Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả

07/04/2020 | 19:21 GMT+7

Thời gian qua, thành phố Vị Thanh đã tập trung chuyển đổi cây trồng, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường nhằm cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân.

Nông dân trên địa bàn thành phố Vị Thanh đang thu hoạch khóm.

So với cùng kỳ năm rồi, diện tích trồng cây ăn trái và trồng khóm trên địa bàn thành phố Vị Thanh tăng trên 850ha. Trong đó, diện tích trồng cây ăn trái tăng 235,8ha, diện tích trồng khóm tăng 616ha. Theo đó, diện tích trồng mía, rau màu giảm so với cùng kỳ trên 692ha, trong đó diện tích trồng mía giảm 593ha và trồng rau màu giảm trên 99ha.

Ông Nguyễn Bé Sáu, Phó phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, cho biết: Để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội, thành phố đang tập trung chuyển đổi diện tích đất trồng mía kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, trong đó chuyển đổi từ trồng mía sang trồng bắp, cây ăn trái. Cụ thể, vừa qua đã triển khai ra dân trồng chanh không hạt trên 5,3ha ở xã Tân Tiến và Vị Tân. Hướng tới, thành phố tiếp tục vận động người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên diện tích đất kém hiệu quả. Đồng thời, đề xuất hỗ trợ cho nông dân về cây, con giống để chuyển đổi và tiếp tục tìm doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Theo Phòng Kinh tế thành phố, thời điểm này năm rồi diện tích cây mía của thành phố xuống giống 704ha. Do giá mía bấp bênh, năm nay nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi ngay sang các loại cây trồng khác. Tính đến nay, tổng diện tích trồng mía toàn thành phố chỉ xuống giống được 160ha. Phần diện tích còn lại người dân còn để trống chưa trồng khoảng 60ha, thành phố tiếp tục vận động hộ dân chuyển sang trồng khóm.

Một trong những hộ dân ở xã Hỏa Tiến đã mạnh dạn chuyển đổi ngay cây trồng để thích ứng với thị trường, ông Mai Văn Đấu, ở ấp Thạnh Hòa 2, xã Hỏa Tiến, cho biết: “Gia đình tôi có 7.000m2 đất, trước đây trồng mía. Nhưng nay do cây mía tiêu thụ gặp khó nên toàn bộ diện tích này tôi chuyển sang trồng khóm. Trong tháng 6 tới, diện tích trồng khóm mới chuyển đổi của gia đình sẽ cho thu hoạch đợt đầu tiên với khoảng 3.000 trái”.

Ông Dương Minh Truyền, Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến, cho biết: Từ đầu năm đến nay, người dân trong xã đã chuyển đổi từ đất trồng mía sang trồng khóm được 50ha, hiện còn gần 60ha chưa chuyển đổi. Hiện nay, với giá khóm bán ra cho thương lái 3.000 đồng/trái, trừ đi chi phí người trồng khóm vẫn có lợi nhuận hơn trồng mía. Thời gian qua, nhiều hộ trên địa bàn đã vươn lên khá giả cũng nhờ cây khóm, góp phần cho xã giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm. Cho đến nay, số hộ nghèo trên địa bàn xã còn 23 hộ, chiếm 1,98%. 

Toàn xã Hỏa Tiến có 1.600ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích trồng mía được 1.048ha, 300ha trồng lúa, còn lại 60ha đất trồng mía chưa chuyển đổi. Với đặc tính đất ở xã Hỏa Tiến rất phù hợp cho cây khóm phát triển, vì thế để cuộc sống của người dân ổn định và đảm bảo đúng hướng theo đề án phát triển cây khóm trên địa bàn thành phố, trong năm 2020, xã tiếp tục vận động người dân thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện từng hộ gia đình cũng như đặc tính của vùng đất. Phấn đấu cuối năm 2020, diện tích trồng khóm đạt 1.300ha.

Ông Phạm Chế Linh, Chủ tịch UBND xã Hỏa Lựu, cho biết: Thấy không còn hiệu quả từ việc trồng mía, nông dân trên địa bàn xã đã chuyển đổi sang trồng bắp, lúa và rau màu. Tuy nhiên, trong tình hình dịch Covid-19 thì đầu ra và giá của sản phẩm bị giảm. Do đó, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động thực hiện chuyển đổi phù hợp với quy hoạch. Đồng thời, phối hợp với các công ty để tạo đầu ra nông sản cho nông dân được ổn định hơn.

Để tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, có thêm nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, giúp hộ tăng giá trị kinh tế, ông Nguyễn Hòa Ắt, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Vị Thanh, cho biết: Thời gian qua, thành phố đã hỗ trợ vốn không tính lãi một số dự án nuôi, trồng cho nông dân. Bên cạnh dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế như nuôi dê thì thành phố đang hỗ trợ cho 6 hộ với tổng số tiền 300 triệu đồng để xây dựng bể nuôi lươn không bùn. Theo đó, trong năm nay hội sẽ thu hồi vốn của 5 dự án đã hết thời gian hỗ trợ để tiếp tục hỗ trợ cho các dự án khác, với tổng số vốn thu hồi 1,3 tỉ đồng.

Bên cạnh việc tìm đầu ra nông sản, việc hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân rất cần thiết để sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố phát triển bền vững. Bà Nguyễn Khánh Hồng, cán bộ kỹ thuật xã Hỏa Tiến, cho hay: Bên cạnh nông dân được tập huấn về kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, cán bộ kỹ thuật xã trong 1 tuần tổ chức thăm đồng 2 lần để nắm bắt kịp thời những loại sâu bệnh, dịch hại trên cây trồng nhằm giúp nông dân phòng trị hiệu quả. Tuy nhiên, vấn đề khó nhất trên cây khóm là chết bụi và khô đầu lá tăng dần, vì vậy đề nghị ngành nông nghiệp thành phố và tỉnh có biện pháp hỗ trợ giúp nông dân.

Về lĩnh vực nông nghiệp, trong quý II, thành phố Vị Thanh tập trung kiểm tra tình hình xuống giống, thu hoạch và sâu bệnh trên lúa, mía, khóm, rau màu và cây ăn trái. Tổng kết mô hình sản xuất lúa sử dụng phân bón thông minh. Xây dựng và thực hiện mô hình nuôi cá trê vàng trên ruộng lúa, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao và mô hình sử dụng phân hữu cơ vi sinh để cải tạo đất trồng khóm. Phối hợp Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang kiểm tra tiến độ thực hiện dự án chăn nuôi vịt an toàn sinh học; theo dõi tình hình xuống giống và thu hoạch thủy sản...

 

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>