Bế mạc Kỳ họp thứ 4 hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII

Trăn trở và trách nhiệm

06/07/2012 | 07:27 GMT+7

Ông Đinh Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh:

Kỳ họp đã hoàn tất các chương trình, nội dung đề ra

 

Các đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo các ngành, địa phương đã rất trách nhiệm trong trao đổi, phát biểu ý kiến về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2012; đã thảo luận các nội dung tờ trình, thông qua các nghị quyết mà kỳ họp đề ra. Chất vấn và trả lời chất vấn trên tinh thần cởi mở, có trao đổi, người được chất vấn rất có trách nhiệm và quyết tâm thực hiện những gì đã hứa.

 

Trăn trở với lời hứa


* An toàn giao thông và ANTT đều chưa đạt

 

Nói về tình hình tai nạn giao thông, ông Nguyễn Hải Sơn cho biết, nếu so với thời điểm cùng kỳ, tai nạn giao thông tỉnh nhà giảm. Cụ thể, từ ngày 16-11-2011 đến 3-7-2012, toàn tỉnh xảy ra 96 vụ tai nạn giao thông, làm chết 57 người, bị thương 70 người, so cùng kỳ số vụ giảm 4, số người chết giảm 1 và bị thương giảm 3. Có những thời điểm tai nạn diễn biến hết sức phức tạp, xảy ra ở những địa bàn khác nhau, nhất là các tỉnh lộ và lộ nông thôn. Ông Nguyễn Hải Sơn cũng cho rằng, tình hình trên rất phức tạp và so với nghị quyết đề ra đã không đạt.

 

Quang cảnh kỳ họp.

 


Ông Sơn phân tích khá đầy đủ các nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến tai nạn giao thông, trong đó nguyên nhân đầu tiên được ông đề cập đó là một số cấp ủy, chính quyền và ban ngành, đoàn thể chưa quan tâm chỉ đạo và vào cuộc với lực lượng công an, hoặc có nhưng chưa thường xuyên. Ngoài ra, còn do ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông của người dân chưa cao, vẫn còn chạy quá tốc độ, tham gia giao thông khi đã uống rượu bia, lấn tuyến; do hạ tầng giao thông bất cập, do phương tiện giao thông tăng cao, do tuyên truyền chưa sâu…

 

Chưa đồng ý với các nguyên nhân trên, ông Huỳnh Minh Chắc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chất vấn: Tại sao chưa nghe lãnh đạo ngành Công an tỉnh nói về nguyên nhân do lỗi của lực lượng cảnh sát giao thông, như chưa cương quyết xử lý, chưa tập trung tuần tra, kiểm soát…?
 

 

Đại tá Nguyễn Hải Sơn, Giám đốc Công an tỉnh: Mong muốn các cấp, các ngành và người dân chung tay kéo giảm tai nạn giao thông, đảm bảo tình hình an ninh trật tự.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, hứa: “Sẽ tiếp tục làm hết sức mình đối với vấn đề nước sạch”.

 

 

Ông Nguyễn Hải Sơn nghiêm túc tiếp thu ý kiến trên và cho rằng, thời gian qua ngành rất quan tâm chấn chỉnh các mặt về lễ tiết, tác phong của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông và sẽ tiếp tục chấn chỉnh nghiêm túc hơn nữa. Ngành cũng đã đề ra các giải pháp kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông thời gian tới, trong đó triển khai thực hiện phương châm “4 đúng”, đó là: Đúng đối tượng (xử lý đúng đối tượng, tuyên truyền đúng đối tượng); đúng biện pháp (biện pháp tuyên truyền, tuần tra, xử lý); đúng thời điểm (thời điểm có nguy cơ vi phạm trật tự an toàn giao thông) và đúng địa bàn (nguy cơ xảy ra tai nạn). Kêu gọi các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương, tiếp tục quan tâm chung tay với lực lượng công an trong kiềm chế tai nạn giao thông xuống mức thấp nhất; các địa phương cần xây dựng, nhân rộng các mô hình về giữ gìn trật tự giao thông, xây dựng ý thức văn hóa giao thông trong cộng đồng và từng người.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Thùy Linh: Liệu ngành NN&PTNT có đảm đương nổi 120 lớp với 4.000 học viên theo học không?

 


Đối với tình hình tội phạm, ông Sơn cho biết, diễn biến tội phạm trên địa bàn 6 tháng qua hết sức phức tạp, so với cùng kỳ tăng 40 vụ. Ông cũng thừa nhận, trong xử lý tội phạm thời gian qua có những mặt này, mặt khác gây dư luận không tốt, ngành sẽ quan tâm chấn chỉnh một cách hiệu quả. Riêng về những vụ việc phải xử lý dựa trên tính chất định lượng phải áp dụng đúng pháp luật, không thể làm khác được.

