Hậu quả khó lường từ phát biểu trái khoáy của ông Duterte

28/10/2016 | 07:36 GMT+7

Giới phân tích luôn bất ngờ trước những phát biểu bốc đồng của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong quan hệ ngoại giao với Mỹ và Trung Quốc, nhưng càng quan ngại hơn những phát biểu sai trái của ông về chủ quyền Biển Đông trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại cuộc hội đàm với Tổng thống Philippines Duterte. Ảnh: NHK

Website Channel News Asia cho biết trong chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố: “Trung Quốc chưa bao giờ xâm chiếm một tấc đất nào của Philippines suốt hàng thế kỷ qua”. Đồng thời cho rằng “Trung Quốc có quyền lịch sử” ở Biển Đông. Cả hai tuyên bố trên đã vô hình chung bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Hay (Hà Lan) theo Phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 chỉ rõ không có chứng cứ nào cho thấy Trung Quốc đã thiết lập quyền lịch sử tại các vùng nước ở Biển Đông. Điều này trái ngược hoàn toàn với mục tiêu theo đuổi của Philippines trong những năm qua khi kiện Trung Quốc lấn chiếm trái phép các đảo trên Biển Đông của quốc gia này.

Theo Thẩm phán cấp cao Antonio Carpio thuộc Tòa án Tối cao Philippines, nếu soi rọi dưới luật pháp quốc tế, tuyên bố đơn phương của nguyên thủ quốc gia mang tính ràng buộc với quốc gia đó và có thể được sử dụng để chống lại chính quốc gia đó trong vụ kiện tranh chấp với nước khác. Do vậy, Manila cần phải lập tức sửa sai cho các phát biểu của ông Duterte bởi nó mang tính ràng buộc đối với Philippines. Bởi vì tất cả bản đồ cổ của các triều đại Trung Quốc đều khẳng định đảo Hải Nam là lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc. Không có bất cứ bản đồ cổ nào của Trung Quốc nói rằng bãi cạn Scarborough (Panatag/Hoàng Nham) và quần đảo Trường Sa là một phần của lãnh thổ Trung Quốc. Trong khi đó, bản đồ cổ của Philippines chỉ ra rằng bãi cạn Scarborough đã là lãnh thổ của nước này từ năm 1636, nhưng vào năm 2012, Trung Quốc đã chiếm đóng. Mặt khác, về sâu xa những phát biểu của ông Duterte sẽ là một trong những căn cứ để Trung Quốc tiếp tục lấn chiếm Biển Đông làm ảnh hưởng rất lớn đến những quốc gia có tranh chấp chủ quyền biển đảo với nước này.

Sở dĩ Tổng thống Philippines Duterte có những phát biểu trái khoáy như vậy là do ông muốn lấy lòng Trung Quốc để đạt được một số thỏa thuận kinh tế. Theo đó, trong chuyến thăm Trung Quốc 4 ngày vừa qua, Manila và Bắc Kinh đã ký kết 13 thỏa thuận trong các lĩnh vực thương mại, hợp tác văn hóa, du lịch, chống ma túy và hàng hải có tổng trị giá tới 13,5 tỉ USD.

Trong một diễn biến liên quan, ông Duterte tuyên bố “rời xa Mỹ”, và khẳng định “chỉ có Trung Quốc mới có thể giúp đỡ Philippines”. Hơn thế nữa, ông Duterte còn đả kích mạnh mẽ Mỹ, nhấn mạnh rằng ông không khơi mào một cuộc chiến với Washington và Mỹ có thể quên thỏa thuận quân sự giữa hai nước nếu ông còn tại vị. Động thái này đã làm cho Mỹ không hài lòng và phải tính toán lại mối quan hệ đồng minh với Philippines. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã điện đàm với người đồng cấp Philippines Perfecto Yasay bày tỏ quan ngại về giọng điệu trong những phát biểu gần đây của ông Duterte. Đồng thời nhấn mạnh về mối quan hệ vững chắc và bền chặt giữa hai nước và mong muốn Mỹ và Philippines “có thể cùng nhau vượt qua vấn đề này”.

Tuy nhiên, trong chuyến thăm Nhật Bản mới đây, Tổng thống Duterte cho rằng: “Trung Quốc nếu trở nên lớn mạnh, thì có khả năng sẽ xảy ra xung đột với Mỹ. Chúng ta (ý nói cả Nhật và Mỹ) vì có lập trường chung đối với Trung Quốc nên phải hợp tác lẫn nhau”. Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Duterte khẳng định Philippines mong muốn giải quyết vấn đề hòa bình Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế và Luật Biển, đồng thời tỏ rõ lập trường “sẽ đứng về phía Nhật Bản”. Ông cũng nhấn mạnh rằng “Việc đưa ra lập trường ngoài phạm vi phán quyết là không thể”. Những lời lẽ này hoàn toàn trái ngược với những tuyên bố trong chuyến thăm Trung Quốc.

Giới quan sát cho rằng quan điểm bất nhất của ông Duterte được nhiều người biết đến nhưng những tuyên bố thiếu căn cứ về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông gần đây sẽ khiến ông Duterte có thể bị đẩy vào tình thế khó khăn, mất uy tín không chỉ đối với các quốc gia trong khu vực mà còn cả cộng đồng quốc tế.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>