Nan giải bài toán thoát nước đô thị

Bài 2: Lo chất lượng nguồn nước mặt

23/09/2016 | 07:36 GMT+7

Dù chưa có số liệu chính xác về khối lượng rác, chất thải nguy hại trực tiếp đổ xuống hàng ngày nhưng qua quan sát thông thường cũng đủ để thấy chất lượng nguồn nước mặt dưới các tuyến kênh, rạch của tỉnh đang bị ô nhiễm là vấn đề báo động. 

Theo ông Bùi Trọng Lực, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang, chất lượng nước mặt ở kênh xáng Xà No thường không ổn định. Ảnh: LÝ ANH LAM        

Thời gian gần đây, đã có không ít lần Nhà máy nước Vị Thanh phải tạm ngưng lấy nước thô từ dòng kênh xáng Xà No bởi chất lượng không đảm bảo yêu cầu. Ngoài nguyên nhân nhiễm mặn, nguồn nước mặt dưới dòng kênh này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do hóa chất từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và từ rác, chất thải sinh hoạt đô thị gây ra.

Dòng Xà No có đang bị bức tử ?

Chắc hẳn nhiều người vẫn còn chưa quên hiện tượng cá nổi đầu và chết hàng loạt trên sông Xà No cách đây không lâu. Ngay thời điểm đó, đã có nhiều ý kiến, dư luận trái chiều về hiện tượng cá chết bất thường này. Nhiều ý kiến suy đoán rằng có thể do thuốc bảo vệ thực vật, tình trạng xả rác bừa bãi xuống dòng kênh, gây tắc nghẽn dòng chảy. Thậm chí là nước thải từ nhà vệ sinh của các hộ dân, phòng trọ dọc hai bên bờ kênh không qua bể tự hoại xả trực tiếp xuống kênh. Cũng không loại trừ khả năng do nước thải của các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tập trung chưa được xử lý triệt để trước khi đổ ra môi trường…

Trước thực trạng này, ngành tài nguyên và môi trường đã đưa ra kết luận về tình trạng cá chết bất thường là do nguồn nước bị thiếu oxy, có độ pH thấp, nhất là nguồn nước đang bị ô nhiễm nặng bởi chất hữu cơ từ rơm, rạ tràn từ các dòng kênh, rạch nhỏ, rồi chảy ra kênh xáng Xà No. Thế nhưng, người dân vẫn chưa thực sự an tâm về chất lượng nước mặt của tuyến kênh trọng yếu trong việc cung cấp nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho tỉnh. Đặc biệt, đây là nguồn cung cấp nước thô chính để Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang xử lý phục vụ cấp nước sạch cho hàng chục ngàn hộ dân trong và ngoài khu vực trung tâm thành phố Vị Thanh.

Chưa kể, kênh xáng Xà No là con kênh độc đạo, chế độ dòng chảy có những thời điểm không rõ ràng, nên chỉ cần phát sinh bất cứ vấn đề nào liên quan đến chất lượng nguồn nước, thì việc lấy nước xử lý cung cấp cho người dân sẽ bị gián đoạn. Ông Bùi Trọng Lực, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang, từng cho rằng: “Hiện nay, chất lượng nước mặt ở kênh xáng Xà No thường không ổn định, nhất là vào mùa mưa, độ đục tăng cao gấp 4 lần so với bình thường. Nếu không có biện pháp quản lý, cũng như sự quan tâm của các cấp, các ngành thì về lâu dài nguồn nước mặt sẽ không còn sử dụng được. Cho nên, công ty kiến nghị các ngành chức năng nên sớm quan tâm bảo vệ nguồn nước mặt”.

Cấp bách triển khai giải pháp xử lý

Kết quả khảo sát chất lượng nước tuyến kênh xáng Xà No của cơ quan chuyên môn cho thấy, các chỉ tiêu pH, BOD5, COD và Coliform tại hầu hết các điểm quan trắc đều không đạt quy chuẩn cho phép đối với nguồn nước mặt. Điều đáng nói ở đây là theo quy định, các khu đô thị phải có hệ thống xử lý nước thải được cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, trên thực tế dù đã được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh, nhưng từ nhiều năm qua, chỉ tiêu về xử lý nước thải đô thị của Vị Thanh vẫn chưa đạt. Thực tế nữa là nước thải đô thị ở đây đều chưa qua xử lý trước khi thải ra môi trường. Có chăng chỉ là tự xử lý sơ bộ bằng hố tự hoại mà thôi.

Lực lượng chức năng thu gom xác gia cầm vứt bừa bãi - nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước mặt. Ảnh: THANH THÚY          

Việc thành phố Vị Thanh không hoàn thành chỉ tiêu về xử lý nước thải đô thị do việc đầu tư các công trình xử lý nước thải tập trung này đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, trong khi địa phương còn rất nhiều khó khăn. Vì thế, về lâu dài, khi tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng thì đòi hỏi thành phố phải có biện pháp xử lý kiên quyết, nếu không muốn môi trường ngày càng xấu đi. Theo ông Đào Trọng Ngữ, Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường Hậu Giang, dù chất lượng nước mặt các kênh rạch năm 2015 so với năm 2013 đã có chuyển biến đáng kể, thế nhưng vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp.

“Nguồn nước mặt tại các vị trí quan trắc, ngoài việc bị ô nhiễm hữu cơ cũng đã ô nhiễm vi sinh do tác động từ nước thải, chất thải gây ra. Đặc biệt, các nguồn nước mặt gần các chợ và khu đông dân cư hầu như các chỉ tiêu đều vượt. Đây là vấn đề hết sức đáng lo ngại và cần sự quan tâm, đồng thời có biện pháp xử lý của các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể là bảo vệ nguồn nước mặt vốn có ảnh hưởng rất lớn và trực tiếp đến sinh hoạt, sức khỏe cùng hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân”, ông Đào Trọng Ngữ thông tin tại Hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo “Báo cáo tổng hợp kết quả quan trắc môi trường tỉnh Hậu Giang năm 2015” do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tổ chức gần đây.

Sau trận mưa lớn, nhiều tuyến phố, khu dân cư trên địa bàn thành phố bị ngập úng gây ách tắc giao thông, làm mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Có lẽ đây chính là hệ quả tất yếu khi chưa thực hiện đồng bộ các giải pháp chống ngập bền vững ngay từ quá trình xây dựng, cũng như quy hoạch đô thị gây ra…

THANH THÚY

Bài 3: Bao giờ hết ngập ?

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>