Giải pháp giảm thiểu tai nạn đuối nước

07/12/2022 | 18:44 GMT+7

Từ Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm góp phần kiểm soát, giảm thiểu tình hình tai nạn đuối nước trẻ em.

Rèn luyện kỹ năng bơi lội cho trẻ là giải pháp phòng, chống đuối nước hiệu quả.

Nâng cao ý thức phòng, chống đuối nước

Hậu Giang là địa phương có hệ thống sông ngòi chằng chịt nên việc khuyến khích và phát triển tập luyện bơi phòng, chống đuối nước rất cần thiết. Để việc phổ cập bơi hiệu quả, tạo sân chơi, điều kiện cho trẻ rèn luyện, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ có vai trò khá quan trọng. Hiện tại toàn tỉnh đã có 20 hồ bơi ở các địa phương, đáp ứng cơ bản nhu cầu tập luyện. Ông Phạm Phi Liếp, Phó trưởng Phòng Quản lý văn hóa, thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), thông tin: “Phổ cập bơi là một phần việc trong thực hiện Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021-2030. Chúng tôi thường xuyên xuống cơ sở theo dõi, kiểm tra đánh giá quá trình thực hiện, hỗ trợ tháo gỡ kịp thời những khó khăn. May mắn là ngành luôn nhận được sự phối hợp nhịp nhàng của địa phương, đội ngũ chuyên môn nòng cốt cơ sở, chủ hồ bơi, quý phụ huynh và trẻ em”.

Cuối tháng 8, các lớp tập huấn phổ cập bơi cho trẻ em từ 6 đến 12 tuổi trên địa bàn tỉnh do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức được khởi động ở các địa phương, thu hút hơn 700 em tham gia. Với số lượng 18 buổi học, giúp trẻ nắm được những kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cũng như việc sử dụng các thiết bị an toàn trong môi trường nước. Em Nguyễn Lư Tiến Đạt, học sinh Trường Tiểu học Thuận Hưng 1, huyện Long Mỹ, cho biết: “Em thấy việc học bơi rất quan trọng, khi lỡ té xuống sông, ao hồ bản thân có thể tự cứu đuối”. Theo kế hoạch, các lớp phổ cập bơi hoàn thành vào ngày 30-11 nhưng do điều kiện thời tiết tác động dẫn đến thời gian triển khai chưa đảm bảo, nên sẽ kéo dài chương trình đến hết tháng 12. Mục tiêu là đảm bảo khi trẻ hoàn thành lớp học phải biết bơi và tự bảo vệ được mình. Thông qua những bài kiểm tra, đánh giá cuối khóa, trẻ sẽ được cấp giấy chứng nhận khi hoàn thành phổ cập bơi.

Ngoài ra, ngành cũng đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội về vai trò, tác dụng khi tập luyện môn bơi; hàng năm tổ chức lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi kết hợp khai mạc các hoạt động hè cho trẻ…

Nâng cao năng lực đội ngũ hướng dẫn

Để Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh triển khai hiệu quả, ngành văn hóa, thể thao và du lịch còn chú trọng việc xây dựng, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, huấn luyện viên, cộng tác viên về phòng, chống đuối nước trẻ em. Tháng 6 vừa qua, ngành đã tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ môn bơi lội cho cán bộ thể thao các huyện, thị xã, thành phố; công chức văn hóa - xã hội ở xã, phường, thị trấn; giáo viên thể dục thể thao các trường.

Anh Huỳnh Hải Đăng, cán bộ phụ trách thể thao, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Hàng năm tỉnh đều tổ chức tập huấn về bơi lội, giúp chúng tôi cập nhật thêm những kiến thức mới, nâng cao năng lực chuyên môn, phục vụ thiết yếu cho việc phổ cập bơi, tổ chức thi đấu, bồi dưỡng nguồn vận động viên cơ sở”. Nội dung tập huấn gồm lý thuyết về nguyên tắc và phương pháp dạy bơi an toàn, phương pháp cứu đuối; thực hành các kỹ thuật đạp chân ếch, quạt tay ếch, kỹ thuật tay, chân phối hợp; kỹ thuật tay, chân phối hợp thở…

Đối với các cá nhân, doanh nghiệp tổ chức dạy bơi, kinh doanh hồ bơi, ngành thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn thực hiện việc đảm bảo có đủ nhân viên chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị, vệ sinh, an toàn theo quy định. Vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hồ bơi để tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh được học và tập luyện. Thời gian tới, ngành sẽ phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức giải, hội thi bơi, cứu đuối an toàn; hội thi tuyên truyền tìm hiểu kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho học sinh…

Ông Lê Công Khanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Hàng năm ngành sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai chương trình và thống kê số liệu liên quan về hồ bơi, số trẻ học bơi, kỹ năng phòng, chống đuối nước của các em… Chúng tôi mong muốn nhận được sự vào cuộc của cả cộng đồng, hướng tới thực hiện hiệu quả chương trình, giúp kiểm soát, giảm thiểu tình hình tai nạn đuối nước, bảo vệ tính mạng và sức khỏe trẻ em”.

Ngoài phòng, chống đuối nước, chương trình được kỳ vọng là đòn bẩy góp phần phát triển phong trào bơi lội tại tỉnh. Khi trẻ em hiểu, yêu thích sẽ hăng hái tham gia tập luyện môn bơi, tạo thuận lợi cho địa phương trong tổ chức, thi đấu và bồi dưỡng nguồn vận động viên tiềm năng.

Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021-2030 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh, phấn đấu 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước vào năm 2025, 70% năm 2030; 50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn năm 2025 và 60% năm 2030; giảm 10% số trẻ em tử vong do đuối nước vào năm 2025 và năm 2030 là 20% so với năm 2020…

 

  Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>