Quyết tâm, trách nhiệm cao trong triển khai Đề án vị trí việc làm

12/01/2024 | 08:44 GMT+7

Đề án tạm thời vị trí việc làm các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Hậu Giang (đề án) vừa được ban hành. Đây là cơ sở quan trọng, căn cứ khoa học để xác định rõ trong một cơ quan, tổ chức có bao nhiêu vị trí công tác và ứng với mỗi vị trí thì cần bao nhiêu biên chế làm việc để hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan đó.

Từ ngày 2-1-2024, cán bộ, công chức, viên chức phải kê khai nhật ký công việc hàng ngày. Ảnh: DƯ NGỌC

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, nói: “Hậu Giang đi đầu trong việc xây dựng Đề án tạm thời vị trí việc làm các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Đề án được tỉnh chuẩn bị rất kỹ lưỡng, công phu, nghiêm túc và khoa học. Đề án của tỉnh được Ban Tổ chức Trung ương đánh giá là kỹ lưỡng, sâu sắc. Ban Tổ chức Trung ương đã giao quyền cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc triển khai đề án này”.

Đề án được xây dựng công phu, nghiêm túc

Ông Nguyễn Thiện Nhơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho biết, xác định ý nghĩa tầm quan trọng của đề án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo gồm 29 đồng chí, do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban chỉ đạo; thành lập Tổ giúp việc, ban hành kế hoạch triển khai xây dựng vị trí việc làm.

Tỉnh ủy tổ chức hội nghị triển khai đề án.

Để hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện, Ban chỉ đạo đã ban hành Hướng dẫn số 01 ngày 26-9-2023, trong đó xác định rõ các mốc thời gian cụ thể và quy trình triển khai thực hiện, đề ra 5 nguyên tắc trong quá trình xây dựng vị trí việc làm.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc xây dựng đề án, Ban chỉ đạo đã tổ chức 5 cuộc họp, hội nghị để triển khai, quán triệt; Tổ giúp việc tổ chức họp 9 cuộc để phân công, tổ chức thực hiện, thẩm định đề án, tiến hành khảo sát thực tế ở các cơ quan, đơn vị, địa phương; tổ chức Hội nghị lấy ý kiến với trên 350 đại biểu của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Dự thảo đề án đã được sự tham gia góp ý tích cực, trách nhiệm cao của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và thống nhất rất cao tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy…

Cũng theo ông Nguyễn Thiện Nhơn, thông qua việc xây dựng vị trí việc làm là cơ sở quan trọng, căn cứ khoa học để thực hiện có hiệu quả, thực chất công tác đánh giá cán bộ qua sản phẩm công việc, số lượng, chất lượng công việc; là căn cứ để xác định biên chế, chỉ tiêu thi nâng ngạch, thăng hạng, tuyển dụng, bố trí sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và tinh giản biên chế hàng năm. Qua đó, nâng cao tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm tự đào tạo, hoàn thiện cá nhân trong thực thi công việc, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động của cán bộ, cơ quan, đơn vị.

Những nội dung đáng chú ý

Đề án gồm có 5 phần, áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong chỉ tiêu biên chế và hợp đồng lao động được cấp có thẩm quyền giao thuộc các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn tỉnh.

Danh mục vị trí việc làm, biên chế và khung năng lực, cơ cấu ngạch danh mục vị trí việc làm, biên chế và khung năng lực, cơ cấu ngạch công chức, viên chức theo đề án này làm căn cứ để tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch, thăng hạng, bố trí và sử dụng cán bộ trong các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tiêu chuẩn về ngạch để bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý áp dụng quy định của cấp có thẩm quyền.

Mục tiêu nhằm xác định rõ trong một cơ quan, tổ chức có bao nhiêu vị trí công tác và ứng với mỗi vị trí thì cần bao nhiêu biên chế làm việc để hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan đó. Xác định khung năng lực của cán bộ ở mỗi cấp độ từ đơn giản đến phức tạp. Định hướng đào tạo, tuyển dụng, luân chuyển cán bộ đáp ứng yêu cầu thực tế. Xác định biên chế cần thiết, hợp lý cho mỗi cơ quan, đơn vị; sắp xếp lại đội ngũ cán bộ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tinh giản biên chế dôi dư do năng suất, hiệu quả công việc kém; không đủ tiêu chuẩn và không sắp xếp được việc làm.

Về kết quả xác định danh mục vị trí việc làm, khung năng lực, biên chế và cơ cấu ngạch công chức, viên chức, tổng số vị trí việc làm là 322 vị trí. Tổng số biên chế cán bộ, công chức, viên chức là 660, trong đó biên chế cán bộ, công chức 568 (giảm 30 biên chế so với số Ban Tổ chức Trung ương giao năm 2022, đạt 5% tỷ lệ tinh giản biên chế đến hết năm 2026); biên chế viên chức 92 (giảm 10 biên chế so với số Ban Tổ chức Trung ương giao năm 2022, đạt 10% tỷ lệ tinh giản biên chế đến hết năm 2026). Người lao động hợp đồng là 92 (theo vị trí việc làm).

Về việc bố trí cán bộ theo vị trí việc làm, cán bộ đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được bố trí đảm nhiệm vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý tương ứng, đồng thời phải kiêm nhiệm thêm 1 vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ.

Đối với vị trí việc làm thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên môn, chuyên ngành, bố trí vị trí việc làm chuyên viên chính nhóm nghiệp vụ chuyên môn, chuyên ngành ở các cơ quan cấp tỉnh. Không bố trí vị trí việc làm chuyên viên chính nhóm nghiệp vụ chuyên ngành và nhóm nghiệp vụ chuyên môn dùng chung ở cấp huyện theo đúng quy định của Ban Tổ chức Trung ương. Đối với các cơ quan, đơn vị địa phương có cán bộ giữ ngạch công chức, viên chức, chưa đáp ứng theo vị trí việc làm theo yêu cầu của đề án này, thì xem xét tạo điều kiện hoàn thiện tiêu chuẩn ngạch theo quy định.

Đối với vị trí việc làm thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ, trên cơ sở biên chế hợp đồng lao động được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao hàng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét bố trí cho phù hợp với biên chế và số lượng hợp đồng được giao.

Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành, đề án được ban hành sẽ là cơ sở quan trọng, căn cứ khoa học để xác định rõ trong một cơ quan, tổ chức có bao nhiêu vị trí công tác và ứng với mỗi vị trí thì cần bao nhiêu biên chế làm việc để hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan đó; định rõ khung năng lực của cán bộ ở mỗi cấp độ từ đơn giản đến phức tạp; làm cơ sở định hướng đào tạo, tuyển dụng, luân chuyển cán bộ đáp ứng yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, xác định biên chế cần thiết, hợp lý cho mỗi cơ quan, đơn vị; sắp xếp lại đội ngũ cán bộ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, là căn cứ tinh giản biên chế dôi dư do năng suất, hiệu quả công việc kém, không đủ tiêu chuẩn và không sắp xếp được việc làm.

Với ý nghĩa đó, để triển khai, thực hiện có hiệu quả đề án, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị phát huy vai trò của người đứng đầu với quyết tâm, trách nhiệm cao nhất, cần gương mẫu, nghiêm túc trong rà roát, kiểm tra công việc đối với cán bộ mình phụ trách. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để mỗi cán bộ, công chức, viên chức nắm sâu, hiểu rõ, triển khai thực hiện có chất lượng trên cơ sở nâng cao tinh thần tự giác, trung thực, ý thức trách nhiệm trong thực thi công việc, kê khai nhật ký công việc hàng ngày (từ ngày 2-1)…

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>