Hiến kế cho hạt gạo !

06/02/2016 | 05:13 GMT+7

Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh đã dùng hai chữ “thú vị” khi nghe những thông tin gợi mở lối ra cho hạt gạo của PGS, TS Lê Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ. Theo đó, nhiều tập đoàn Nhật Bản đã đặt vấn đề làm bánh từ bột gạo; nghiên cứu trồng giống lúa, trích dầu làm thực phẩm chức năng. Đó chỉ là hai ví dụ nhỏ mở ra trong hành trình hạt gạo ĐBSCL sẵn sàng với cánh cửa hội nhập !

Phân khúc đầu ra cho hạt gạo

“Điều tôi trăn trở nhất là vựa lúa, vựa thủy sản, trái cây của cả nước: đã sẵn sàng cho tiến trình hội nhập này chưa? Thực tế, với diện tích sản xuất lúa khoảng 4 triệu héc-ta/năm, 800.000ha nuôi thủy sản, khoảng 300.000ha trồng cây ăn trái… ĐBSCL đã đóng góp nguồn nguyên liệu phong phú và đa dạng cho xuất khẩu. Hàng năm mang về nguồn ngoại tệ nhiều tỉ USD cho đất nước. Song, chúng ta cần nhận diện rõ sản xuất nông nghiệp trong vùng vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Đó là thực trạng sản xuất manh mún, mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn rời rạc. Đây là yếu kém mà hệ lụy của nó là tình trạng “trúng mùa, rớt giá” liên tục tái diễn. Điều này cũng là nguyên nhân gây cản trở khi kiểm soát chất lượng hàng nông sản, không dễ tạo ra khối lượng hàng hóa lớn và ổn định cung cấp khi thị trường có nhu cầu”, ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy, chia sẻ. 

Khi những tờ lịch cuối năm 2015 “rớt xuống” cũng là dấu mốc cánh cửa hội nhập đã và đang mở toang với Việt Nam bằng những hiệp định thương mại. Với 1.140.000 nông hộ trồng lúa, sản lượng lúa của ĐBSCL tiếp tục đạt ngưỡng 25 triệu tấn, và vòng quay của đất trồng lúa vẫn vượt mức 4 triệu héc-ta/năm, giá trị xuất khẩu hơn 3 tỉ USD. Câu hỏi đặt ra: tại sao giá gạo xuất khẩu vẫn thấp và gạo Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu? Thấy và hiểu được điều này, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã liên tục tổ chức nhiều cuộc hội thảo vào cuối năm 2015 để lấy ý kiến các nhà khoa học, lãnh đạo một số địa phương để đưa ra chương trình hành động của VFA tham gia xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo, góp phần phát triển thương hiệu gạo vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, VFA cụ thể hóa thương hiệu gạo ở 3 cấp độ: quốc gia, vùng ĐBSCL/địa phương và doanh nghiệp/sản phẩm. ĐBSCL được “trời ban phú” với những đặc điểm sinh thái đa dạng, sản phẩm lúa gạo sẽ thỏa mãn nhiều phân khúc khác nhau như gạo đặc sản, gạo chất lượng cao và gạo theo phân khúc thị trường ngách chuyên biệt. Điều đáng mừng là VFA và các doanh nghiệp đang tăng sản lượng xuất khẩu với giá hơn 600 USD/tấn, cao hơn mức bình quân khoảng 200 USD/tấn. Câu chuyện chọn giống lúa nào để xây dựng thương hiệu của VFA vẫn còn đang tranh luận: chọn giống đặc sản địa phương hay các giống lúa nguồn gốc nước ngoài, vấn đề bản quyền ra sao… Song, chắc chắn dưới sự tư vấn của các nhà khoa học, ý kiến của ngành nông nghiệp và lãnh đạo các địa phương, VFA sẽ sớm đưa ra lộ trình xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam. Vấn đề lẽ ra phải làm từ 20 năm trước, dẫu chậm còn hơn không !

Liên kết, sản xuất lớn thích nghi với hội nhập

“Lâu nay, không ít nông dân vẫn có thói quen “bám theo đuôi thị trường” - thấy cây, con gì được giá thì đua nhau nuôi trồng, dẫn đến dư thừa, giá rớt thảm hại. Đó là một thực tế, nhưng chúng ta không thể đổ lỗi hết cho nông dân. Khát vọng làm giàu luôn cháy bỏng trong mỗi gia đình làm nghề nông. Nông sản rớt giá, nông dân thua thiệt, chúng ta cần nhìn lại cách quản trị, điều hành kinh tế từ cấp nhà nước đến địa phương. Câu hỏi đặt ra trong bối cảnh hiện nay: hàng nông sản khó tìm đầu ra hay chúng ta chưa định hình rõ nét nền sản xuất nông nghiệp đáp ứng đúng theo nhu cầu thị trường”, Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh đã đặt vấn đề.

