Liên Hiệp Quốc: Căng thẳng ở Biển Đỏ có thể trở nên “không thể kiểm soát”

22/01/2024 | 07:03 GMT+7

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhận định, cuộc xung đột ở Dải Gaza đã khiến tình hình trong khu vực trở nên căng thẳng và cực kỳ bất ổn.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Yemen tuần tra ở Biển Đỏ, ngoài khơi thị trấn Mokha, tỉnh Taiz, gần eo biển chiến lược Bab al-Mandab, ngày 12-12-2023. Ảnh: AFP

Tổng Thư ký Guterres một lần nữa đề cập đến cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ sự kiện ngày 7-10, khi lực lượng Hamas tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào lãnh thổ Israel, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và hơn 200 người bị bắt làm con tin. Theo các quan chức y tế địa phương, việc Israel phong tỏa, ném bom và tấn công trên bộ vào Dải Gaza sau đó đã khiến gần 24.000 người tử vong.

Số dân thường thiệt mạng tăng cao ở Dải Gaza đã khiến cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ các hành động quân sự của Israel, đồng thời lôi kéo nhóm Hezbollah tại Lebanon và lực lượng Houthis ở Yemen vào cuộc xung đột.

Ông Guterres nói: “Căng thẳng cũng đang tăng cao ở Biển Đỏ và xa hơn nữa và có thể sẽ sớm không thể kiềm chế được”. Ông Guterres đồng thời cho biết thêm rằng ông lo ngại “các cuộc đọ súng hàng ngày” có nguy cơ “gây ra sự leo thang xung đột hơn giữa Israel và Lebanon, khiến căng thẳng sâu sắc hơn và ảnh hưởng đến sự ổn định trong khu vực”.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc cho rằng “xung đột ở Dải Gaza càng kéo dài thì nguy cơ leo thang và tính toán sai lầm càng lớn”.

Thực tế, số liệu của hãng vận tải biển Clarksons cho thấy, trong tuần đầu tiên của tháng 1-2024, số lượng tàu container qua Biển Đỏ và kênh đào Suez đã giảm 90% so với cùng kỳ năm 2023, đồng thời số lượng tàu phải chuyển hướng đi qua Nam Phi đã tăng gấp đôi kể từ tháng 12-2023.

Trong khi đó, theo công ty phân tích dữ liệu Everstream, cước phí vận tải đường biển các tuyến giữa châu Á - châu Âu và châu Á - Bắc Mỹ đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi xảy ra xung đột giữa Israel và phong trào Hamas tại Dải Gaza. Thông thường, cước phí các tuyến này không bị ảnh hưởng nhiều bởi tình hình kênh đào Suez.

Tuy nhiên, mực nước xuống thấp tại kênh đào Panama khiến hoạt động vận tải biển quốc tế trở nên phụ thuộc hơn vào tuyến đi qua Biển Đỏ. Do vậy, một số công ty vận tải và logistics đang tăng cường loại hình đa phương thức để đưa hàng từ châu Á đến Bờ Đông của Mỹ, đồng thời tăng cước phí thêm 63%.

Everstream dự đoán, trong thời gian tới, nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không sẽ tăng lên để bù đắp cho năng lực vận chuyển sụt giảm bằng đường biển.

Cũng theo Everstream, các chuyến tàu chở hàng kết nối giữa châu Á và Bắc Âu nếu phải đi đường vòng sẽ khiến chi phí nhiên liệu tăng thêm tới 1 triệu USD cả đi lẫn về. Tính tổng cộng, kể từ tháng 11-2023, chi phí phát sinh của tất cả các chuyến tàu hàng đã lên tới 200 tỉ USD.

Dự báo tổng công suất chuyên chở container của thế giới, đang ở mức 24,6 triệu TEU (đơn vị container 20 feet), sẽ giảm khoảng 10-15% vì bất ổn trên Biển Đỏ.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>