Định cư nhưng chưa an cư

26/06/2023 | 09:51 GMT+7

Bài 3: Để người dân không quay lưng với khu tái định cư

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông, bờ kênh. Đất đai, nhà cửa và nhiều tài sản của người dân trong tích tắc bị cuốn trôi theo dòng nước dữ. Cuộc sống của bà con tại các vùng sạt lở đang bị đe dọa với nguy hiểm luôn rình rập. Vì thế, việc di dời, ổn định cho các hộ dân vào các khu tái định cư, để “an cư lạc nghiệp” là điều mà bà con mong mỏi nhất. Phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Công Tâm (ảnh), Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, về vấn đề này.

Thưa ông, việc xây dựng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ ở ĐBSCL là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Ông đánh giá như thế nào về kết quả này ở Hậu Giang thời gian qua ?

- Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL là chương trình trọng điểm Quốc gia và có ý nghĩa tổng hợp về nhiều mặt của Chính phủ. Việc xây dựng các cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ mang ý nghĩa thiết thực, bảo vệ được tính mạng, tài sản và giải quyết kịp thời nhu cầu về nhà ở của người dân vùng lũ. Chương trình đã giúp cho nhiều hộ gia đình trước đây thường xuyên bị lũ lụt, sạt lở đe dọa, bất an khi có lũ về thì giờ đây không còn nơm nớp lo sợ nữa…

Sạt lở tuyến kênh Nàng Mao, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, làm nhiều hộ mất đất, mất nhà.

Tại Hậu Giang, chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ (giai đoạn 2): số liệu đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 10 cụm tuyến dân cư; với 3.707 lô nền, với tổng mức đầu tư là 237,25 tỉ đồng đã đáp ứng được nhu cầu về chỗ ở của người dân thuộc đối tượng của chương trình. Hiện tại, theo rà soát số liệu từ các địa phương thì đến nay còn 92 nền chưa bố trí cho đối tượng, Thường trực UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng bình xét đối tượng vào cụm, tuyến dân cư vượt lũ theo quy định, trường hợp hết đối tượng thì xin chủ trương bán đấu giá theo Quyết định số 714/QĐ-TTg và Quyết định số 319/QĐ-TTg của Chính phủ (Công văn số 856/UBND-NCTH ngày 21/6/2022 của UBND tỉnh).

Với những hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở, việc bố trí vào các khu dân cư vượt lũ được thực hiện ra sao? Và số lượng khu dân cư vượt lũ hiện tại có đáp ứng được yêu cầu, thưa ông ?

- Đối với những hộ đang bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở có thể ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản thì cần phải di dời cấp bách các hộ đó ra khỏi nơi sạt lở đến nơi ở an toàn, làm giảm thiệt hại các nguy cơ đáng tiếc xảy ra. Theo quy định của Chính phủ (Quyết định số 204/2005/QĐ-TTg ngày 15/8/2005) thì UBND cấp huyện (được UBND tỉnh giao) phê duyệt danh sách trên cơ sở bình xét từ cơ sở.

Ngoài các khu dân cư vượt lũ được bố trí, UBND tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo UBND cấp huyện rà soát nhu cầu xây dựng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 2 kéo dài trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và đã tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng, dự kiến đầu tư 5 dự án, đáp ứng 1.150 hộ cần được bố trí di dời, với tổng kinh phí khoảng 98 tỉ đồng. Hiện nay danh mục dự án đang chờ ý kiến của cơ quan cấp trên.

Thưa ông, bên cạnh kết quả tích cực mang lại, vẫn tồn tại một số hạn chế khiến người dân chưa chịu vào ở. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân ?

- Một số hộ dân chưa an tâm vào ở trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ có rất nhiều nguyên nhân. Nhưng có thể thấy do các nguyên nhân chủ yếu như sau: do điều kiện, tập quán mưu sinh gắn liền với nghề ở sông nước (chài lưới, bắt cá…); không có việc làm ổn định khi vào sống trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ; điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của người dân trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ.

Đối với những trường hợp chuyển nhượng, sang bán, quy định hiện nay ra sao, thưa ông ?

- Theo quy định của Chính phủ quy định các đối tượng được bố trí vào cụm, tuyến dân cư vượt lũ không được sang bán, chuyển nhượng trong thời gian 10 năm kể từ ngày được bố trí. Tuy nhiên, một số hộ được bố trí vào cụm, tuyến dân cư vượt lũ nhưng do việc mưu sinh nên phải đi làm thuê ở xa và không thường xuyên ở nhà khi được bố trí, trong quá trình sinh sống họ chuyển nhượng, sang bán cho người khác khi chưa đủ thời gian 10 năm. Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định cho xem xét giải quyết trường hợp nào đủ điều kiện thì công nhận cho người mới, nếu không đủ điều kiện, sai quy định thì phải thu hồi, đồng thời cho chủ trương xem xét, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình (Quyết định số 714/QĐ-TTg và Quyết định số 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Thưa ông, sắp tới ngành có những giải pháp nào giúp người dân an cư lạc nghiệp, đặc biệt là các khu dân cư cho người dân bị ảnh hưởng sạt lở trên địa bàn tỉnh ?

- Đối với các khu dân cư vượt lũ đã hình thành, kiến nghị các địa phương quan tâm tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung về quy hoạch xây dựng, đảm bảo lồng ghép các công trình hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, đặc biệt là các công trình dịch vụ, sản xuất tạo được việc làm phù hợp cho người dân vùng lũ. Tranh thủ mọi nguồn lực của tỉnh để tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật và cải tạo môi trường tại các cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Có chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề phù hợp cho người dân khi di dời về sinh sống trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Có chính sách ưu đãi đầu tư trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ để thu hút các doanh nghiệp sản xuất tham gia, tạo việc làm ổn định cho các hộ dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình, nhằm thay đổi tư duy, tập quán nghề nghiệp và an tâm sinh sống trong các cụm, tuyến dân cư.

Đối với các khu mới (dự kiến) đề nghị các địa phương khảo sát lựa chọn vị trí phù hợp với quy hoạch xây dựng, đảm bảo khi đầu tư sẽ kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất khi bố trí các đối tượng vào sinh sống.

Xin cảm ơn ông !

MỘNG TOÀN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>