Sáng mãi khí tiết người chiến sĩ cách mạng

29/04/2016 | 09:49 GMT+7

Từng bị giam cầm và kìm kẹp sau song sắt của địch, nhưng hòa bình lập lại, những chiến sĩ cách mạng ấy vẫn giữ vững khí tiết với Đảng, Bác Hồ. Khi trở về với cuộc sống đời thường, họ vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất anh dũng, kiên cường và bản lĩnh của người Bộ đội Cụ Hồ.

Dù tuổi đã cao, nhưng ông Năm vẫn tích cực lao động.

Đã 41 năm sau ngày giải phóng, song ký ức về những ngày tháng bị giam cầm tại nhà tù Cần Thơ dường như vẫn không phai mờ trong tâm trí ông Phạm Văn Năm, ở ấp 6, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy. Ở tuổi 81, nhưng ông Năm vẫn nhớ rất rõ những chuyện năm xưa. Giọng trầm buồn, ông kể với chúng tôi, năm 1958, ông tham gia cách mạng, đảm nhận vị trí giao liên. Đến năm 1959, ông bị địch bắt giam ở nhà tù Cần Thơ. Trong thời gian bị giam cầm, địch đã dùng đủ cực hình tra tấn ông, nhằm khai thác thông tin về địa bàn hoạt động của bộ đội ta. Ông Năm chia sẻ: “Để đánh lạc hướng quân địch, tôi đã khai ra tên một số đồng chí, nhưng là những người đã hy sinh, còn các đồng chí còn lại tôi nhất quyết không khai. Do bọn chúng không thể khai thác thêm thông tin gì ở tôi, nên đành thả tôi sau 10 tháng giam giữ”. Sau khi được thả về, ông Năm tiếp tục hoạt động cách mạng cho đến ngày giải phóng.

Từ năm 1975, ông Năm đã tham gia các hoạt động tại hợp tác xã, hội người cao tuổi, hội chữ thập đỏ. Bên cạnh đó, ông còn là chỗ dựa vững chắc cho vợ con, gia đình trên mặt trận kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa cho quê hương. Ông Năm cho biết: “Mới giải phóng, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhưng với ý chí của người chiến sĩ cách mạng thôi thúc tôi vượt qua mọi khó khăn, gian khổ vươn lên trong cuộc sống thời bình”. Với ý nghĩ ấy, ông cùng vợ là bà Điền Thị Sáu không quản ngại khó khăn, cực nhọc làm đủ mọi công việc như cấy lúa, mò cua, bắt ốc, giăng lưới, cắm câu, làm thuê, làm mướn… để mưu sinh. “Điều mà tôi luôn tâm huyết đó là ở chiến trường không sợ hy sinh, vào tù không sợ tra tấn, trở về đời thường cũng phải chiến thắng đói nghèo”, ông Năm bày tỏ. Sau nhiều năm vất vả, cật lực lao động, cộng thêm con cái khôn lớn, do đó, đời sống kinh tế gia đình cũng từng bước được ổn định và có tích lũy vốn. Hiện nay, ngoài làm ruộng, gia đình ông còn chăn nuôi và trồng một số cây ăn trái.

Cùng với phát triển kinh tế, ông Năm luôn năng nổ trong công tác xã hội. Đặc biệt, từ khi cuộc sống gia đình ổn định, hễ khi nghe có hoàn cảnh gặp khó khăn trong cuộc sống, ông Năm còn đi vận động để hỗ trợ. Bà Nguyễn Thị Út, ở ấp 6, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, cho biết: “Nói đến cậu Năm, bà con lối xóm ở đây ai cũng hết lòng quý mến, cậu rất tốt bụng luôn quan tâm giúp đỡ mọi người, nhất là những người nghèo khó. Còn nhớ hai năm trước, chồng tôi bị bệnh thận, nhưng gia đình không có tiền, cậu Năm đã đi vận động để giúp gia đình tôi có tiền đi điều trị bệnh cho ông ấy. Không chỉ riêng gia đình tôi mà còn rất nhiều gia đình khó khăn khác đã được cậu Năm giúp đỡ”. Với tinh thần trách nhiệm cao, ông Năm luôn quan tâm, nhiệt tình giúp đỡ mọi người cả về vật chất và tinh thần. Ngoài ra, ông còn truyền đạt những kinh nghiệm hay trong phát triển kinh tế, gương mẫu đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hóa tiêu biểu ở địa phương.

