Nhiều giải pháp, cách làm hay trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

29/03/2024 | 08:42 GMT+7

Mới đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh tổ chức Hội thảo chuyên đề “Nữ lãnh đạo các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam chia sẻ giải pháp, cách làm hay trong thực hiện chính sách BHXH, BHYTđể hoàn thành nhiệm vụ năm 2024”. Nhiều giải pháp, cách làm hay đã được chia sẻ, để các địa phương có thể tham khảo, học hỏi, góp phần thực hiện tốt chính sách bảo hiểm trên địa bàn.

Những chia sẻ tại hội thảo của các nữ lãnh đạo các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam, sẽ được BHXH các địa phương tham khảo, học hỏi.

Từ những mô hình, cách làm hay

Theo bà Nguyễn Thị Đan Thương, Giám đốc BHXH tỉnh Trà Vinh, thời gian qua, để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, BHXH tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, BHXH các huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tham mưu công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp hiệu quả. Đồng thời, linh hoạt trong công tác tuyên truyền, vận động; phối hợp tốt với các hội, đoàn thể tổ chức các mô hình tuyên truyền mang lại hiệu quả cao như: Mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm để tham gia BHXH tự nguyện” của hội liên hiệp phụ nữ các cấp; mô hình “Cựu chiến binh cùng nhân dân tham gia BHYT”, mô hình “1+1” phát triển BHXH tự nguyện, BHYT trong lực lượng hội viên hội đoàn thể huyện...

Tùy tình hình thực tế, cơ quan BHXH linh hoạt chỉ đạo cán bộ, viên chức làm công tác tuyên truyền phối hợp với nhân viên thu ở xã, phường lựa chọn các hộ gia đình tiềm năng để nhóm tuyên truyền đến tuyên truyền tại từng hộ gia đình...

Từ năm 2024, BHXH tỉnh Trà Vinh tiếp tục phối hợp với các ngành có liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xem xét, trình cấp có thẩm quyền hỗ trợ kinh phí địa phương (30%) mua thẻ BHYT cho người dân tộc thiểu số  theo Nghị định số 75/NĐ-2023 của Chính phủ (hiện nay nhóm này đã được ngân sách Trung ương hỗ trợ 70% mức đóng).

“Chúng tôi còn kêu gọi, vận động sự đồng hành, đóng góp, ủng hộ kinh phí của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để giúp những người khó khăn chưa được ngân sách hỗ trợ có điều kiện tham gia BHYT. Khi đó, vừa giúp người dân được bảo vệ về sức khỏe, kinh tế khi ốm đau, bệnh tật, vừa mở rộng hơn nữa diện bao phủ BHYT của tỉnh”, bà Thương nhấn mạnh.

Còn bà Lê Thị Kim Yên, Phó Giám đốc BHXH huyện Phú Tân (tỉnh Cà Mau) đã chia sẻ về mô hình phụ nữ vận động tham gia BHXH tự nguyện “1 sổ + 1 sổ”. Đây là một trong những mô hình mang lại hiệu quả cao tại địa phương.

Mô hình này được ra mắt vào ngày 16-2-2023. Thực hiện mô hình, bước đầu hội liên hiệp phụ nữ huyện phối hợp với BHXH huyện xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu cho các chi hội phụ nữ; tổ chức hội nghị triển khai chính sách BHXH tự nguyện cho các hội viên phụ nữ. Theo đó, vận động các chi hội trưởng, chi hội phó phụ nữ tham gia BHXH tự nguyện cho bản thân và sau đó vận động thêm 1 người cùng tham gia, 1 người mới tham gia đó tiếp tục tuyên truyền, vận động thêm 1 người tham gia nữa, và cứ tiếp tục như thế.

“Thêm 1 người tham gia BHXH tự nguyện từ mô hình “1 sổ + 1 sổ” là được thêm 1 cộng tác viên, 1 tuyên truyền viên mới; và cứ thế số người tham gia, số người am hiểu về chính sách BHXH tự nguyện trên địa bàn tăng lên”, bà Yên cho biết.

Trước khi áp dụng mô hình toàn huyện Phú Tân có 1.721 người tham gia BHXH tự nguyện. Sau khi mô hình được áp dụng hiểu biết của người dân về chính sách BHXH tự nguyện được nâng lên đáng kể. Tính đến cuối năm 2023, toàn huyện có 2.174 người tham gia, tăng 453 người, tương ứng tăng 1,11% so với chưa áp dụng mô hình, đạt 107,41% kế hoạch BHXH tỉnh Cà Mau giao.

Chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền và tham mưu cấp ủy, chính quyền về công tác bảo hiểm

Là nữ lãnh đạo đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, nhà báo Nguyễn Hải Hồng, Tổng Biên tập Tạp chí BHXH đã chia sẻ những điểm nhấn trong công tác phối hợp tuyên truyền chính sách. Theo đó, Tạp chí BHXH luôn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan và BHXH các địa phương thực hiện hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về các hoạt động của ngành. Chú trọng phản ánh các mô hình hay, cách làm hiệu quả của BHXH các địa phương; tăng cường tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích, sáng kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để chia sẻ, lan tỏa và nhân rộng.

Riêng với tỉnh Hậu Giang, đại diện Tạp chí BHXH tại khu vực phía Nam đã bám sát và thông tin kịp thời các sự kiện quan trọng về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó có chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tuyên truyền các mô hình hay về phát triển người tham gia BHXH, BHYT như: mô hình “Ấp có 100% người dân tham gia BHYT”; mô hình “Phụ nữ tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện, BHYT”; mô hình “Tiết kiệm ống heo để tham gia BHYT hộ gia đình”…

Chia sẻ kinh nghiệm về giải pháp tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác BHXH, BHYT, bà Trần Thị Kim Thảo, Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng Truyền thông (BHXH tỉnh Hậu Giang), cho biết: “BHXH tỉnh đã thực hiện giải pháp chủ động tổ chức các hội thảo chuyên đề và chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền ban hành văn bản thực hiện mô hình “Đảng viên là tuyên truyền viên chính sách BHXH, BHYT”.

Năm 2023, BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, hội, đoàn thể và UBND các huyện, thị, thành tổ chức 10 cuộc hội thảo xoay quanh nhiều nội dung như: Chia sẻ các giải pháp, mô hình cách làm hay trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT,… Ngoài ra, 8 huyện, thị, thành ủy ban hành các văn bản về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác BHXH tự nguyện, BHYT trên địa bàn, trong đó đảng viên là lực lượng nòng cốt, là tuyên truyền viên chính sách BHXH, BHYT. Cấp ủy chỉ đạo cán bộ, đảng viên gương mẫu tham gia cho người thân trước và tuyên truyền, vận động người quen tham gia BHXH tự nguyện, BHYT  hộ gia đình.

Nhìn chung, thông qua các hội thảo chuyên đề, các đơn vị có sự trao đổi, giải đáp, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Song song đó, các đảng bộ, chi bộ, người đứng đầu các đơn vị có nhiều sự quan tâm hơn trong việc tuyên truyền, chỉ đạo cán bộ, đảng viên tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho người thân, góp phần lan tỏa chính sách BHXH, BHYT của Đảng, Nhà nước đến toàn dân.

“Từ các giải pháp trên đã góp phần cho BHXH tỉnh Hậu Giang hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được BHXH Việt Nam giao năm 2023. Cụ thể, số người tham gia BHXH tự nguyện của tỉnh trên 24.000 người, tăng gần 6.000 người so với năm 2022, trong đó có 30% đảng viên tham gia BHXH tự nguyện cho người thân, đạt 6,59% lực lượng lao động, đạt 108,6% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Hơn 685.000 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ hơn 94% dân số,  tăng hơn 9.000 người so với năm 2022, đạt 100,6% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, trong đó có 100% đảng viên tham gia BHYT cho người thân”, bà Thảo cho biết.

BHXH, BHYT là chính sách nhân văn của Nhà nước, góp phần chăm sóc sức khỏe và đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động cho người dân. Vì thế, với những chia sẻ của các nữ lãnh đạo đơn vị thuộc BHXH Việt Nam sẽ được BHXH các địa phương học hỏi, góp phần thực hiện tốt công tác bảo hiểm trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Cảnh Tuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đánh giá cao những giải pháp, cách làm hay của các nữ lãnh đạo trong ngành BHXH.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định địa phương luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ; vận động xã hội hóa tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, tích cực giải quyết các vấn đề khó khăn trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế…

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>