 

* Nước sạch, vẫn chỉ là lời hứa

 

Về việc cung cấp nước sạch, vận hành, sửa chữa các trạm cấp nước mini, ông Nguyễn Văn Đồng thừa nhận cam kết ở kỳ họp trước là chưa thể làm được hết. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, đã làm hết sức mình, cụ thể đã tu bổ sửa chữa 124 trạm cấp nước mini, còn lại 144 trạm hư hỏng nặng, cần 7 tỉ đồng để sửa chữa.

 

Trả lời câu hỏi của ông Huỳnh Minh Chắc về giải pháp để 144 trạm cấp nước sớm vận hành, ông Đồng cho biết cần phải xin vốn chương trình mục tiêu của Chính phủ, hoặc xin ứng vốn từ UBND tỉnh sau đó hoàn lại.

 

 

Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các Nghị quyết tại kỳ họp này.

 

 

Về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn (các nghề thuộc ngành nông nghiệp) đã được bàn giao từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sang Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu Nguyễn Thị Thùy Linh yêu cầu ông Nguyễn Văn Đồng làm rõ có đảm đương nổi 120 lớp với 4.000 học viên theo học không ? Ông Đồng cho biết, cũng đang tập trung hết sức, tiếp tục phối hợp với Sở LĐ-TB&XH để hoàn thành các lớp dạy nghề trong năm.

 

Thông tin về các sinh viên Trường Trung cấp nghề, chuyên ngành thú y khi ra trường ngành nông nghiệp sẽ không nhận, ông Nguyễn Văn Đồng cho biết, thực tế sinh viên ra trường ngành này (trung cấp) xin việc tại Hậu Giang khá nhiều, sở sẽ làm việc lại với các viện, trường trong đào tạo. Đối với sinh viên, nếu không được nhận vào biên chế có thể tham gia làm cộng tác viên, làm công tác thú y tại cơ sở.

 

Kết thúc phiên chất vấn, ông Đinh Văn Chung đánh giá cao trách nhiệm của đại biểu và các ngành trong việc làm rõ các vấn đề cử tri quan tâm. Ông yêu cầu các ngành tập trung thực hiện những gì đã hứa trước kỳ họp và với cử tri.

 

Thảo luận rất có trách nhiệm

 

Trong phiên thảo luận tại tổ, tại hội trường về báo cáo của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết HĐND 6 tháng đầu năm, thảo luận các tờ trình, dự thảo các nghị quyết và các vấn đề khác, đại biểu HĐND tỉnh rất có trách nhiệm nói lên nhiều vấn đề bức xúc của cử tri.

 

Đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đánh giá cao sự chỉ đạo điều hành linh hoạt, khoa học, hiệu quả, hiệu lực của UBND tỉnh và các ngành, từ đó kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh tỉnh phát triển ổn định, bền vững. Có khoảng 15/19 chỉ tiêu đạt và vượt trên 50% kế hoạch đề ra; tăng trưởng kinh tế trên 14% (ở 3 khu vực đều có mức tăng khá); thu nhập bình quân đầu người tăng 17,5% so cùng kỳ, thu ngân sách đạt 97%; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 19,4%, giảm 1,3% so cùng kỳ (kế hoạch năm 2012 giảm từ 2-3% hộ nghèo). Đại biểu cũng đánh giá cao việc giảm họp, tăng cường đi cơ sở và quan tâm giải quyết khiếu nại tố cáo của UBND tỉnh và các ngành…

 

Tuy nhiên, đại biểu vẫn còn bày tỏ băn khoăn nhiều vấn đề đã từng đề cập. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho biết, tiếp xúc cử tri lần nào cũng nghe cử tri than phiền về nước hợp vệ sinh và đã báo cáo trước các kỳ họp, tuy nhiên hầu như chưa được giải quyết thỏa đáng. Bà Hương cũng không mấy tin tưởng vào tỷ lệ 91% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đã được báo cáo. Tiếp vấn đề này, đại biểu Phan Thạch Em, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết thêm, ở xã Trường Long A, huyện Châu Thành A có 9 trạm cấp nước thì hư hết 6, tương tự xã Trường Long Tây có 6 thì hư 3. “Cần có đánh giá cụ thể, chính xác về việc này”- bà Hương nói.

