Khổ vì cái tên quá... dài

30/10/2019 | 10:22 GMT+7

Suốt một tháng trời, đi từ xã lên huyện rồi cấp tỉnh nhưng chị Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phương (33 tuổi, ngụ xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) vẫn chưa thể “cắt ngắn” được cái tên quá dài của mình.

Chị Linh Phương và văn bản về việc từ chối hồ sơ xin thay đổi tên của UBND huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai - Ảnh: A LỘC

Trước đó, chị Phương tới chi nhánh của Ngân hàng Agribank ở huyện Nhơn Trạch để đăng ký mở tài khoản để làm thẻ ATM nhưng không thể ra thẻ do tên quá dài. Ngoài ra, cái tên dài "6 chữ" cũng khiến chị Phương gặp khó khăn, bất tiện khi làm một số thủ tục, hồ sơ cũng như bị bạn bè chọc ghẹo.

Vì vậy, chị Phương làm thủ tục xin đổi tên để thuận tiện hơn trong các giao dịch sau này.

Rắc rối từ cái tên

Ngày 27-9, chị Phương có đơn gửi bộ phận một cửa của UBND huyện Nhơn Trạch để xin rút ngắn tên thành Nguyễn Thị Kim Phương. Ba ngày sau, chị Phương nhận được tin nhắn lên rút đơn về. Chị Phương xin quyết định giải quyết thì được UBND huyện Nhơn Trạch trả lời bằng văn bản số 7653/UBND-NC về việc từ chối hồ sơ xin thay đổi chữ đệm tên của công dân.

Không đồng ý với cách giải quyết của UBND huyện Nhơn Trạch, ngày 8-10 chị Phương đến Trung tâm Hành chính công tỉnh Đồng Nai (TP Biên Hòa) để đề nghị được sửa tên. Tuy nhiên, 2 cán bộ tại đây giải thích tên của chị Phương không xấu và nói rằng chừng nào cái tên gây ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm hay gây trầm cảm… thì mới đổi được.

Hai hôm sau, chị Phương tiếp tục "gõ cửa" Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai nhưng cũng chỉ nhận được hướng dẫn về huyện để được giải quyết.

Chị Phương cho rằng tên dài đã ảnh hưởng lợi ích chính đáng của chị nên mới xin đổi tên ngắn hơn. Chị trình bày: "Tôi chưa kết hôn, giấy tờ của tôi cũng dễ chỉnh sửa hơn người đã kết hôn. Bây giờ tôi chỉ chỉnh tên trên giấy CMND và giấy tờ nhà đất thôi. Còn bằng cấp ngày xưa tôi cũng không chỉnh sửa lại làm gì vì công việc của tôi độc lập, không cần thiết".

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Phạm Sơn Điền - phó chánh văn phòng UBND huyện Nhơn Trạch - cho biết theo quy định, quyền thay đổi tên là quyền dân sự của công dân. Cá nhân có quyền được phép yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 28, Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể, việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó.

Trong trường hợp của chị Phương có yêu cầu thay đổi chữ đệm tên với lý do tên quá dài không thể làm thẻ ATM được không thuộc các trường hợp được thay đổi họ tên theo điều luật trên. Do đó, việc UBND huyện Nhơn Trạch ban hành văn bản số 7653/UBND-NC từ chối là đúng quy định của pháp luật.

Huyện cũng đã có làm việc với chi nhánh Ngân hàng Agribank ở Nhơn Trạch. Theo quy định của ngành khi mở thẻ, độ dài của tên tối đa 26 ký tự (kể cả khoảng trắng). Trong khi tên chị Phương dài 33 ký tự nên chi nhánh không thể thực hiện được. Tuy nhiên, đây là trường hợp đặc biệt, chi nhánh sẽ xin ý kiến ngân hàng cấp trên để được hướng dẫn, hỗ trợ và sớm có hướng giải quyết cho chị Phương.

Nên linh động giải quyết cho người dân

Luật sư Trương Tiến Dũng (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai) nhận định trường hợp này UBND huyện Nhơn Trạch tuy làm đúng nhưng hơi cứng nhắc. Việc chị Phương muốn thay đổi tên chỉ với mục đích thuận tiện hơn trong làm giao dịch dân sự nên chính quyền có thể linh động giải quyết cho người dân.

Trong khi đó, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai) lại cho rằng việc UBND huyện Nhơn Trạch từ chối rút ngắn tên cho chị Phương là sai và máy móc do bám vào câu từ của luật.

Bởi ngay ở Điểm a, Khoản 1, Điều 28 quy định rõ các lý do để thay đổi. Việc chị Phương do tên dài làm ảnh hưởng đến các giao dịch như thẻ ATM chính là ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp. Ngoài ra, vì tên dài mà bị trêu chọc là ảnh hưởng đến danh dự, tình cảm hạnh phúc gia đình... Đây là căn cứ để yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên.

Riêng trong trường hợp này, chị Phương có thể khởi kiện UBND huyện Nhơn Trạch hoặc làm lại hồ sơ, nêu rõ lý do thay đổi cụ thể là không thể làm thẻ ATM gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chị theo Điểm a, Khoản 1, Điều 28.

Tên dài vẫn có thể mở thẻ ATM

Trao đổi về việc tên dài không thể mở thẻ ATM, đại diện Ngân hàng Agribank Đồng Nai cho rằng tên dài vẫn có thể mở thẻ bình thường và viết tắt bớt họ tên của khách hàng cho phù hợp. Đối với trường hợp của chị Phương, vị đại diện này hướng dẫn chị đến Phòng giao dịch Nam Đồng Nai để được hướng dẫn các thủ tục mở tài khoản theo quy định của ngân hàng.

Theo A LỘC – Tuổi Trẻ Online

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>