Đồng bằng sông Cửu Long: Báo động sạt lở gia tăng

06/07/2023 | 08:46 GMT+7

Liên tục nhiều ngày qua, tình trạng sạt lở diễn ra trên diện rộng và phức tạp. Từ Hậu Giang, Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ, An Giang... sạt lở tràn lan khiến nhiều hộ dân bị mất nhà, mất đất, cuộc sống đảo lộn...

Gia cố đê biển phòng chống sạt lở ở Cà Mau. Ảnh: H.TÂN

Khốn khổ vì sạt lở

Mấy ngày nay, ông Phan Văn Một, ngụ ấp Tích Lộc, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, vẫn chưa hết bàng hoàng khi vụ sạt lở bất ngờ ập đến khiến 8 căn nhà bị sụp xuống sông hơn 50% diện tích. Ông Một nhớ lại: “Hôm đó vào rạng sáng trong lúc mọi người còn say giấc ngủ thì nghe tiếng nước chảy mạnh và một số vật dụng nằm cạnh sông Trà Ôn bị sụp xuống. Thế là tôi liền chạy ra ngoài quan sát thì phát hiện một phần căn nhà sụp xuống lòng sông; ngay lập tức đưa người thân rời khỏi nơi nguy hiểm”.

Sạt lở làm ảnh hưởng nhiều nhà dân ở xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: H.THU

Theo ông Một, trước đó ở phần vách nhà có xuất hiện vết nứt, nhưng không thể ngờ là sạt lở đến nhanh và phức tạp như vậy. “Căn nhà của gia đình được làm gần 20 năm nay, giờ bị một phần sụp xuống sông và dòng xoáy phía dưới rất nguy hiểm nên không thể sinh sống tại đây được nữa. Vì vậy, cậy nhờ vào chính quyền địa phương xem xét bố trí nơi ở mới, bởi gia đình khó khăn, không có đất đai sản xuất…”, ông Một bộc bạch.

Cùng cảnh ngộ trên, bà Phạm Thị Vân cho hay: “Trước đây, căn nhà của tôi bị hư hỏng một lần và được chính quyền hỗ trợ 50 triệu đồng sửa chữa lại. Cứ ngỡ mọi việc đã ổn và cả nhà an tâm lo đi làm thuê kiếm sống, nhưng không ngờ lần này bị sụp hơn 50% diện tích xuống sông và xem như không còn ở được nữa. Tới đây chưa biết ra sao”. Theo lãnh đạo UBND xã Tích Thiện, toàn bộ tài sản của 8 căn nhà bị ảnh hưởng sạt lở nguy hiểm đã được di dời khẩn cấp đến nơi an toàn; ngoài ra ngành chức năng cũng cắm biển báo hiệu nguy cơ sạt lở để mọi người cảnh giác. UBND xã còn mượn một số phòng học để bố trí nơi ở tạm thời cho bà con bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cũng đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Trà Ôn (thuộc ấp Tích Lộc, xã Tích Thiện), đoạn trước chợ Tích Thiện đến Trường THCS Tích Thiện với chiều dài 80m; mức độ sạt lở nguy hiểm. UBND tỉnh Vĩnh Long giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND huyện Trà Ôn triển khai các giải pháp phi công trình và công trình nhằm hạn chế thiệt hại về người, tài sản, bảo đảm an toàn sản xuất, dân sinh...

Tại Long An vừa xảy ra sạt lở ở ấp Lũy, xã Phước Lại (huyện Cần Giuộc) làm 5 ki-ốt của ông Nguyễn Văn Nhãn và ông Nguyễn Hoàng Lâm sụp xuống sông. Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An cho biết, tại khu vực sạt lở đã được ngành chức năng khảo sát và cảnh báo từ trước vì xuất hiện nhiều vết nứt dọc đường Tỉnh lộ 826C, với chiều dài khoảng 1,2km. Sau khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương điều động các lực lượng có mặt tại hiện trường hỗ trợ bà con trục vớt các vật dụng, kiểm soát người và phương tiện qua lại. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An đã lập dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở bờ sông Cần Giuộc đoạn qua địa phận xã Phước Lại, với chiều dài khoảng 1,2km, tổng vốn đầu tư hơn 280 tỉ đồng, hiện đang trình Trung ương xem xét hỗ trợ. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được phê duyệt và bố trí vốn.