Sản lượng lúa hàng năm đều tăng, nhưng đầu ra vẫn còn là vấn đề nan giải với người dân Hậu Giang.

Câu hỏi làm nhiều ray rứt, vì sao nông dân ĐBSCL làm ra nhiều lúa, bảo đảm an ninh lương thực, cung cấp chính cho xuất khẩu, đưa Việt Nam thành cường quốc xuất khẩu nhưng họ vẫn nghèo? “Điều quan trọng không phải là số lượng nông sản chúng ta đứng nhất thế giới, cái chính là nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân. Tái cơ cấu phát triển nông nghiệp phải bắt đầu từ phát triển thị trường, tạo điều kiện cho nông dân và doanh nghiệp áp dụng giống mới, tiếp cận nhiều hơn quy trình sản xuất, cơ giới hóa, chế biến để nâng cao giá trị gia tăng hàng nông sản”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định. Điểm sáng trong bối cảnh xuất khẩu gạo giảm cả về lượng và giá trị là sự tăng vọt của phân khúc gạo thơm. Từ con số xuất khẩu 500.000 tấn cách đây vài năm, năm 2015 đã đạt mốc 1,5 triệu tấn gạo (tương đương 3 triệu tấn lúa), tăng gần 60% so với năm 2013. Vì thế, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đặt hàng các viện, trường chọn tạo các giống lúa có giá trị xuất khẩu trên 600 USD/tấn gạo chứ không chỉ dao động ở ngưỡng 400 USD/tấn như hiện nay.

Thực tế, Sóc Trăng là một trong những địa phương đã kiên trì làm được điều này. Các giống lúa thơm mang tên ST của Sóc Trăng hiện nay đạt giá trị xuất khẩu từ 600-700 USD/tấn gạo. Nhiều doanh nghiệp trong vùng đã và đang đầu tư vào nhiều vùng nguyên liệu tại Sóc Trăng để tạo lập thương hiệu, và có thị trường tiêu thụ gạo thơm ổn định ở một số nước. Dẫu vậy, nhưng Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể lại có cách nhìn khá mới: “Phần lớn hàng nông sản ở ĐBSCL xuất khẩu dạng thô, các mặt hàng chế biến sâu có giá trị gia tăng chưa nhiều - đây là khiếm khuyết lâu nay. Với sản lượng khoảng 25 triệu tấn/năm, có thể nói nguồn cung lúa, gạo của ĐBSCL khá dư thừa, giá gạo xuất khẩu thấp. Trong khi Hàn Quốc họ không có nhiều lúa - gạo, nhưng từ gạo họ chế biến ra một số mặt hàng thuộc dạng nước đóng chai bán tại thị trường Hà Nội, giá lên đến vài chục ngàn đồng/chai. Tại Thái Lan, từ gạo, họ chế biến ra nhiều thực phẩm từ gạo rất tốt”.

Kinh tế thị trường theo xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng. Nông nghiệp vẫn là “bà đỡ” của kinh tế ĐBSCL. Nông dân trồng lúa cần tiếp cận cách sản xuất mới để thích nghi với hội nhập. Câu chuyện liên kết để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với bao tiêu đầu ra đang được nhiều địa phương thực hiện. Cụ thể là mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất lúa. Nông dân liên kết, áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật, giảm giá thành, tăng chất lượng; doanh nghiệp bao tiêu đầu ra là tín hiệu tích cực. “Thời gian qua, mô hình này đã phát sinh một số khó khăn, một vài doanh nghiệp “tháo chạy - bỏ rơi” nông dân. Theo tôi, đây là giai đoạn nông dân và doanh nghiệp “vừa chạy vừa xếp hàng”. Song cần khẳng định sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao, gắn với mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập. Đó cũng là sức bật quan trọng để ĐBSCL phát triển bền vững trên thế mạnh sản xuất nông nghiệp”, ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nhấn mạnh.

“Tại Hậu Giang, cách đây 2 năm (năm 2014), chúng tôi đã triển khai Đề án 1.000, lấy đơn vị 1.000ha đất hoặc 1.000 hộ dân làm để triển khai. Theo đó, Đề án “Một Ngàn” có 4 hợp phần, giai đoạn 2014-2016, chuyển đổi 1.000ha lúa vụ 3 sang 2 lúa - 1 màu và 2 lúa - 1 thủy sản; 1.000ha đất trồng mía kém hiệu quả sang cây trồng khác; 1.000ha vườn tạp sang cây trồng khác có giá trị kinh tế và 1.000 hộ chăn nuôi trên đệm lót sinh học kết hợp gà thả vườn, chuồng trại khép kín an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường... Kết quả bước đầu rất khả quan. Mục tiêu là giúp nông dân khi chuyển đổi sẽ tăng thêm giá trị sản xuất từ 1,5-2 lần trên cùng diện tích canh tác”, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh cho biết.

VĨNH TƯỜNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>