 

Cũng đề cập đến vấn đề dân sinh, đại biểu Bùi Văn Dũng (đơn vị huyện Phụng Hiệp), Giám đốc Sở Nội vụ băn khoăn việc Nhà nước chưa đề cập cụ thể gói cứu trợ cho nông dân, trong khi gói cứu trợ doanh nghiệp thì rất “rình rang”. Ông Dũng cũng đánh giá việc đào tạo nghề lao động nông thôn thời gian qua là không hiệu quả. Tính từ khi chia tách đến nay, Hậu Giang chi khoảng 500 tỉ đồng cho công tác này, 1 người học 2-3 nghề mà không làm được nghề nào cả.

 

Lãnh đạo UBND huyện Phụng Hiệp đề cập đến vấn đề thu mua mía trong dân, đề nghị vụ mía năm nay các nhà máy đường trong tỉnh phải thu mua sớm để nông dân không tiếp tục bị thiệt hại do lũ. Cũng như năm rồi, năm nay chỉ có khoảng 2.000/9.000ha mía trên địa bàn huyện Phụng Hiệp nằm trong đê bao. Năm nay khả năng năng suất mía cao hơn, nếu thu mua sớm sẽ đem lại lợi ích rất lớn. Ông Nguyễn Liên Khoa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, khẳng định thêm: “Mía trong vùng đê bao có thể chờ để tăng chữ đường, nhưng mía ngoài đê bao năm nay phải có biện pháp thu mua sớm”. 

 

Thảo luận về tờ trình khung mức giá một số dịch vụ khám chữa bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh, nhiều đại biểu lo lắng việc tăng đột ngột giá các dịch vụ trên sẽ gây “sốc” trong dân. Ông Trần Quốc Thẻo, Phó Chủ tịch UBMTTQ VN tỉnh, cho rằng chỉ nên tăng 2 lần so mức giá cũ. Trong khi đó, một số đại biểu tán thành dự thảo tờ trình là tăng bình quân 3 lần giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước, và 2 lần giá dịch vụ khám chữa bệnh trong các trạm y tế cấp xã trên địa bàn tỉnh so với giá cũ. Tuy nhiên, các đại biểu này cũng yêu cầu cùng với việc nâng giá dịch vụ khám, chữa bệnh phải đi đôi với việc nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh…

 

Tổng cộng có 39 lượt ý kiến của các đại biểu thảo luận tại tổ. Tại hội trường có 5 lãnh đạo sở, ngành tham gia phát biểu làm rõ hơn những vấn đề về nâng chất các thiết chế ấp, xã văn hóa, phong trào thể dục thể thao địa phương; về việc bàn giao lưới điện hợp tác xã cho Điện lực quản lý, việc mắc điện kế cho dân, về phát triển chợ trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh thi công các công trình bệnh viện, về giáo dục…

Sau hai ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, Kỳ họp lần thứ 4 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII (nhiệm kỳ 2011-2016) đã bế mạc. Kỳ họp đã thông qua 21 nghị quyết, trong đó có 8 nghị quyết về công tác cán bộ và 13 nghị quyết  về kinh tế, xã hội và các chế độ chính sách... Cụ thể 13 nghị quyết về kinh tế - xã hội và các chế độ chính sách gồm Nghị quyết về tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh 6 tháng cuối năm 2012; Nghị quyết về việc phê chuẩn điều chỉnh dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2012; Nghị quyết về điều chỉnh quyết toán ngân sách nhà nước tỉnh Hậu Giang năm 2009, 2010; Nghị quyết về công nhận và đặt tên mới các tuyến đường tỉnh trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến năm 2020; Nghị quyết ban hành chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về việc ban hành mức thu phí đấu giá tài sản và tỷ lệ phần trăm trích để lại cho cơ quan thu phí trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về việc quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) của tỉnh; Nghị quyết về việc chuyển đổi Quỹ phát triển đất tỉnh thành Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Hậu Giang; Nghị quyết về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức được luân chuyển trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết ban hành mức giá một số dịch vụ khám bẹnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ và khuyến khích đầu tư xây dựng hạ tầng chợ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Kỳ họp đã thực hiện công tác tổ chức thuộc thẩm quyền HĐND. Theo đó, các đại biểu HĐND tỉnh thống nhất bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh gồm ông Bùi Văn Dũng, Giám đốc Sở Nội vụ và đại tá Nguyễn Hải Sơn, Giám đốc Công an tỉnh. Bầu ông Trần Văn Huyến, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy giữ chức vụ Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh; ông Nguyễn Hoàng Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ giữ chức vụ Phó ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh…

TRÍ THỨC tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>