Xuất ngoại cầu thủ: Bấp bênh tìm chỗ đứng

09/01/2023 | 18:54 GMT+7

Ra nước ngoài thi đấu không khó, nhưng cầu thủ có thể trụ lại và thành công mới là vấn đề đáng quan tâm.

Cầu thủ Việt Nam cần tìm một bến đỗ phù hợp trước khi chuẩn bị xuất ngoại để thành công hơn.

Vẫn loay hoay...

Nhiều cầu thủ Việt Nam đã ra nước ngoài thi đấu như Đoàn Văn Hậu, Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng,… nhưng chưa ai thực sự thành công. Dù nổi bật ở tuyển Việt Nam nhưng đến xứ người họ không tìm được chỗ đứng, thường ngồi ghế dự bị, gây ảnh hưởng đến phong độ, khiến các tiềm năng mất đi sự nhạy bén vốn có. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ trình độ cầu thủ Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của câu lạc bộ, thiếu tự tin, hạn chế thể hình, thể lực, dẫn đến khó hòa nhập lối chơi chung. Họ cũng chưa kịp thích ứng với khối lượng bài tập lớn, cách tiếp cận trận đấu, phương pháp huấn luyện trong điều kiện thời tiết khác biệt so với Việt Nam, dễ bị chấn thương kéo dài. Khả năng ngoại ngữ của cầu thủ chưa tốt nên hạn chế giao tiếp với đồng đội cũng như hiểu được ý đồ chiến thuật huấn luyện viên đề ra.

Xuất ngoại cầu thủ là hướng đi đang được các đội bóng Việt Nam chú ý, nhưng dường như tất cả đang loay hoay để tìm công thức phù hợp. Tuy nhiên, những chuyến “du học” khá khắc nghiệt, tính cạnh tranh cao lại mang đến nhiều hành trang cần thiết, giúp cầu thủ trưởng thành, bản lĩnh, cải thiện chuyên môn khi được tập luyện và thi đấu ở môi trường chuyên nghiệp. Việc này lại giúp ích cho bóng đá nước nhà vì một đội tuyển mạnh là tập hợp nhiều cầu thủ giỏi được trải nghiệm.

Giải pháp

Trước khi xuất ngoại, cầu thủ Việt Nam cần xác định đâu là giới hạn bản thân và sẽ phát triển năng lực đạt ngưỡng nào; tìm hiểu kỹ về văn hóa bóng đá, đất nước sẽ đến; kiên trì, phương pháp tập luyện chuyên nghiệp và luôn thử thách, tận dụng tốt từng cơ hội được trao. Quan trọng, cầu thủ phải chọn được một đội bóng phù hợp với tố chất, kỹ thuật, thể lực và tầm vóc để có cơ hội thi đấu. Đồng thời, mạnh dạn thể hiện bản lĩnh, bước tiến chuyên môn, chứng minh rằng vận động viên Việt Nam vẫn đủ trình độ thi đấu nước ngoài.

Muốn thoát khỏi khó khăn này, bóng đá Việt Nam phải thay đổi mạnh mẽ và toàn diện cách làm hiện nay. Cầu thủ phải hội tụ đủ những yếu tố ổn định về chuyên môn, dễ dàng thích nghi với nhiều phương án, tình huống chiến thuật, sự tự lập và khả năng ngoại ngữ phù hợp, giúp họ tự tin trong các buổi tập, là tiền đề để được huấn luyện viên lựa chọn. Còn các câu lạc bộ bóng đá trong nước phải tạo ra môi trường chuyên nghiệp, cùng xây dựng giải đấu mang tính cạnh tranh cao. Chú trọng đào tạo cầu thủ với lộ trình cụ thể, được đánh giá thường xuyên, thay đổi khi thấy chưa phù hợp để bồi dưỡng nên những gương mặt đủ sức “vượt biển lớn”.

Xuất ngoại giúp cầu thủ học hỏi tư duy chơi bóng, phong cách tập luyện, sự chuyên nghiệp; trau dồi kỹ năng cho bản thân, thể hiện trình độ và giới thiệu nền bóng đá Việt Nam; cơ hội làm việc với những huấn luyện viên giỏi, tập luyện cùng đồng nghiệp tốt; mở ra một bước ngoặt trong sự nghiệp với những thử thách mới buộc cầu thủ vượt qua.

Bức tranh toàn cảnh của cầu thủ Việt Nam khi xuất ngoại là không dễ dàng nơi xứ người. Dù khó khăn không ít, nhưng thay vì sớm hài lòng thì nên tự nâng cấp mình, trui rèn thêm bản lĩnh, kỹ năng, tìm thử thách, cơ hội phát triển ở những sân chơi ngoài lãnh thổ nước nhà.

Điều quan trọng khi xuất ngoại là nên đến đâu để vừa có không gian phát triển tài năng mà vẫn được ra sân thi đấu. Đừng để tham vọng khoác áo một câu lạc bộ lớn nước ngoài của các cầu thủ Việt Nam trở thành cuộc phiêu lưu ngắn và sớm kết thúc lặng lẽ.

HỒNG NHUNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>