Để giải quyết khiếu nại, tố cáo thêm hiệu quả

20/08/2018 | 08:23 GMT+7

Bảy tháng đầu năm 2018, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục được các ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tại Hội nghị sơ kết công tác 7 tháng đầu năm 2018 vừa được UBND tỉnh tổ chức, nhiều đại biểu chia sẻ thẳng thắn về những hạn chế và giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả đối với công tác này thời gian tới.

Ông Trương Thanh Bình, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh

Ông Trương Thanh Bình, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh:

- Nhận thức được vai trò của Ban Pháp chế HĐND tỉnh trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thời gian qua, ban đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình thông qua việc tham gia đoàn công tác liên ngành của tỉnh, cũng như thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại cơ quan.

Bên cạnh đó, trong tất cả các cuộc giám sát chuyên đề của ban, chúng tôi cũng rất quan tâm đến khâu giải quyết khiếu nại, tố cáo của các địa phương, đơn vị. 

Hiện nay, đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh, tôi cho rằng còn một số hạn chế: thứ nhất, đối với các ngành chuyên môn, được phân công xác minh, giải quyết vụ việc, theo tôi đôi lúc có những trường hợp việc xác minh chưa đầy đủ, chính xác, dẫn đến giải quyết mất nhiều thời gian, gây bức xúc cho dân; thứ hai là có những trường hợp khiếu nại, tố cáo đơn giản, rõ ràng, nằm trong thẩm quyền của cấp huyện nhưng huyện lại chưa mạnh dạn giải quyết mà phải chuyển đến tỉnh hoặc chờ xin ý kiến của tỉnh.

Bên cạnh đó, cũng có trường hợp báo cáo kết luận không đủ cơ sở giải quyết nhưng lại không nêu rõ ở điểm nào, quy định nào cho người dân, dẫn đến người dân khó hiểu, dễ gây bức xúc…

Thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này, tôi kiến nghị đối với các ngành chuyên môn khi phân công cán bộ xác minh phải đảm bảo nội dung chính xác, rõ ràng, chính xác, đúng trình tự, thủ tục; khi báo cáo đề xuất giải quyết vụ việc phải đúng hạn luật định; với những vụ việc đơn giản, có thể rút ngắn thời gian, giải quyết sớm cho người dân. Đối với cấp huyện, các vụ việc trong thẩm quyền nên mạnh dạn giải quyết, không nên đùn đẩy hoặc chuyển đến tỉnh.

Trong quá trình đối thoại, các báo cáo giải trình, xác minh cần thể hiện nội dung, cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể cho thành viên đoàn công tác và người dân hiểu, qua đó mới nhận được sự đồng thuận từ người dân.

Ông Tăng Minh Thêm, Phó trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh

Ông Tăng Minh Thêm, Phó trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh:

- Ban Tiếp công dân Văn phòng UBND tỉnh được xem là cầu nối giữa UBND tỉnh với các sở, ngành, địa phương; là cơ quan tham mưu, giúp việc cho UBND tỉnh trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thời gian qua, công tác phối hợp giữa ban và các đơn vị, địa phương nhìn chung đạt được nhiều kết quả rất tích cực. Song vẫn còn một số hạn chế trong công tác phối hợp giữa ban và các cơ quan được giao nhiệm vụ xác minh khiếu nại, tố cáo - có những trường hợp chưa chặt chẽ, nhất là về thời gian giải quyết.

Tôi cho rằng để giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo đòi hỏi trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác xác minh cần phải được đảm bảo tốt, tuy nhiên, thời gian qua vấn đề này vẫn chưa cải thiện nhiều. Ngoài ra, việc thực hiện các kết luận của lãnh đạo tỉnh tại một số địa phương đôi khi chậm, dễ dẫn đến bức xúc cho người dân và làm giảm hiệu quả thực thi pháp luật.

Thời gian tới, để khắc phục những hạn chế trên, Ban Tiếp công dân tỉnh kiến nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp có hiệu quả hơn nữa với ban nhằm khắc phục những hạn chế về thời gian giải quyết vụ việc; chú trọng chất lượng thẩm tra, xác minh và chất lượng văn bản trình ký. Đồng thời chú trọng tập huấn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xác minh, thẩm tra để đảm bảo hiệu quả cao cho công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Bà Phạm Thanh Tuyền, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh

Bà Phạm Thanh Tuyền, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh: 

- Với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, thời gian qua, sở đã đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là trong tuyên truyền các quy định pháp luật về đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

7 tháng qua, toàn tỉnh đã triển khai hơn 2.000 cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tương ứng với hơn 130.000 lượt người tham gia, trong đó có nhiều nội dung tuyên truyền liên quan đến các quy định pháp luật về đất đai, khiếu nại, tố cáo.

Ngoài các loại hình tuyên truyền, phổ biến như hội nghị, hội thảo, qua cơ quan thông tin đại chúng, sở cũng đã chú trọng xây dựng các mô hình tuyên truyền pháp luật phù hợp… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, sở nhận thấy rằng công tác tuyên truyền pháp luật hiện nay cũng gặp không ít khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất; việc xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn nhiều bất cập; kỹ năng tuyên truyền của đội ngũ cán bộ ở cơ sở chưa đồng đều…

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo, Sở Tư pháp đề xuất các địa phương cần quan tâm hơn đến công tác tuyên truyền pháp luật ở cơ sở, nhất là củng cố hệ thống loa truyền thanh. Bên cạnh đó là tăng cường tập huấn kỹ năng tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; củng cố các câu lạc bộ, tủ sách pháp luật để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công việc.

ĐÌNH BẢO ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>