Mùa Xuân đầu tiên

07/02/2016 | 20:43 GMT+7

Thời chiến, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, là nơi “bom cày đạn xới”, những năm đầu giải phóng gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, nhưng các năm qua, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, nhất là khi trung tâm huyện lỵ đóng tại nơi đây thì vùng này như được chuyển mình... Xuân này về Vĩnh Viễn, nghe kể nhiều gia đình ăn nên làm ra, đời sống bà con khấm khá, cơ sở hạ tầng khởi sắc…

Tết này, ông Dương Thanh Bình có lợi nhuận trên 100 triệu đồng từ vườn tiêu.

Làm giàu trên vùng đất khó

Những năm trước, khi nhắc đến Vĩnh Viễn, ngoài việc nghĩ tới vùng đất giàu truyền thống cách mạng, còn biết đến là nơi khó khăn, vùng đất cằn cỗi. Anh Trần Thanh Nghĩa, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Viễn, ví von: Trước đây, mùa khô nước cạn, dưới mương nổi lên một lớp phèn vàng óng, còn mùa nước lớp phèn ấy trong như mắt mèo, nếu đi săn chuột thì chuột lặn dưới mương tới đâu là thấy tới đó. Do đó, vùng đất này chỉ “ưa” có cây khóm, còn các loại cây khác thì lấy cũ đổi mới, nhưng nay đã khác, bà con trồng được cả loại cây khó tính như: tiêu, bưởi và một số loại cây ăn trái khác…

Bây giờ, đi đâu trên địa bàn xã cũng bắt gặp nhiều mô hình hay, bà con bàn nhau cách làm giàu. Chỉ tay về những nọc tiêu đang xanh tốt, ông Dương Thanh Bình, ở ấp 1, cho biết: “Hiện nay, tôi trồng khoảng 1.500 nọc tiêu, tết này thu hoạch từ 700-800kg. Với giá hiện như nay, trừ chi phí, tôi lời trên 100 triệu đồng”.

Trung tâm huyện Long Mỹ đặt tại xã Vĩnh Viễn.

Để chứng minh, ông Bình dẫn tôi tham quan khắp vườn tiêu của gia đình. Những nọc tiêu ngay hàng thẳng lối và đang mang những chùm tiêu nặng trĩu, đưa tôi chùm tiêu vừa hái, ông Bình nói: “Như thế này là vài ngày nữa tôi thu hoạch để bán tết. Tiêu hạt được đặt hàng hết rồi, không đủ bán cho các tiểu thương ở chợ Vĩnh Viễn”.

Gia đình ông Bình có trên 3ha đất, ông cũng từng trồng mía, lúa, khóm, tràm…, nhưng nguồn thu không cao. Tình cờ, ông trồng vài nọc tiêu xung quanh nhà để ăn thì lại cho hạt xum xuê. Thấy tiêu là cây trồng có triển vọng, năm 2009, ông bắt đầu trồng thử nghiệm 100 nọc cho bò lên thân cây tràm. Do chưa có kinh nghiệm nên qua 3 năm trồng chỉ có trên 60 gốc phát triển tốt và cho thu hoạch. Để tạo đột phá mới trong chuyển đổi cây trồng, ông Bình chủ động đi tham quan, tiếp cận nhiều mô hình trồng tiêu ở tỉnh Kiên Giang, Bình Phước, Đồng Nai… và nhân rộng diện tích ra 3.000m2. Ông Bình cho biết: “Làm nọc tiêu có thể lấy nhiều loại cây gỗ, nhưng tràm có nhiều lớp vỏ, giữ nước tốt, vì thế khi làm nọc tiêu sẽ cho hiệu quả hơn. Khi trồng dưới tán tràm sẽ giúp dây tiêu tránh được sự biến đổi bất thường của thời tiết. Hiện nay, tiêu cho thu nhập gấp nhiều lần so với trồng mía, khóm mà không tốn nhiều công chăm sóc”.

Bây giờ, các em học sinh xã Vĩnh Viễn đạp xe đi học “bon bon”.