Hiện nay, ông Năm sống vui vẻ cùng bà Điền, ngày ngày đi thăm đồng, coi sóc bầy gà, đàn ngỗng, lúc rảnh lại trồng hoa và chăm sóc cây cảnh, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. “Tôi không bao giờ tiếc những năm tháng tù đày, gian khổ. Thế hệ chúng tôi sẵn sàng hy sinh, để con cháu hôm nay được sống trong hòa bình, áo ấm, cơm no”, ông Năm bày tỏ.

Cũng từng bị địch giam cầm, bà Nguyễn Thị Hoa, ở ấp 6, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, cho biết: “Năm 25 tuổi, tôi tham gia cách mạng, lúc đó công việc của tôi tiếp tế lương thực cho bộ đội. Sau đó, tôi chuyển sang hoạt động bên ban cán sự phụ nữ ở địa phương. Trong những lần đấu tranh trực diện với kẻ thù tôi đã bị địch bắt tù đày 4 lần. Dù nhiều lần bị đánh đập, tra khảo dã man, nhưng tôi vẫn tuyệt đối trung thành với cách mạng, một lòng theo Đảng, Bác Hồ kính yêu”. Mặc dù, tuổi cao lúc nhớ lúc quên nhưng khi kể cho chúng tôi nghe về tội ác của kẻ thù trong ánh mắt bà Hoa vẫn ánh lên nỗi căm hờn sâu sắc. Giọng bà chậm rãi hơn khi kể cho chúng tôi nghe về lần bà bị giam ở Vị Thanh, trong giọng kể ấy có những giọt nước mắt nhớ các đồng đội hôm qua, nhớ những đòn tra tấn của kẻ thù. “Chúng tôi bị tra tấn bằng nhiều hình thức tàn bạo, dã man. Có lần chúng bóp cổ, ghim điện vào đầu, đổ xà bông vào miệng vào người làm nhục ý chí, tưởng chừng không thể sống nổi, nhưng với lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, chúng tôi nhất quyết không khuất phục. Chính vì thế, sau khi được thả ra, chúng tôi tiếp tục chiến đấu cho đến ngày cách mạng hoàn toàn thắng lợi”, bà Hoa cho biết thêm.

Với ý chí của người lính Bộ đội Cụ Hồ kiên cường, anh dũng nên khi trở về với cuộc sống thời bình, bà Hoa không chỉ gương mẫu và tích cực vận động người thân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, còn ra sức phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn để vươn lên phát triển kinh tế, góp phần làm giàu cho quê hương. Nhắc đến những người đồng chí năm xưa, bà Hoa xúc động cho biết, những đồng đội năm xưa người còn, người mất, nhưng tôi tin rằng tất cả mọi người ai nấy đều tự hào với những việc mà mình đã làm, đã cống hiến cho Tổ quốc thiêng liêng. “Trong cuộc sống mới hôm nay, tôi rất vui với những đóng góp nho nhỏ của mình, đó có thể là kinh nghiệm sống, là vài việc vặt trong gia đình hay đơn giản chỉ là sống vui, sống khỏe…”, bà Hoa chia sẻ. Ghi nhận những cống hiến của bà Hoa, Đảng và Nhà nước đã tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Kỷ niệm chương chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày.

Trên đây là hai trong số hàng trăm chiến sĩ cách mạng trên địa bàn tỉnh bị địch bắt tù đày trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Hiện nay, toàn tỉnh có 709 chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày còn sống. Những chiến sĩ cách mạng ấy không chỉ kiên trung, góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc, mà trong cuộc sống hòa bình hôm nay họ tiếp tục viết nên những trang sử vàng trên mặt trận kinh tế, văn hóa, xã hội soi sáng cho thế hệ trẻ noi theo…

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>