“Sống khỏe” từ rơm

04/04/2024 | 07:48 GMT+7

Thay vì đốt bỏ sau mỗi vụ thu hoạch, rơm giờ đây được cuộn lại chở đi tiêu thụ, vừa tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân vừa hạn chế ảnh hưởng môi trường.

Ngoài việc tạo thu nhập, việc bán rơm cuộn sẽ hạn chế tình trạng đốt rơm.

Mấy năm gần đây, rơm rạ từ chỗ bỏ đi thì nay được nhiều nông dân dùng trồng nấm, làm thức ăn gia súc, đem lót nông sản khi vận chuyển tránh được việc hao hụt. Nhu cầu cao mà rơm lại nhiều, từ đó nghề cuộn rơm, thu gom rơm sau thu hoạch lúa được nhiều người tham gia và cuộn rơm trở thành công việc “làm chơi, ăn thiệt”, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương mà chủ ruộng cũng “bỏ túi” một số vốn để tái sản xuất vụ mới.

Là thành viên của đội thu hoạch rơm có tổng cộng 40 thành viên, anh Nguyễn Trường Giang quê tỉnh Trà Vinh đến Hậu Giang làm việc khoảng 1 tháng nay. Công việc của anh em trong đội thường bắt đầu từ 10 giờ sáng đến khoảng 18 giờ mỗi ngày, hết đồng này sang đồng khác. Tất bật xếp từng cuộn rơm lên xe máy để chở ra bãi tập kết, anh Giang chia sẻ: “Nếu đồng có rơm nhiều thì tôi chở một ngày cũng 800-900 cuộn. Mỗi lần chở xa thì 7 cuộn, gần thì mình chở 5 cuộn. Tới mùa chở lại cho mấy người dân người ta nuôi bò”.

Theo anh Giang, các vụ mùa trong năm thì rơm vụ Đông xuân luôn nhiều và chất lượng hơn nhờ thời tiết thuận lợi. Để công việc thuận lợi, các thành viên trong đội phân chia công việc nhịp nhàng từ cuộn rơm, khuân vác đến vận chuyển. Cứ hết cánh đồng này sang đồng khác, hết tỉnh này sang tỉnh khác. Rơm được bó thành từng cuộn gọn gàng nặng từ 18-20kg, tất cả đều do máy móc đảm nhiệm. Công việc cuộn và vận chuyển rơm tuy vất vả nhưng bù lại người lao động có thu nhập khoảng 700.000 đồng/ngày trở lên.

Anh Thạch Anh Út, ở Hậu Giang đang điều khiển xe đi thu gom rơm trên cánh đồng ở huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Một xe cuộn rơm 1 ngày làm được 50 công ruộng. Rơm dày 20 cuộn, rơm thưa thì khoảng 12 cuộn/công. Nếu cuộn gia công cho người ta, chở luôn là 13.000 đồng/cuộn”.

Được biết, mấy năm gần đây, do nhu cầu tiêu thụ tăng nên rơm rất hút hàng. Bình quân mỗi héc-ta thu thêm từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng từ bán rơm tươi, giảm bớt được chi phí vệ sinh đồng ruộng. Sau khi rơm được cuộn lại, chở về, phần gốc rạ sẽ được cắt, băm nhỏ bằng máy, chuẩn bị cho mùa vụ mới. Trong trường hợp chủ ruộng cho rơm để thương lái tự cuộn rơm thì sẽ được miễn phí phần chi phí cắt gốc rạ.

Ngoài việc tạo thu nhập, việc bán rơm cuộn sẽ hạn chế tình trạng đốt rơm bấy lâu nay theo thói quen của một số nhà nông. Bên cạnh đó, khi rơm rạ vụ cũ được đem khỏi ruộng sẽ làm sạch đất và cắt mầm bệnh của vụ mùa trước. Tính toán của các chuyên gia nông nghiệp, trong 1 tấn rơm chứa khoảng 7kg đạm, 1,2kg lân, 20kg kali, 40kg silic và 400kg các-bon. Do vậy, đốt bỏ rơm rạ chính là bỏ đi lượng phân bón, chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng. Rơm cuốn thành cuộn sau đó vận chuyển đi tiêu thụ ở các tỉnh ĐBSCL và ra các tỉnh miền Đông để làm nấm rơm, ủ gốc cây, hoa màu hay làm thức ăn cho gia súc. Một số thương lái cho biết, nếu có mối đặt trước, khi cuộn xong sẽ được giao trong ngày hoặc chở về kho dự trữ lại, thậm chí được bán ngay tại ruộng khi có người mua.

Bắt đầu trồng nấm rơm trong nhà từ năm 2021 và gắn bó đến nay chị Lữ Thị Nhật Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Ngũ Thường Mekong, ở huyện Phụng Hiệp cho biết rơm là nguồn nguyên liệu quý, hái ra tiền nếu sử dụng đúng. Cứ mỗi vụ mùa, chị Hằng đều đứng ra thu mua rơm cuộn để mang về nông trại của mình. Tại đây, rơm được tận dụng một cách hữu ích trong quá trình sản xuất. Từ 9 nhà trồng nấm, với diện tích khoảng 200m2 ban đầu, hiện chị Hằng đang sửa lại các nhà trồng nấm và mở rộng thêm để trồng nấm.

“Xưa nay, xong vụ bà con mình thường đốt rơm ảnh hưởng tới môi trường rất nhiều. Thay vì mình dùng rơm đó đem đi ủ, làm nấm sau đó lấy giá thể nuôi trùn quế. Sau khi thu hoạch nấm thì lấy rơm mang ra ủ cho oai mục. Tôi nuôi trùn quế còn rơm cuộn cho bò ăn. Nói chung, tôi làm như vậy sẽ có lợi cho nông dân vì được nguồn thu từ rơm thay vì phải đốt bỏ”, chị Hằng chia sẻ.

Từ phế phẩm nông nghiệp là “đồ bỏ” sau mỗi vụ thu hoạch, rơm giờ đã chuyển mình không chỉ tạo thêm thu nhập cho nhà nông. Mua bán rơm cuộn còn giúp đẩy lùi tình trạng đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường, góp phần đáng kể phát thải khí mêtan và khí thải nhà kính.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>