Nhờ trồng tiêu từ nhiều năm qua, năm ngoái, gia đình ông Bình cất được căn nhà trị giá trên 400 triệu đồng. Hôm chúng tôi đến, ông Bình đang hoàn thành các công đoạn cuối trong việc xây dựng lò bún và sẽ cho ra những mẻ bún đầu tiên trước Tết Nguyên đán.

Còn câu chuyện làm giàu của gia đình bà Nguyễn Thị Kim Anh, ở ấp 11, cũng được nhiều người dân học hỏi thời gian qua. Tìm đến nhà cũng là lúc gia đình bà thu hoạch hẹ. Cầm trên tay bó hẹ xanh mướt, bà Kim Anh nở nụ cười cho biết: “Cũng nhờ trồng hẹ mà cuộc sống gia đình tôi đỡ vất vả hơn trước rất nhiều, tính ra mỗi đợt thu hoạch lời hơn 5 triệu đồng”.

Gia đình bà Kim Anh có 7 công đất ruộng, 1 năm làm 3 vụ lúa, nhưng cũng chỉ đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày. Cách đây 2 năm, tận dụng khoảnh đất trống xung quanh nhà chừng 1.000m2, bà tiến hành trồng hẹ. Vì hẹ từ khi trồng đến khoảng 2 tháng sau là cho thu hoạch, từ đó cách nhau 40 ngày thu hoạch tiếp, 1 năm thu hoạch 8 lần mà không cần trồng lại, nên bà có nguồn thu hàng chục triệu đồng/năm. Theo bà Kim Anh, bây giờ cuộc sống gia đình tương đối, nên tết này sẽ mua thêm các thiết bị phục vụ sinh hoạt trong nhà. Nói rồi bà vội vã thu gom những bó hẹ đang bỏ dở để chất thành đống chờ thương lái vào cân.

Câu chuyện làm giàu của người dân xã Vĩnh Viễn luôn là đề tài “nóng” thời gian qua, bởi ở đây xuất hiện nhiều mô hình mang tính đột phá của vùng phèn mặn, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm như: bưởi Năm Roi, hoa màu, nuôi cá, tiêu… Từ đó, đời sống bà con ngày càng nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Nếu năm 2011, toàn xã có 18,8% hộ nghèo, thì đến nay còn 5,5%...   

   

Xã Vĩnh Viễn ngày càng phát triển.   

Khoác áo mới

Ông Đinh Văn Lên, ở ấp 11, nguyên Bí thư xã Vĩnh Viễn, từ năm 1974-1975, nhớ lại: Sau ngày giải phóng, xã Vĩnh Viễn gặp khá nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo cao, đường đi lại khó khăn, thiếu điện thắp sáng, vận động trẻ em đến tuổi vào lớp rất vất vả…, nhưng đó là những chuyện trước đây. Với sự chăm lo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và sự ra sức của nhân dân, xã Vĩnh Viễn từng bước chuyển mình, mà phải kể đến từ khi xây dựng xã nông thôn mới và trung tâm huyện đặt tại xã Vĩnh Viễn đến nay.

Đi trên tuyến đường nông thôn cặp kênh Mười Thước thẳng tắp, ông Nguyễn Văn Toàn, ở ấp 3, phấn khởi nói: “Tuyến đường này tạo điều kiện cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa dễ dàng, trẻ em đi học không còn sình bùn như trước. Khoảng 4 năm trước, tuyến đường này ngang khoảng 2m, nhưng đã xuống cấp, hư hỏng nặng, khó đi lắm”.

Trở lại Vĩnh Viễn lần này điều thấy phấn khởi chính là hầu hết trẻ em trong độ tuổi đều đến lớp và càng vui hơn khi ý thức của bà con về chuyện học hành cho con cháu được nâng lên. Bây giờ, kể chuyện đường sá lầy lội phải trông ngóng từng chuyến đò để đi về cho học sinh Vĩnh Viễn, nghe chắc hẳn nhiều em không hình dung ra được cảnh khó khăn ấy. Bởi, các em bây giờ đạp xe “bon bon” trên tuyến đường nhựa, bê tông thông thoáng. Anh Trần Thanh Nghĩa báo tin vui: “Bây giờ, mạng lưới trường học của xã không chỉ hoàn chỉnh, mà còn đạt yêu cầu về chất lượng và hiện xã có các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông. Còn về đường giao thông, hiện đã hoàn chỉnh ấp liền ấp, ấp liền xã, xe 4 bánh về đến trung tâm xã…”.            

