Tái diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường

25/09/2023 | 08:57 GMT+7

Dù ngành chức năng đã nhiều lần nhắc nhở, thậm chí ra quân xử lý, nhưng vẫn còn nhiều người dân lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, mua bán.

Ngành chức năng thường xuyên ra quân tuyên truyền, giải tỏa, xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường.

Dẹp đến bao giờ ?

Tình trạng mua bán lấn chiếm lề đường, vỉa hè diễn ra như “cơm bữa”, bởi dễ mua, dễ bán nhưng điều này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho chính những người trong cuộc và cả người đi đường. Thực tế, thực trạng này đang diễn ra ở nhiều nơi trong tỉnh. Đáng chú ý là khu vực qua chợ Cái Tắc, chợ Cầu Móng (Quốc lộ 61), Khu công nghiệp Sông Hậu (Quốc lộ Nam Sông Hậu), Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh (Quốc lộ 1), còn Quốc lộ 61C đoạn nhiều nhất là từ cầu Trầu Hôi đến cầu 2.000 và đoạn từ cầu Hội Đồng về nút giao cầu Mương Lộ. Tuyến đường Trần Hưng Đạo, đoạn từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đến đường dẫn vào Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp thành phố Vị Thanh.

Theo tìm hiểu, các hộ này chủ yếu bán nông sản địa phương như: dừa nước, lươn, ếch, rắn, cá, khô, trái cây… Người bán thì vô tư bày hàng hóa, còn người mua thì đậu xe dưới lòng, lề đường khiến cho các phương tiện lưu thông trên đường di chuyển khó khăn. Đường càng lớn, lưu lượng xe càng đông tỷ lệ thuận với số lượng quầy sạp hàng hóa.

Anh M. thường xuyên đi trên Quốc lộ 61C, bày tỏ: “Tôi thấy rất nguy hiểm, người mua đậu xe hết cả phần đường dành cho xe máy. Còn người bán thì để hàng hóa trên mép đường, rồi còn che dù cản trở tầm nhìn của người điều khiển phương tiện. Khi đi ngang những chỗ buôn bán lấn chiếm, mình phải chạy qua làn đường của xe ô tô. Xe vắng thì còn đỡ, còn xe đông, chạy tốc độ cao dễ xảy ra tai nạn”.

Thực tế, ngành chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền, lắp đặt các tấm bảng với dòng chữ “cấm tụ tập mua bán”, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, nhưng vẫn còn tình trạng “né tránh”, khi không có lực lượng chức năng thì người dân lại bày bán.

Là một trong những hộ buôn bán dọc Quốc lộ 61C, bà T. ở xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, lý giải: “Dù biết là nguy hiểm nhưng bán như vậy nhanh hơn vì tiện cho người mua. Ngành chức năng cũng kiểm tra, nhắc nhở nhưng vì thu nhập nên làm liều”.

Ông Nguyễn Lâm Thành, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, nhìn nhận, vấn đề mua bán lấn chiếm lòng lề đường đã diễn ra nhiều năm, lặp đi lặp lại nhiều lần. Theo ông Thành, trong những năm qua, ngành chức năng liên tục ra quân tuyên truyền, xử lý hành vi mua bán không đúng nơi quy định. Tuy nhiên, do ý thức của một bộ phận người dân vẫn còn kém nên chưa giải quyết triệt để. Mặt khác, do hiện tại, một số địa phương vẫn chưa bố trí đầy đủ chỗ cho người dân buôn bán, một số nơi đã bố trí những vị trí buôn bán nhưng lại không thuận tiện. Tâm lý người dân là khi ra mặt đường thì người qua lại sẽ nhiều, bán được hơn. Từ đó dẫn đến việc người dân bất chấp nguy hiểm, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán.

Ông Nguyễn Lâm Thành chia sẻ: Khi có lực lượng chức năng đến thì bà con mua bán tự rời đi hoặc là dọn dẹp. Khi lực lượng đã rời đi thì người dân dọn ra mua bán bình thường. Đó là vấn đề hết sức nhức nhối. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, giáo dục cho bà con. Đặc biệt là trách nhiệm của địa phương cũng nặng nề trong vấn đề này”.

Có thể thấy, từ hộ kinh doanh đến điểm buôn bán tự phát, vô tình hay cố ý đã chiếm dụng vỉa hè, hành lang an toàn giao thông làm nơi buôn bán. Về tình, hầu hết bà con kinh tế khó khăn nên đành chọn đánh liều buôn bán, nhưng về lý, họ đang vi phạm pháp luật. Chẳng ai nói trước được điều gì sẽ xảy ra khi mua bán lấn chiếm lòng lề đường, xe cộ lưu thông tốc độ cao. Thực tế đã chứng minh, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra mà nguyên nhân bắt nguồn từ lấn chiếm lòng lề đường. Vậy nên, nếu tiếp tục kéo dài, dễ dẫn đến tình trạng “lờn luật” và phát sinh những rắc rối, hệ lụy như mất an ninh trật tự, mất đi vẻ mỹ quan của khu vực.

Ông Nguyễn Lâm Thành khẳng định: “Việc mua bán lấn chiếm lòng lề đường, hành lang an toàn giao thông đường bộ là hành vi vi phạm. Từng hành vi cụ thể sẽ bị phạt với mức tiền theo Nghị định 100 của Thủ tướng Chính phủ quy định. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân hiểu về hành vi mua bán như vậy cản trở, mất an toàn giao thông, ảnh hưởng mỹ quan đô thị và môi trường. Trường hợp cố tình vi phạm thì chúng tôi xử lý theo quy định. Để làm tốt công tác tuyên truyền, tôi nghĩ là phải làm thường xuyên và liên tục. Địa phương cũng tạo nơi phù hợp để người dân mua bán, tránh trường hợp vì điều kiện người dân khó khăn quá buộc lòng phải ra đây mua bán như thế thì mất trật tự an toàn giao thông, hết sức nguy hiểm”.

Ngoài sự quyết liệt tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý, nên chăng các ngành chức năng đẩy mạnh đào tạo nghề, giới thiệu việc làm giúp người dân nói chung, nhất là những người “mua gánh bán bưng” mua có nơi, bán có chỗ. Từ đó, câu chuyện “biết rồi nói mãi”, mới có thể giải quyết căn cơ, trả lại đường thông, hè thoáng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết cũng xử lý những vị trí xung đột giao thông được UBND tỉnh phê duyệt và bố trí kinh phí trong thời gian nhanh nhất, tiếp tục rà soát, phát hiện những vị trí có nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông để đưa vào kế hoạch khắc phục. Ngoài ra, rà soát những biển báo đã hư hỏng, có kế hoạch sửa chữa, thay thế, bổ sung, tạo điều kiện cho người dân khi tham gia giao thông được thuận tiện, dễ dàng, góp phần phòng tránh tai nạn.

 

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>