Những thương binh giàu nghị lực

19/07/2016 | 07:37 GMT+7

Quê hương dứt tiếng súng, những thương binh giàu nghị lực lại tiếp tục chiến đấu trên mặt trận sản xuất, chống lại đói nghèo. Dù vất vả, nhưng họ vẫn vui vì đã lo cho gia đình tươm tất sau những ngày vác ba lô, cầm cây súng trên vai...

Ông Nở vui bên các con cháu của mình.

Ở ấp 1B, thị trấn Một Ngàn, nhắc đến ông Lê Văn Nở, hầu như ai cũng biết và nể phục. Nể bởi sự dũng cảm từ thời chiến và phục bởi ông là tấm gương thương binh tiêu biểu, giàu nghị lực trong thời bình. Mọi người hay gọi ông là “Ông thương binh làm kinh tế giỏi”. Ông Bùi Thanh Lâm, công chức văn hóa - xã hội của thị trấn, chia sẻ: “Nhìn những vết thương trên gương mặt và đôi chân của chú Nở, tôi không thể hình dung làm sao chú có thể vượt qua những trận tra tấn dã man của giặc, để giữ vững lòng tin với cách mạng. Có lẽ khí chất, sự kiên gan, cùng niềm tin với Đảng, với Bác đã giúp chú vượt qua tất cả”.

Thời trai trẻ, ông cống hiến cả tuổi thanh xuân cho quê hương. Chưa tròn 15 tuổi, ông Nở đã tham gia cách mạng. Vết thương nặng nhất lại ở trên mặt của ông, trong một trận đánh vào năm 1964, lúc chống càn, ông bị cây phảng phát cỏ cứa sâu cả vùng mặt bên trái, hư một mắt. Riêng chân trái mảnh đạn vẫn còn nằm trong xương, cứ khi trái gió trở trời, cơn đau nhức lại đến. Trở về quê hương sau ngày không còn bóng giặc, ông Nở được công nhận thương binh 2/4, với tỷ lệ thương tật đến 61%.

Ông Nở thổ lộ: “Vết thương này có sá gì với sự hy sinh của đồng đội, đồng chí mình đâu. Mình còn sống về với vợ con, được hưởng niềm vui độc lập là vui lắm rồi. Tôi nhớ năm 1960, khi vừa tròn 15 tuổi tôi đi làm giao liên, rồi tham gia đội du kích xã Tân Hòa. Cũng hơn 11 lần tôi bị địch bắt đó, tụi nó đánh nhiều khi chín phần chết, một phần sống”.

Từ chiến trường trở về, hoàn cảnh khó khăn, số tiền trong tay khi ấy chỉ mua được vài thùng gạo. Rồi với quyết tâm của người lính, ông Nở từng bước tạo dựng được cơ ngơi khang trang như hôm nay. Bảy người con của ông đều được đi học và có công việc ổn định. Ở tuổi 72, ông Nở vẫn quán xuyến hơn 10 công ruộng, 5 công xoài. Khi cuộc sống gia đình khá giả, ông Nở cũng chăm làm từ thiện hơn. Từ năm 2005 đến nay, mỗi năm ông đều góp hơn 250kg gạo cho tổ cơm, cháo, nước sôi của Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, cũng như tích cực tham gia các hoạt động từ thiện của thị trấn Một Ngàn.

Cũng ở thị trấn Một Ngàn, ông Trần Văn Beo, thương binh 2/4, ở ấp Nhơn Lộc, cũng là gương điển hình của thương binh huyện Châu Thành A. Bồi hồi nhớ lại kỷ niệm những ngày ngủ hầm, ăn cơm vắt, ông Beo chia sẻ: “Năm 1971, tôi tham gia đội du kích ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành. Trong trận Cái Muồng năm 1974, lúc cùng đồng đội chống càn, tôi bị mảnh đạn văng trúng hư một con mắt bên trái, cùng nhiều vết thương khác và ngày trở về mới biết tỷ lệ thương tật 61%”. Đến năm 1978, khi công tác ở Công an huyện Châu Thành, do sức khỏe không cho phép nên ông xin về nhà ở thị trấn Một Ngàn. Vẫn chưa chịu nghỉ ngơi, từ năm 1979 ông làm ấp đội trưởng ấp Nhơn Lộc cho đến nay, dù đã 61 tuổi. Ở ấp, nhiều tuyến đường hàng rào cây xanh thẳng tắp, cột cờ cách đều khoảng đẹp mắt, đường làng quang đãng… kết quả này có sự đóng góp của ông Beo.

Về quê hương với manh áo bạc màu, chiếc ba lô trên vai và một bên mắt đã hỏng, bằng nghị lực của một người lính Cụ Hồ, ông Beo cố gắng vươn lên, suốt ngày cứ quần quật trên mảnh vườn, miếng ruộng của mình. Ông Beo chia sẻ tiếp: “Thời chiến đã không sợ khó khăn, nguy hiểm để bảo vệ quê hương, thì những vết thương trên cơ thể nào có hề gì. Cứ nghĩ đánh giặc Mỹ khó vậy còn làm được, làm giàu chắc cũng làm được”. Cả hai người con của ông đều đã ăn học thành tài. Người con trai lớn Trần Quốc Tuấn hiện là Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thị trấn Một Ngàn, người con trai út Trần Quốc Danh đang là trung úy Tiểu đoàn 3, Sư đoàn 30 đóng tại Trà Bay, Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ.

Bỏ qua tất cả đau thương của thời chiến, chỉ giữ lại kỷ niệm vào sinh ra tử những ngày máu lửa cùng đồng đội, ông Nở, ông Beo lại miệt mài với ruộng vườn, vui vầy bên gia đình, con cháu. Ông Phan Vũ Cường, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành A, cho biết: “Đây là 2 trong số hàng trăm gương thương binh tiêu biểu vượt khó trong phát triển kinh tế gia đình, nuôi con ăn học thành tài của huyện. 291 thương binh của huyện Châu Thành A đều có điểm chung là luôn nỗ lực, quyết tâm và cố gắng chăm lo cho gia đình, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương bằng cả tấm lòng người lính”.

Huyện Châu Thành A có hơn 2.300 đối tượng chính sách. Trong đó, có 997 trường hợp được trợ cấp hàng tháng… trên 99,9% các đối tượng chính sách có mức sống từ trung bình trở lên. 

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>