Cuối năm 2013, trung tâm xã Vĩnh Viễn được công nhận là đô thị loại V thì đầu năm 2015, xã được công nhận đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt mới đây, xã Vĩnh Viễn được tỉnh chọn đặt trung tâm hành chính huyện Long Mỹ, khi chia tách thành lập thị xã Long Mỹ, đó cũng là một dấu mốc cho sự phát triển ở địa phương này. Có định hướng phát triển, vì thế cầu, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang, đây là động lực để Vĩnh Viễn vươn lên. Bên cạnh đó, về thương mại - dịch vụ của xã có bước phát triển vượt bậc. Nếu năm 2004, thương mại - dịch vụ ở đây chỉ có quy mô nhỏ lẻ và đa phần là tự phát, nhưng từ khi trung tâm huyện Long Mỹ dời về thì nơi đây mọc lên nhiều quán ăn, cửa hàng mua sắm, tạo nên một trung tâm đô thị tiềm lực, năng động..

Một góc chợ Vĩnh Viễn.

Trở lại Vĩnh Viễn vào những ngày này mới thấy sự đổi thay không ngừng của vùng quê một thời gian khó. Ban ngày, xe cộ lưu thông tấp nập, nhiều công trình đua nhau mọc lên. Ban đêm, những ánh đèn đường lấp lánh sáng rực, lồng vào đó là những tiếng nhạc xập xình ở các khu vui chơi làm thay đổi hẳn một vùng quê vốn yên bình. Nhìn những gương mặt của người dân ở đây ai nấy đều rạng rỡ, phấn khởi bởi năm nay là năm đầu tiên người dân xã Vĩnh Viễn đón mùa xuân mới khi huyện Long Mỹ chia tách và trung tâm huyện dời về đây.

Ông Đồng Quang Năm, cán bộ hưu trí, ở ấp 3, nói: “Thật sự không ngờ Vĩnh Viễn lại đổi thay như thế, có nằm mơ cũng không thấy. Tết này, người dân chúng tôi cảm thấy ấm lòng hơn đón “mùa xuân đầu tiên” khi trung tâm huyện dời về Vĩnh Viễn, chắc chắn sẽ rộn ràng, nhộn nhịp hơn những năm trước”.

Đón Xuân Bính Thân 2016, người dân xã Vĩnh Viễn không khỏi lâng lâng cảm giác tự hào và trong cảm nhận của ông Đồng Quang Năm thì xuân này, Vĩnh Viễn sẽ rợp màu xanh tinh khiết, màu xanh của nghĩa tình nối vòng tay bè bạn, màu xanh của sự phát triển.

Ông Lê Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, phấn khởi trước sự phát triển của địa phương và cho rằng nhờ những năm qua có sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phát huy nội lực của cán bộ và nhân dân xã Vĩnh Viễn nên nơi đây ngày càng khởi sắc, từ một nơi đầy khó khăn, thiếu thốn, nay vươn lên phát triển toàn diện. Đặc biệt, từ khi trung tâm huyện Long Mỹ đặt tại đây, thì xã Vĩnh Viễn như được chắp thêm cánh cho sự phát triển.

Tết đã gần kề, người dân xã Vĩnh Viễn đang hối hả thu hoạch vụ mùa, sửa sang nhà cửa, mua sắm đón tết. Từ một xã nghèo đầy khó khăn, Vĩnh Viễn dần vươn lên bằng nghị lực của một xã anh hùng thời kỳ kháng chiến. Không chỉ chúng tôi, mà người dân Vĩnh Viễn tin rằng, những kết quả có được ngày hôm nay sẽ là tiền đề vững chắc để địa phương này phát triển hơn nữa...

NHẬT TÂN ghi chép

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>