Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hậu Giang trong tình hình mới

06/10/2023 | 07:52 GMT+7

Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hậu Giang đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, vừa ban hành, tiếp tục thể hiện sự quan tâm đặc biệt của tỉnh, là động lực để văn hóa phát triển đồng bộ, có chiều sâu.

Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023 lần đầu tiên tổ chức vừa diễn ra, được kỳ vọng tạo ra sản phẩm văn hóa mang đặc trưng gắn với phát triển du lịch của tỉnh.

Quan tâm đồng bộ

Có thể nói, Nghị quyết số 15 được ban hành là sự quan tâm kịp thời, trách nhiệm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, khi văn hóa đã và đang được xem là động lực để phát triển...

Thời gian qua, văn hóa từng bước được quan tâm và tạo cơ hội phát triển. Điều dễ nhận thấy là kết quả từ phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa sau một chặng đường, với những thành tích đáng tự hào. Hậu Giang hiện có 185.123 gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 93,21%, trong đó có 12.248 gia đình văn hóa tiêu biểu, chiếm tỷ lệ 6,59% số lượng gia đình văn hóa; 38/51 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 74,5%, 21/24 phường văn minh đô thị, chiếm tỷ lệ 87,5%, trong đó có 2 đơn vị đạt chuẩn văn minh đô thị nâng cao. Mỗi năm, chất lượng của phong trào thể hiện bằng việc nâng chất từng danh hiệu, quan trọng là danh hiệu gia đình văn hóa, gương người tốt, việc tốt, nâng cao ý thức người dân không chỉ bằng xây dựng đầu tư và nâng tầm hệ thống thiết chế văn hóa, để người dân có nhiều điều kiện sinh hoạt, vui chơi, giải trí. Hệ thống thư viện đã được kiện toàn, với Thư viện tỉnh, 8 thư viện cấp huyện và nâng chất 100% phòng đọc sách cấp xã lên thư viện cấp xã, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân.

Lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật được nâng tầm. Hệ thống trung tâm văn hóa được hoàn thiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, đảm bảo công tác tuyên truyền đến với người dân bằng nhiều hình thức: tuyên truyền miệng, trực quan, sân khấu hóa... Đội ngũ tuyên truyền viên được tạo điều kiện để nâng tầm bằng các hội thi, hội diễn. Ông Lê Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, chia sẻ: Mỗi năm, hội thi các hoạt động tuyên truyền cổ động, nghệ thuật quần chúng, các câu lạc bộ văn hóa - nghệ thuật được luân phiên tổ chức, bám sát thời sự, định hướng phát triển của tỉnh và địa phương. Mỗi đơn vị không chỉ xây dựng chương trình để dự thi, mang về địa phương phục vụ, tạo nên sức lan tỏa sâu rộng, giúp người dân nắm bắt kịp thời những thông tin cần thiết.

Đội ngũ văn - nghệ sĩ của tỉnh được tạo mọi điều kiện để phát huy sáng tạo, kịp thời phản ánh sự phát triển của tỉnh bằng những tác phẩm nghệ thuật. Toàn tỉnh có trên 170 văn - nghệ sĩ, sinh hoạt ở 10 phân hội chuyên ngành. Hàng năm, mỗi hội viên đều được tạo điều kiện tham gia những chuyến thực tế sáng tác, tham dự trại sáng tác trong và ngoài tỉnh, để nâng cao trình độ, sáng tác những tác phẩm phản ánh hơi thở cuộc sống, mang đến bức tranh toàn cảnh về đất và người Hậu Giang...

Thêm cơ hội để phát triển nâng tầm

Trong Nghị quyết số 15, mở ra nhiều cơ hội để tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hậu Giang đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Mục tiêu chung là xây dựng văn hóa, con người Hậu Giang phát triển toàn diện, hướng đến chân, thiện, mỹ, yêu nước, đoàn kết, nghĩa tình, năng động, bản lĩnh, trí tuệ...

Từ mục tiêu chung này, có định hướng cụ thể từng năm, từng giai đoạn. Trong đó, đến năm 2025, có 80% học sinh trong các trường học được giáo dục về giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của đất nước con người Việt Nam; giáo dục về truyền thống lịch sử, nếp sống văn minh, ứng xử có văn hóa mang đặc trưng văn hóa, con người Hậu Giang. Phấn đấu từ 70% thiết chế văn hóa đều được phát huy chức năng, từ 50% di tích lịch sử, văn hóa quốc gia trên địa bàn tỉnh và di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh xuống cấp được tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị. Đảm bảo trên 80% các địa phương, cơ quan, đơn vị, gia đình đạt được các danh hiệu văn hóa trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và các phong trào thi đua, cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Định hướng được một số ngành công nghiệp văn hóa trọng tâm và một số sản phẩm văn hóa mang đặc trưng của Hậu Giang gắn với các điểm du lịch của tỉnh. Hoàn thành quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa cho công nhân lao động tại các khu cụm công nghiệp của tỉnh. Phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa mỗi năm tăng 20% so với mức chi hiện tại (mức chi hiện tại khoảng 0,5%/tổng chi ngân sách hàng năm).

Sắp tới đây, kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết này được thực hiện, ngành văn hóa có thêm nhiều cơ hội để phát huy, góp phần xây dựng văn hóa phát triển toàn diện, con người Hậu Giang ngày càng hiện đại, văn minh, đáp ứng xu thế hội nhập và phát triển. Là người làm công tác văn hóa nhiều năm, ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hồ hởi: “Đây là niềm hạnh phúc của những người làm văn hóa nghệ thuật, cơ hội đề lĩnh vực này có thể phát huy lợi thế. Chúng tôi tiếp tục tận dụng sự quan tâm đặc biệt này, để thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi của mình, góp phần đưa văn hóa, con người Hậu Giang phát triển, vươn tầm”.

Một cơ hội mới đang mở ra, chắc rằng trong quá trình thực hiện sẽ có những khó khăn, nhưng với sự quan tâm kịp thời, trách nhiệm, nghị quyết ý nghĩa này sẽ sớm đi vào cuộc sống.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>