Trong khi đó ở Bạc Liêu, vụ sạt lở bờ sông Cà Mau - Bạc Liêu thuộc địa bàn thị xã Giá Rai làm ảnh hưởng gần 100 căn nhà của người dân. Vụ sạt lở tại xã Tân Phong với chiều dài 65m, rộng từ 4-7m và một đoạn có nguy cơ sạt lở dài hơn 100m. Đây là vụ sạt lở nguy hiểm nhất tại địa phương trong nhiều năm qua. Ngành chức năng đã huy động lực lượng giúp các hộ dân di dời đồ đạc đến nơi an toàn; khoanh vùng khu vực nguy hiểm để cảnh báo phòng tránh…

Tại tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm đến nay xảy ra 50 điểm sạt lở với chiều dài 1.254m, diện tích mất đất 7.635m2, ước thiệt hại 4,917 tỉ đồng. Trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ xảy ra 15 điểm sạt lở với chiều dài 390m, diện tích mất đất 2.129m2, ước thiệt hại 735 triệu đồng. Như vậy so với cùng kỳ thì tăng 35 điểm sạt lở, chiều dài tăng 864m, diện tích mất đất tăng 5.506m2, ước thiệt hại tăng 4,182 tỉ đồng. Sau khi các điểm sạt lở xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã huy động lực lượng và phương tiện để hỗ trợ người dân. Đặc biệt là Ủy ban nhân dân sở tại đã chỉ đạo lực lượng xung kích thực hiện các biện pháp khẩn cấp di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, giúp đỡ người dân dọn dẹp điểm sạt lở. Công tác khắc phục sạt lở luôn được thực hiện kịp thời.

Gian nan phòng, chống

Tỉnh Cà Mau có chiều dài bờ biển khoảng 254km thì 188km bị sạt lở; trong 10 năm (từ 2011-2021) có khoảng 5.250ha đất rừng ven biển bị mất. Trước nỗi lo đó, thời gian qua Trung ương đã hỗ trợ cho Cà Mau xây dựng và hoàn thành hơn 56km kè kiên cố bảo vệ bờ biển, với tổng kinh phí hơn 1.848 tỉ đồng. Theo nhận định, các công trình kè kiên cố sau khi đưa vào vận hành bước đầu đã phát huy tác dụng như góp phần làm giảm sóng, chống sạt lở, tạo bãi bồi và khôi phục khoảng 1.000ha rừng phòng hộ. Tuy nhiên, khu vực sạt lở còn nhiều, nhưng do nguồn kinh phí để kè quá lớn nên không thể đầu tư cùng lúc được; vì vậy cần ứng phó phù hợp các tình huống như kè, hoặc gây bồi, tạo bãi để trồng lại rừng phòng hộ nhằm chống sạt lở căn cơ, lâu dài. 

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, hơn 200km đê biển của tỉnh thì có khoảng 80km bờ biển bị sạt lở, có nhiều đoạn nghiêm trọng. Tỉnh đã và đang triển khai 3 tiểu dự án kè chắn sóng từ nguồn vốn Trung ương và Ngân hàng Thế giới, trên địa bàn 2 huyện An Minh và An Biên, gồm: Dự án kè chắn sóng, gây bồi tạo bãi đoạn Tiểu Dừa - Chủ Vàng dài 10km; dự án từ Kênh 9 rưỡi (Xẻo Nhàu) đến xã Đông Hưng A, chiều dài 23km; dự án từ Xẻo Nhàu về phía huyện An Biên dài 4km…

