SÁP NHẬP TRUNG TÂM DẠY NGHỀ - TRUNG TÂM GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN

Khó bước đầu, ổn định cho tương lai

26/09/2016 | 07:45 GMT+7

Việc sáp nhập thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - giáo dục thường xuyên (GDTX) được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của loại hình giáo dục này trên địa bàn tỉnh.

Các học viên của lớp liên kết đào tạo nghề tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Châu Thành.

Nhiều thuận lợi

Huyện Châu Thành là một trong những địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh thực hiện việc sáp nhập giữa Trung tâm Dạy nghề và Trung tâm GDTX thành Trung tâm GDNN-GDTX. Việc sáp nhập này đã giúp cho trung tâm có được 2 cơ sở vật chất khang trang để đáp ứng nhu cầu GDTX, GDNN và hướng nghiệp cho các học viên. Ông Nguyễn Kim Cương, Phó Giám đốc trung tâm, chia sẻ: “Sau khi sáp nhập, chúng tôi có nhiều thuận lợi hơn trước về mặt chức năng hoạt động, điển hình như có thể dạy bổ túc văn hóa, liên kết đào tạo nghề, mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, dài hạn cho học viên. Đội ngũ giáo viên hiện tại ở đây đã cơ bản đảm bảo đủ số lượng để phục vụ cho nhu cầu dạy, học”.

Trung tâm GDNN-GDTX huyện Châu Thành có 3 lớp dạy bổ túc văn hóa THPT, 2 lớp dạy nghề là nghề kỹ thuật xây dựng và nấu ăn. Trung tâm còn liên kết đào tạo với các trường trong và ngoài tỉnh như Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật, Trường Cao đẳng Cần Thơ và Trường Trung cấp nghề tỉnh. Đầu năm học 2016-2017 này, khối lớp 10 của trung tâm đã tuyển sinh được 40 học sinh, đây là số khá cao so với mặt bằng chung ở các trung tâm khác trong tỉnh. Chia sẻ về tình hình sau khi sáp nhập, ông Nguyễn Việt Quốc, Giám đốc trung tâm, nói: “Do trước giờ, mỗi trung tâm đều hoạt động tương đối khác biệt nên bước đầu còn khó thống nhất trong hoạt động. Ngoài ra, cơ sở vật chất còn có một số hạng mục cần nâng cấp, sửa chữa, nhưng hiện vẫn chưa được cụ thể cần làm gì. Vì vậy, để có thể đi vào hoạt động hiệu quả cũng cần có thời gian để 2 trung tâm “hòa nhập” thành một… Chúng tôi cũng đang gặp khó trong công tác tuyển sinh, dù học viên của trung tâm khi học tại đây ra có thể làm việc cho các khu công nghiệp trên địa bàn, nhưng do quan niệm của người dân về việc học nghề chưa cao nên đây cũng là vấn đề khó”…

Thêm chức năng mới nhưng vẫn còn lo !

Còn ở thị xã Long Mỹ, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, trên địa bàn thị xã chỉ có Trung tâm GDTX, nên không có việc sáp nhập như các nơi khác, mà trung tâm chỉ đổi tên, đảm nhiệm đầy đủ chức năng mới theo quy định. Ông Phan Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Long Mỹ, nói: “Nếu như trước đây, chức năng của GDTX chỉ có thể dạy bổ túc văn hóa, đào tạo nghề ngắn hạn, liên kết với các trường để đào tạo nghề, thì hiện nay, chúng tôi đã được thêm chức năng giáo dục nghề nghiệp, hướng nghiệp cho học viên. Nhờ được các cấp lãnh đạo quan tâm và tạo điều kiện nên chúng tôi cũng thuận lợi hơn trong việc hợp nhất các chức năng. Với các chức năng mới, do chưa có giáo viên, trang thiết bị dạy nghề, rồi cơ sở vật chất còn hạn hẹp nên để phục vụ cho việc dạy nghề còn khó. Đối với hệ bổ túc văn hóa hiện nay, chúng tôi đã có hơn 70 học sinh đang theo học ở 3 khối lớp. Riêng ở khối lớp 10, trung tâm đã tuyển sinh được 20 em trong số học sinh không vào học tại các trường THPT và vẫn đang tiếp tục cho giáo viên đến vận động các em trên địa bàn ra lớp”.

Cũng với mục tiêu giảm bớt bộ máy hành chính, tăng cường hiệu quả hoạt động, Trung tâm GDTX thành phố Vị Thanh đã được sáp nhập vào Trung tâm GDTX tỉnh. Việc sáp nhập này cũng đem lại khá nhiều thuận lợi cho trung tâm. Ông Lương Phong Nhã, Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh, nói: “Chúng tôi đã dần thực hiện đầy đủ nhiệm vụ hơn trước chứ không chỉ riêng chức năng liên kết đào tạo. Với cơ sở vật chất mới tiếp nhận một số phòng đã xuống cấp, chúng tôi cũng cần được nâng cấp, sửa chữa lại để đáp ứng tốt việc dạy học. Ngoài cái khó khi số lượng học sinh được tuyển sinh đầu cấp ít, một số ngành liên kết đào tạo vẫn chưa tuyển đạt chỉ tiêu đề ra nên nhiều ngành vẫn chưa mở lớp được”…

Có thể thấy, việc sáp nhập 2 trung tâm là hướng đi phù hợp và đáp ứng với tình hình thực tế. Tuy nhiên, để phát huy được hiệu quả cũng như các thế mạnh hiện có, bên cạnh việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên chất lượng cũng cần được chú trọng để tạo điểm nhấn trong giáo dục ở các trung tâm.

Các trung tâm cần năng động hơn

- Giám đốc các trung tâm GDNN-GDTX các địa phương cũng nhìn nhận rằng, sau sáp nhập, bản thân các trung tâm cũng cần chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động, tích cực đổi mới phương thức đào tạo, mở rộng chương trình liên kết, đẩy mạnh đào tạo nghề theo địa chỉ sử dụng lao động, nâng cao chất lượng giảng dạy để thu hút được nhiều học sinh hơn.

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>