraq không có đủ năng lực để hỗ trợ các công dân.  Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, các nhân viên Chính phủ Mỹ ở thủ đô Baghdad cũng được hướng dẫn không sử dụng Sân bay Quốc tế Baghdad do lo ngại về an ninh.

Giới quan sát cho rằng, số vụ tấn công nhằm vào các lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria đã tăng đột biến kể từ khi xung đột giữa quân đội Israel và Phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza nổ ra ngày 7-10. Các vụ tấn công này được cho là trả đũa việc Washington ủng hộ Israel tấn công Hamas ở Dải Gaza.

Theo đó, tuần trước, một tàu chiến Mỹ đã bắn rơi nhiều máy bay không người lái và 4 tên lửa hành trình được phóng bởi lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen được cho là nhắm tới các mục tiêu ở Israel. Mỹ đã tăng cường sự hiện diện của hải quân nước này ở Trung Đông trong thời gian qua bao gồm hai nhóm tác chiến tàu sân bay, các tàu hộ tống và khoảng 2.000 lính thủy đánh bộ.

Mỹ cũng dự tính sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) cũng như các tiểu đoàn tên lửa Patriot tới các địa điểm trong khu vực nhằm tăng cường bảo vệ các lực lượng Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ leo thang đáng kể các vụ tập kích vào quân đội Mỹ ở Trung Đông và khả năng Iran đang tìm cách mở rộng xung đột Israel - Hamas.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, tướng Patrick Ryder cho rằng: “Mặc dù không dự báo về bất kỳ phản ứng nào đối với các cuộc tấn công đó, nhưng tôi phải nói rằng Washington sẽ thực hiện mọi hành động cần thiết để bảo vệ lính Mỹ và lực lượng liên quân trước bất kỳ mối đe dọa nào. Bất kỳ phản ứng nào, nếu xảy ra, sẽ diễn ra vào thời điểm mà chúng tôi lựa chọn”.

Hiện Mỹ có khoảng 2.500 binh sĩ tại Iraq, thêm 900 quân ở Syria để thực hiện sứ mệnh cố vấn và hỗ trợ lực lượng địa phương chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Trong những năm qua, các nhóm quân được Iran hậu thuẫn ở Iraq thường xuyên tấn công lực lượng Mỹ ở Iraq và Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad bằng rocket. Những cuộc tấn công như vậy đã giảm bớt theo một thỏa thuận ngừng bắn được áp dụng từ năm ngoái và Iraq đã có một thời kỳ tương đối yên bình.

Tuy nhiên, trong 2 tuần qua, các vụ tấn công nhằm vào binh sĩ và công dân Mỹ lại liên tục nổ ra. Điều này đã khiến Washington có những động thái chuẩn bị trả đũa bằng vũ lực. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điều lực lượng hải quân tới Trung Đông, với dự định sẽ trả đũa lực lượng phiến quân và khủng bố nhằm bảo vệ binh sĩ và người dân Mỹ đang đồn trú tại Iraq.

Dù chưa thông tin kế hoạch đáp trả, tuy nhiên chắc chắn Washington không bỏ qua hành động khủng bố của các lực lượng này. Điều này không chỉ gia tăng căng thẳng giữa lực lượng binh sĩ Mỹ với lực lượng đối lập tại Iraq mà còn tiềm ẩn bùng phát các đợt giao tranh mới ngoài mong muốn.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>