Hệ lụy từ diện tích đất không đúng thực tế

Bài 2: Đi tìm hướng giải quyết

01/07/2016 | 05:54 GMT+7

Nhìn lại quá trình quản lý nhà nước về đất đai cho thấy, đây là hệ quả do... lịch sử để lại, từ đó đặt ra yêu cầu phải có hướng giải quyết, tháo gỡ nhằm tránh phát sinh rắc rối cho người dân. 

Cán bộ địa chính xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, hướng dẫn người dân thủ tục điều chỉnh GCNQSDĐ.

Nguyên nhân

Công tác quản lý nhà nước về đất đai ở nước ta trải qua nhiều giai đoạn lịch sử. Chỉ riêng đối với Luật Đất đai, từ năm 1945 đến nay đã hơn 7 lần được ban hành, sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, việc đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) - tính từ gần đây là Luật Đất đai năm 1993 cũng trải qua nhiều giai đoạn thực hiện.

Theo chia sẻ của một số cán bộ địa chính, trong giai đoạn cấp GCNQSDĐ năm 1993, việc đo đạc chủ yếu bằng thủ công do phương tiện kỹ thuật còn hạn chế, có khi chỉ dùng một đoạn thước dây để đo nên phần lớn các GCNQSDĐ được cấp trong thời gian này đều xảy ra sai số.

Mặt khác, việc sử dụng bản đồ địa chính lập bằng công nghệ chụp từ không ảnh nên độ chính xác chỉ chừng mực. Quy chuẩn sai số trong thời kỳ này cũng không nhất quán, cụ thể sai số theo bản đồ không ảnh là 2%, còn quy chuẩn xác định tọa độ bằng máy là 0,7%. Chính sự chênh lệch đó đã dẫn đến sự tăng giảm diện tích đất thực tế so với diện tích được cấp trong giấy.

Ngoài ra, vào thời điểm kê khai để đăng ký quyền sử dụng đất, do đất có giá trị chưa cao nên nhiều hộ gia đình không chú ý đến ranh đất giữa hai nhà, đôi khi chỉ dựa vào gốc cây hay hàng rào. Cán bộ địa chính khi đo đạc diện tích lại căn cứ theo vị trí cho biết của người dân để xác định. Sau này, khi đất có giá, những ranh đất tự nhiên đó không còn thì tranh chấp xảy ra…

Giải quyết từ ngành chức năng 

Ông Nguyễn Văn Tuấn, cán bộ địa chính - xây dựng xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, cho biết: Hiện nay, với những trường hợp người dân khiếu nại, thắc mắc liên quan đến chênh lệch diện tích đất giữa thực tế và trên giấy, cán bộ địa chính sẽ giải thích để hiểu rõ bất cập và hạn chế trong quá trình cấp giấy ở giai đoạn trước, đồng thời cũng tìm hiểu, xác minh hiện trạng sử dụng đất thực tế của người khiếu nại, xem có sự biến động, thay đổi nào không. Bởi nếu xác định được hiện trạng sử dụng lâu dài, không đổi qua nhiều năm thì người dân cũng dễ chấp nhận hơn với việc chênh lệch diện tích.

Ông Nguyễn Văn Truân, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vị Thủy, cho biết: Đối với các trường hợp có sự chênh lệch diện tích, khi người dân có yêu cầu điều chỉnh, cơ quan chức năng sẽ tiến hành đo thực địa, tứ cạnh của phần đất rồi điều chỉnh theo đúng thực tế. Hiện nay, với các phương tiện kỹ thuật cao khi đo đạc, sai số sẽ rất thấp. Còn đối với những trường hợp sai sót, chênh lệch lớn, phải thành lập đoàn liên ngành để thẩm định, đo đạc lại.

Mặt khác, với một số GCNQSDĐ đã được cấp từ lâu, có sai lệch lớn, cơ quan quản lý cũng khuyến khích người dân tiến hành cấp đổi hoặc điều chỉnh GCNQSDĐ của mình cho đúng với diện tích thực tế sử dụng.

Việc giải quyết các tranh chấp về chênh lệch diện tích đất giữa thực tế và trên giấy tại tòa, ông Lương Phước Đại, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, cho rằng: Diện tích đất trên GCNQSDĐ dù quan trọng nhưng chỉ là một trong những yếu tố để tòa xem xét khi giải quyết tranh chấp. Vì thực tế, việc chênh lệch diện tích xảy ra khá phổ biến, nếu chỉ căn cứ vào số liệu ghi trên giấy thì rất khó để tòa án có thể ra phán quyết. Vì vậy, tòa án sẽ căn cứ thêm vào hiện trạng sử dụng của các đương sự, đồng thời tham khảo ý kiến một số người cao tuổi, có uy tín trong khu vực về nguồn gốc, ranh đất nhằm đảm bảo tính khách quan của vụ việc.

Tình trạng chênh lệch diện tích đất giữa GCNQSDĐ và thực tế có xảy ra và ảnh hưởng nhất định đến quyền lợi của người sử dụng đất. Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ điều kiện khách quan là do hạn chế về mặt khoa học - kỹ thuật trong giai đoạn trước đây, cũng như một số yếu tố chủ quan từ cán bộ đo đạc và chính người sử dụng đất. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, cho biết: “Hiện nay, khi người dân có yêu cầu thực hiện các quyền của người sử dụng đất như cấp đổi GCNQSDĐ, tách thửa để chuyển nhượng, tặng cho, nhận thừa kế… mà phát hiện có sự chênh lệch diện tích trong giấy chứng nhận, cơ quan có thẩm quyền sẽ nhanh chóng phối hợp, tạo điều kiện cho người dân bổ sung thủ tục biến động và cấp GCNQSDĐ theo diện tích đo đạc thực tế nếu đủ điều kiện, qua đó có thể giúp người dân gỡ rối vấn đề này.

Có thể thấy, dù do nguyên nhân khách quan hay chủ quan, để xảy ra những vướng mắc như trên, nếu các cơ quan chức năng có sự quan tâm vào cuộc để xử lý và giải thích cho người dân hiểu rõ, cũng như người dân có sự hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước thì các khiếu nại, rắc rối từ vấn đề này sẽ dần được khắc phục trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Hoàng Anh: “Hiện nay, các thiết bị công nghệ đo đạc đã tiên tiến hơn trước, có độ chính xác cao nên hạn chế sai số cũng như việc chênh lệch diện tích trong việc cấp GCNQSDĐ. Bên cạnh đó, người dân cũng nên có sự phối hợp với các cơ quan chức năng khi thực hiện dự án đo đạc tổng thể như xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới ngoài thực địa, như vậy thì sẽ hạn chế thấp nhất được những sai sót xảy ra”.

 

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>