Cảnh giác tội phạm lừa đảo

31/10/2019 | 08:23 GMT+7

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi. Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, hiểu biết pháp luật hạn chế của bị hại, các đối tượng đã thực hiện nhiều phương thức, thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân.

Một đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị bắt trên địa bàn huyện Phụng Hiệp.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhìn chung, các phương thức, thủ đoạn vẫn là sử dụng mạng xã hội để lừa đảo; lợi dụng sự tin tưởng, nhẹ dạ của nạn nhân để mượn xe, tiền, vàng; giả mạo cán bộ của cơ quan nhà nước đe dọa tống tiền, lừa đảo chạy việc… Song mỗi phương thức, thủ đoạn lại được các đối tượng sử dụng với chiêu thức tinh vi, xảo quyệt khác nhau.

Một trong những thủ đoạn các đối tượng thường sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng xã hội là lợi dụng việc bán hàng online qua facebook, zalo… chúng yêu cầu khách hàng chuyển tiền nhưng sau đó không gửi hàng hoặc gửi hàng không đúng như thỏa thuận. Một số đối tượng hack tài khoản facebook, zalo của nạn nhân, lấy danh nghĩa nạn nhân nhắn tin với những người thân quen để nhờ nạp card điện thoại, vay tiền hoặc gửi tiền vào số tài khoản ngân hàng.

Nguy hiểm hơn, có tên còn giả danh người nước ngoài kết bạn làm quen, mong muốn góp tiền để đầu tư làm ăn, tặng quà có giá trị. Tuy nhiên, để nhận được tiền, quà, nạn nhân phải nộp tiền thuế, lệ phí theo số tài khoản mà chúng cung cấp… Khi lấy được tiền của bị hại, đối tượng phạm tội khóa số điện thoại và tài khoản đăng nhập trên mạng xã hội, tài khoản ngân hàng...

Vừa qua, cơ quan công an tỉnh vừa tiếp nhận trình báo của chị H., ở huyện Long Mỹ. Theo đó, cách đây vài ngày, người thân của chị đang lao động ở nước ngoài nhận được tin nhắn qua facebook từ người bạn cùng ở nước ngoài nhờ chuyển tiền giùm về Việt Nam qua 3 tài khoản và sẽ trả lại tiền mặt vào tối cùng ngày. Tưởng thật, người thân của chị điện thoại về nhờ chị chuyển hơn 560 triệu đồng, nhưng sau đó thấy không trả lại tiền đúng hẹn thì mới hay mình bị lừa.

Bên cạnh đó, thủ đoạn giả danh cơ quan chức năng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng thường được các đối tượng phạm tội sử dụng. Các đối tượng này gọi vào số của người dân, tự xưng là cán bộ công an, cán bộ viện kiểm sát, tòa án… thông báo đang thụ lý điều tra vụ án có liên quan đến ma túy, buôn lậu, rửa tiền; đe dọa sẽ bắt giữ bị hại để điều tra, truy tố, xét xử. Nếu muốn vụ việc được giải quyết ổn thỏa, các đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản mà đối tượng cung cấp để chúng điều tra, xác minh nhưng sau khi nhận được tiền đối tượng sẽ khóa điện thoại, khóa tài khoản. Ngoài ra, nhiều đối tượng còn giả danh cán bộ nhà nước có khả năng xin việc để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Như vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh vừa xét xử một đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với hình thức lừa việc làm. Cụ thể, vào cuối năm 2016, thông qua mạng xã hội facebook, đối tượng P. làm quen với chị M., ở huyện Vị Thủy. Biết chị M. là sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp và có nhu cầu xin việc làm nên P. nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhằm tạo lòng tin cho chị M., P. đã đưa ra nhiều thông tin gian dối như giới thiệu mình là cán bộ trong ngành công an, có quen biết với lãnh đạo. Đồng thời, P. hứa hẹn chắc chắn sẽ xin được việc làm cho chị M. trong ngành công an. Sau đó, P. đến nhà chị M. để nhận hồ sơ xin việc và yêu cầu đưa số tiền 5 triệu đồng; rồi tiếp tục yêu cầu chị M. đưa thêm 20 triệu đồng…

Chờ lâu không thấy có kết quả nên chị M. liên lạc với P., thì lúc này đối tượng đã cắt liên lạc. Sau đó, chị M. đến Công an huyện Vị Thủy tố cáo.

Đại tá Lâm Phước Nguyên, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn xảy ra không ít các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây bức xúc trong người dân. Mặc dù trên các phương tiện thông tin đại chúng đã tuyên truyền nhiều về các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng nhưng vẫn không ít người vì lòng tham, hiểu biết pháp luật hạn chế… nên rất dễ sập bẫy.

Trước thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân, nhất là khi sử dụng mạng xã hội không nên vào những đường dẫn không tin tưởng, tin nhắn người lạ; trường hợp đã đăng nhập tài khoản mạng xã hội mà nghi ngờ bị lừa thì nhanh chóng sử dụng thiết bị khác để thay đổi thông tin cá nhân, mật khẩu tài khoản. Khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi yêu cầu chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân thì nên kiểm tra lại qua các kênh khác nhau để tránh bị kẻ xấu lừa đảo.

Chỉ đạo ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo trong xã hội.

 

Theo đó, thời gian gần đây, xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự như lừa đảo kinh doanh đa cấp, lừa đảo trong chuyển nhượng đất đai… Đặc biệt, tình trạng lừa đảo qua mạng internet, mạng viễn thông gia tăng (như lừa đảo qua điện thoại, tin nhắn trúng thưởng tới các số điện thoại; giả danh người nước ngoài nhắn tin làm quen và gửi quà tặng về Việt Nam; giả danh cơ quan thực thi pháp luật gọi điện yêu cầu người dân nộp tiền vào tài khoản để kiểm tra, sau đó chiếm đoạt; chiếm đoạt quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội để lừa đảo; lừa đảo qua hoạt động trao đổi, mua bán hàng qua mạng…).

 

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát các lĩnh vực dễ phát sinh các hoạt động lừa đảo; kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập để hoàn thiện cơ sở pháp lý; chủ động có các giải pháp ngăn chặn triệt để những hoạt động lừa đảo nêu trên. Yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, có biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo theo quy định của pháp luật.

 

Bộ Công an phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, thiết lập đường dây nóng tại các địa phương để tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin phản ánh của người dân khi bị các đối tượng lừa đảo…

 

K.L

 

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>