Đối với giai đoạn 2021-2025 và định hướng năm 2030, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch đầu tư 200 công trình phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông, với tổng vốn hơn 17.400 tỉ đồng. UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, việc chủ động quản lý, phòng chống sạt lở bờ biển, bờ sông nhằm tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế - xã hội góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng, an toàn tính mạng, tài sản và sản xuất của người dân là rất quan trọng. Do đó, việc thực hiện các công trình phòng, chống sạt lở cần có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, khu dân cư tập trung, cơ sở hạ tầng quan trọng, chống suy thoái rừng phòng hộ ven biển... UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng tỉnh và UBND các huyện tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông nhằm tạo sự đồng thuận trong giảm nguy cơ sạt lở, rủi ro, thiệt hại do sạt lở gây ra…

Ứng phó từ công trình “cứng” và giải pháp “mềm”

Ở “điểm nóng” sạt lở thuộc xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, người dân vẫn còn tiếc nuối bởi tài sản gầy dựng cả đời, nay phút chốc bị “hà bá” nuốt chửng. Ông Nguyễn Văn Lắm, ngụ ấp Mỹ Phước (xã Mỹ Khánh), tâm sự: “Sạt lở diễn ra rất nhanh và vào thời điểm khoảng 3 giờ sáng khi mọi người còn say ngủ nên không ai trở tay kịp”. Ông Phạm Hoàng Kha, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh, nhìn nhận, tình hình sạt lở trên tuyến sông Cần Thơ qua địa bàn xã Mỹ Khánh rất phức tạp. Khảo sát mới nhất khu vực sạt lở tại đây dài hơn 50m, lấn sâu vào bờ khoảng 5m; đã có 7 căn nhà vừa bị sụp một phần xuống sông, ngoài ra còn xuất hiện vết nứt đe dọa một số căn nhà khác. Thiệt hại ban đầu của vụ sạt lở mới đây là hơn 10 tỉ đồng.

“Do điểm sạt lở mới này nằm ở vị trí xung yếu, có nhiều nhà dân và lưu lượng phương tiện giao thông qua lại đông nên dự báo tình hình sẽ còn phức tạp. Vì vậy, bên cạnh việc di dời những hộ bị ảnh hưởng đến nơi an toàn thì UBND xã kiến nghị cấp trên nhanh chóng mở rộng ranh giải phóng mặt bằng của dự án kè tuyến sông Cần Thơ, rà soát các vị trí nền tái định cư để di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm càng sớm càng tốt nhằm đảm bảo tính mạng và giảm thiểu thiệt hại về tài sản có thể xảy ra trong thời gian tới”, ông Phạm Hoàng Kha cho biết.

Thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Đồng Tháp cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 19 vụ sạt lở ở các huyện Cao Lãnh, Châu Thành, thành phố Sa Đéc… gây sập 3 căn nhà, ảnh hưởng trực tiếp nhiều hộ dân, ước thiệt hại trên 1,3 tỉ đồng. Riêng giai đoạn từ năm 2005-2020, tổng diện tích đất sạt lở ở Đồng Tháp khoảng 330ha, bình quân 22 ha/năm, thiệt hại trên 415 tỉ đồng. Ngoài ra còn làm chết 1 người…

Có thể nói, ngoài sạt lở bờ sông ở các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ… thì sạt lở bờ biển ở Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Kiên Giang cũng rất phức tạp và gây ra nhiều thiệt hại lớn về tài sản. Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, toàn vùng ĐBSCL có chiều dài bờ biển khoảng 744km thì hiện nay có hơn 268km đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng.

Mới đây, trong chuyến khảo sát trực tiếp đê biển ở tỉnh Cà Mau, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lưu ý, các khu vực ven biển thuộc vùng bán đảo Cà Mau chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Thời gian qua Trung ương đã hỗ trợ đầu tư hạ tầng đê biển nhằm giảm thiểu tác động, thiệt hại do sạt lở gây ra. Tuy nhiên, về lâu dài tỉnh Cà Mau và các địa phương khác cần có kế hoạch, tầm nhìn dài hạn về ứng phó với sạt lở. Theo đó, cùng với biện pháp của các công trình “cứng” thì cần giải pháp “mềm” về phi công trình nhằm thích ứng với chủ trương “thuận thiên” theo Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu…

H.TÂN - H.THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>