Hoàn thiện hệ thống pháp luật

14/08/2019 | 08:20 GMT+7

Gần 15 năm qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật định hướng đến năm 2020 đã giúp hệ thống pháp luật trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, góp phần tích cực trong xây dựng và thực thi pháp luật.

Tập huấn công tác tư pháp do UBND tỉnh phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức.

Nâng cao chất lượng thi hành pháp luật

Những năm gần đây, số lượng, chất lượng nội dung các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh ban hành ngày càng được nâng cao, đảm bảo cơ sở pháp lý, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo thống kê, giai đoạn 2005-2018, HĐND, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh đã ban hành 7.200 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, HĐND, UBND tỉnh ban hành 1.072 văn bản.

Theo ông Đồng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, hầu hết các văn bản của tỉnh được ban hành từ khâu lập chương trình, lập đề nghị xây dựng văn bản đến thẩm tra, trình ký đều thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, từ đó, hầu hết các văn bản được ban hành đều khả thi, là công cụ để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước. 

Song song với công tác xây dựng pháp luật, để pháp luật thật sự đi vào cuộc sống, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh tập trung triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức.

Theo Sở Tư pháp, trong 15 năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã tổ chức 85 hội nghị triển khai các văn bản luật cho hơn 15.000 lượt lãnh đạo sở, ngành, hội đoàn thể tỉnh, báo cáo viên pháp luật các cấp; hơn 200 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, các buổi sinh hoạt pháp luật cho gần 20.000 lượt người tham dự; thực hiện gần 1.000 lượt tư vấn, trả lời pháp luật, giải đáp chế độ chính sách trên các chuyên mục của cơ quan báo chí…

Bên cạnh đó là quá trình tổ chức thi hành pháp luật được triển khai thực hiện nghiêm túc, mang lại những tác động tích cực đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt, từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành, công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng quy định. Các trường hợp vi phạm được phát hiện kịp thời, xử lý đúng đối tượng, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức và cá nhân.

Hoàn thiện… con người

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 48, vấn đề đào tạo, sử dụng hợp lý nguồn nhân lực làm công tác pháp luật luôn được tỉnh chú trọng. Qua đó, cơ cấu tổ chức, bộ máy của các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến cơ sở từng bước được củng cố, kiện toàn, đáp ứng được yêu cầu hoạt động quản lý nhà nước của địa phương.

Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế ở tỉnh là 56 người; số lượng công chức tư pháp cấp huyện là 42 người; công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã là 151. Đặc biệt, UBND tỉnh đã chủ trương cho Sở Tư pháp phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Trung cấp Luật Vị Thanh mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho trên 200 học viên nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp.

Là địa phương có đội ngũ cán bộ tư pháp khá hoàn thiện, ông Trần Thanh Lâm, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, cho biết: Hiện nay, Phòng Tư pháp huyện có 4 công chức làm công tác pháp chế, còn công chức tư pháp - hộ tịch các xã, thị trấn là gần 20. Dù chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện nhưng có được nguồn nhân lực như trên là cả quá trình bồi dưỡng nghiệp vụ, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, theo ông Lâm, với số lượng ít nên đội ngũ làm công tác tư pháp, xây dựng, thẩm định, rà soát văn bản quy phạm pháp luật của huyện còn có những hạn chế nhất định. Một số xã còn lúng túng trong triển khai do không có nhân lực thực hiện.

Cùng với những khó khăn như trên, đối với toàn tỉnh, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 48 vẫn còn một số hạn chế nhất định. Như tiến độ văn bản thực hiện theo chương trình đề ra còn chậm; việc tổ chức thi hành pháp luật giữa các ngành chưa đạt hiệu quả cao, các hình thức vi phạm pháp luật ngày càng nhiều, đa dạng; đội ngũ làm công tác xây dựng và thi hành pháp luật còn mỏng, chưa chuyên sâu, nguồn kinh phí hạn chế…

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 48, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lữ Văn Hùng cho rằng, để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 48 ở các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, cần nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành một cách đồng bộ, thống nhất và kịp thời, tránh tình trạng luật đã có hiệu lực nhưng không tổ chức triển khai thực hiện được, vì phải chờ hướng dẫn.

Ông Lữ Văn Hùng cũng yêu cầu phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật, bảo đảm luật ban hành có hiệu lực được tổ chức triển khai đồng bộ. Nhiệm vụ nào đã phân cấp, phân quyền cho cơ quan cấp dưới thì phải ban hành văn bản để tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc. Đồng thời, cần phân bổ, sắp xếp hợp lý số lượng biên chế của công chức làm công tác pháp chế ở địa phương và có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ phù hợp nhằm thu hút nguồn nhân lực cho công tác này trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>