Gượng dậy sau hạn, mặn lịch sử

22/07/2016 | 07:42 GMT+7

Những trận mưa liên tục trong hơn 1 tháng qua đã phần nào “hạ nhiệt” đợt hạn, mặn lịch sử quét qua ĐBSCL. Đến cuối tháng 7-2016, “dư chấn” của hạn, mặn là rất lớn khi có đến hơn 200.000ha lúa, hàng ngàn vườn cây ăn trái bị thiệt hại ở những mức độ khác nhau. Câu chuyện “gượng dậy” sau hạn, mặn không chỉ là câu chuyện thời vụ trước mắt, mà nó cần có cái nhìn nghiêm túc cho những năm tiếp theo.

Chớ vội quên lãng hạn, mặn !

Hiện nhiều nước, tổ chức trên thế giới tiếp tục viện trợ cho Việt Nam khắc phục hậu quả do trận hạn, mặn lịch sử gây ra. Ước tính, trong đợt hạn, mặn vừa qua ở ĐBSCL có khoảng 1,5 triệu nông dân trồng lúa và gần 475.000 hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt. Theo thống kê mới nhất của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đã đặt 475.000 hộ dân vào tình cảnh thiếu nước sinh hoạt. Về trồng trọt, thiệt hại về lúa là gần 248.000ha; cây công nghiệp là 129.000ha, thủy sản là hơn 5.000ha, hoa màu là 19.000ha và cây ăn quả là hơn 52.000ha.

Nhờ hệ thống đê bao từ dự án Ô Môn - Xà No nên Hậu Giang hạn chế rất nhiều thiệt hại do đợt hạn, mặn vừa qua.

Ngay sau khi Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho các nông hộ chịu thiệt hại do thiên tai, Hậu Giang đã triển khai hỗ trợ từ 1-2 triệu đồng/ha (tùy mức độ thiệt hại) cho nông dân có đất trong 600ha lúa Hè thu bị thiệt hại. Nghiêm trọng hơn khi đợt hạn, mặn đã làm cho 6.000ha lúa không xuống giống được. “Ngay sau khi mùa mưa bắt đầu, tỉnh Hậu Giang đã mở cống thông nước ngọt đến các vùng chịu hạn, mặn. Khẩn trương hoàn thành các công trình nạo vét hệ thống kênh trục xung yếu để phục vụ dẫn nước về đồng. Nhờ vậy, 6.000ha đất ruộng đã xuống giống kịp thời vụ. Diện tích lúa phát triển rất tốt”, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết.

Ngay khi hạn, mặn xảy ra, Thủ tướng rồi Phó Thủ tướng Chính phủ đã đi thị sát và chỉ đạo ngay các biện pháp khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Cùng theo đó, các hội nghị bàn giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu liên tục được tổ chức. Nhiều kiến nghị về hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, thay đổi cơ cấu cây trồng, hạn chế sử dụng cây trồng dùng nước nhiều; đưa nhanh các giống cây trồng chịu mặn vào sản xuất… Song, ngay khi mùa mưa bắt đầu đã xuất hiện dấu hiệu nhanh chóng “quên lãng đợt hạn, mặn vừa qua”. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT), cho rằng: “Câu hỏi đặt ra là liệu tới đây nước từ thượng nguồn sông Mekong có còn đổ về ĐBSCL? Giải pháp làm đê bao ngăn mặn là khó thực hiện cho toàn vùng. Vì vậy, các địa phương cần quan tâm khơi thông các trục kênh thủy lợi quan trọng để trữ nước ngọt, phục vụ tưới tiêu cho sản xuất. Ngành nông nghiệp hiện nay chưa có giải pháp lâu dài để thích ứng với tình hình khô hạn, nước mặn xâm nhập tiếp theo”.

Không chỉ là câu chuyện tích nước ngọt

Lâu nay, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL đã được nhận diện. Nói về ĐBSCL, người ta thường dẫn ra những đóng góp như: trên 60% tổng sản lượng lương thực (hơn 90% cho xuất khẩu); cung cấp khoảng 70% lượng trái cây, trên 40% sản lượng thủy sản đánh bắt và trên 74,6% sản lượng thủy sản nuôi trồng của cả nước. Thế nhưng tôm, lúa, mía, cây ăn trái - cả bốn mặt hàng sản xuất nông nghiệp chủ lực của ĐBSCL đã bị thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng trong đợt hạn, mặn vừa qua. “Chưa bao giờ vựa lúa miền Tây dễ bị tổn thương như lúc này. Ngành nông nghiệp Hậu Giang thực hiện nguyên tắc “lấy nội đồng làm chính” để trữ nước ngọt trong các hệ thống kênh nội đồng, các ao hồ, các vùng trũng trong đồng ruộng đã được chính quyền địa phương và người dân vận dụng triệt để đảm bảo đủ nước tưới cho cây trồng”, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, chia sẻ kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, kiến nghị: ĐBSCL nói chung và tỉnh Hậu Giang cần có dự án ngăn mặn từ xa đối với Biển Tây. Hoàn thiện hệ thống ngọt hóa bán đảo Cà Mau, đầu tư dự án Cái Lớn, Cái Bé. Trên cơ sở đó, các địa phương xây dựng các dự án điều tiết, kiểm soát mặn với các vùng dự án khác nhau phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp và có hiệu quả kinh tế cao. Đối với mặn từ Biển Đông cần có nghiên cứu tiền khả thi hệ thống cống lấy nước từ sông Hậu để kiểm soát có hiệu quả xâm nhập mặn bảo vệ sinh kế của người dân. Trong đó, dự án các ô bao lớn để kiểm soát mặn, trữ ngọt vào mùa khô như dự án Ô Môn - Xà No của 3 tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ đến nay cho thấy là hiệu quả rất cao.

Câu chuyện thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL hiện nay: Ngoài tập trung trữ nước ngọt, còn phải tính đến chuyện lượng phù sa đang giảm mạnh trong mùa nước nổi, nhiều nơi đất đang sụp lún do khai thác quá mức tầng nước ngầm… Chính vì thế, ĐBSCL cần hợp lực chốt các vấn đề then chốt gắn với các công trình thủy lợi trọng điểm, cơ cấu cây trồng cụ thể cho từng vụ để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do hạn, mặn gây ra trong những năm tiếp theo. Để làm được điều này, Bộ NN&PTNT cần có những quyết sách cụ thể để trình Chính phủ quyết định. Nếu không, tình hình hạn, mặn sẽ tiếp tục gây thiệt hại nặng nề cho ĐBSCL.

Bài, ảnh: CAO PHONG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>