Nông nghiệp hiện nay được xem là trụ đỡ của nền kinh tế

04/04/2024 | 07:51 GMT+7

Với vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục có những bước bột phá, đổi mới toàn diện, nông dân chuyên nghiệp, làm chủ các công nghệ với tư duy làm kinh tế nông nghiệp. Xung quanh câu chuyện này, phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với ông Ngô Minh Long (ảnh), Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.

Dưới góc độ người đứng đầu ngành nông nghiệp tỉnh, theo ông lĩnh vực nông nghiệp còn những rào cản nào ?

- Mặc dù tỉnh Hậu Giang có nhiều thuận lợi và cơ hội trong phát triển nông nghiệp nhưng vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, nhất là những rào cản như: Thị trường luôn biến động, khó dự đoán, giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất luôn có xu hướng tăng cao; vùng nguyên liệu chưa tập trung; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu, cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư hiện có nhiều nhưng thủ tục rườm rà dẫn đến hạn chế đối tượng tiếp cận và thụ hưởng, trong khi tỉnh không có quỹ đất sạch, thiếu hụt vốn ngân sách cho giải phóng mặt bằng để thu hút nhà đầu tư; thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để lĩnh vực nông nghiệp thật sự là trụ đỡ của nền kinh tế và nông dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, ông có những chia sẻ gì ?

- Nông nghiệp hiện nay được xem là trụ đỡ của nền kinh tế. Tuy nhiên, giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế (khoảng 20%), nông nghiệp phát triển chưa bền vững, đời sống người dân vùng nông thôn và nông dân trực tiếp sản xuất vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, để nông nghiệp thật sự là trụ đỡ của nền kinh tế và nông dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương Hậu Giang, theo tôi cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, thông qua việc người dân phải tham gia thành hợp tác xã, sản xuất theo vùng tập trung, quy mô lớn để có được sản lượng đủ lớn để liên kết doanh nghiệp tiêu thụ; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống để vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, hình ảnh, mẫu mã bao bì sản phẩm, vừa lồng yếu tố văn hóa, trách nhiệm xã hội vào sản phẩm để gia tăng giá trị sản phẩm...; tỉnh có các chính sách thu hút, giữ chân nhân lực về công tác tại khu vực nông thôn thông qua việc xây dựng các đề án, dự án phát triển ngành nghề nông thôn theo Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (đề án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn gắn với hợp tác xã nông nghiệp, tạo việc làm cho lao động nông nhàn, dự án phát triển ngành nghề nông thôn, tiểu thủ công nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp).

Nông dân không còn xa lạ với cơ giới hóa trong các khâu sản xuất.

Lâu nay, chúng ta nghe nhiều đến việc chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Theo ông, để việc chuyển đổi này thành công, cốt lõi nhất là gì ?

- Thực tế hiện nay cho thấy người nông dân rất giỏi trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên với sự phát triển của khoa học, công nghệ và thị trường như hiện nay thì tư duy sản xuất theo lối truyền thống đã không còn phù hợp. Vì vậy, để phát triển cao hơn, xa hơn thì buộc người nông dân phải chuyển đổi tư duy sang làm kinh tế nông nghiệp. Và việc chuyển đổi này không thể thực hiện trong một sớm một chiều được, mà cần phải có thời gian và cách làm phù hợp để hình thành tư duy mới trong cả hệ thống chính trị và cộng đồng Nhân dân.

Cốt lõi nhất của việc chuyển đổi này là phải dẫn dắt người nông dân làm kinh tế, nhận thức được yếu tố kinh tế để dần thay đổi tư duy, từ đó chuyển đổi phương thức canh tác từ truyền thống, nhỏ lẻ, trọng số lượng sang làm nông nghiệp công nghệ cao, tự động hóa, quy mô lớn, có kế hoạch sản xuất và ký kết hợp đồng tiêu thụ; chuyển từ sản phẩm đơn giá trị sang sản phẩm đa giá trị, biết tận dụng hiệu quả tài nguyên, phụ phẩm trong sản xuất.

Để việc chuyển đổi thành công cần phải tăng cường kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã và tổ hợp tác nhằm liên kết, hợp tác trong sản xuất, gắn sản xuất, chế biến với thị trường, lấy thị trường là tín hiệu đầu vào cho sản xuất. Ứng dụng số hóa các hợp tác xã và các thành viên hợp tác xã, các trang trại, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành hàng cụ thể để giúp kết nối cung - cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm phục vụ cho các thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Tính đến hết tháng 3 ngành chức năng đã tuyên truyền, thông tin và định hướng sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường, hạn chế các yếu tố tác động đến giá cả, đảm bảo lợi ích của người dân. Có 32 doanh nghiệp, 38 HTX liên kết sản xuất và bao tiêu nông sản với 39.870 lượt hộ tham gia, diện tích 38.656ha, sản lượng 334.105 tấn.

 

Xin cảm ơn ông !

MỘNG TOÀN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>