Chủ động ứng phó hạn mặn gay gắt

02/04/2024 | 08:03 GMT+7

Đang vào cao điểm mùa khô, nắng nóng với với nhiệt độ cao, nước từ sông Mekong đổ về thấp, nước mặn lấn sâu vào đất liền nên công tác phòng chống hạn mặn càng trở nên cấp thiết.

Cán bộ chuyên môn ở các địa phương trong tỉnh Hậu Giang thực hiện đo và cập nhật hàng ngày về nồng độ mặn.

Hạn mặn khốc liệt

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nửa cuối tháng 12 tới nay, trên toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gần như không mưa. Tổng lượng mưa thời gian này thấp hơn trung bình nhiều năm từ 62-94%. Trong điều kiện mưa gần như không có, trời nắng kéo dài, tổng lượng dòng chảy từ sông Mekong về bị thiếu hụt khiến ĐBSCL trải qua mùa hạn, mặn khốc liệt.

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Ngay từ nửa cuối tháng 11-2023, mặn đã bắt đầu xâm nhập vào các sông theo đỉnh triều trong ngày. Từ tháng 12 đến nay, nhiều đợt xâm nhập mặn tiếp tục xảy ra, trong đó đỉnh điểm là tháng 3. Đợt xâm nhập mặn xuất hiện từ ngày 8 đến 13-3 với ranh mặn 4‰ vào sâu 40-66km, có nơi sâu hơn. Tính đến nay, mức độ xâm nhập mặn ở Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Tiền Giang phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm, xấp xỉ so với năm 2016 - một trong những năm hạn, mặn kỷ lục ở ĐBSCL. Riêng tại tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn ở mức xấp xỉ ranh mặn sâu nhất năm 2016, xâm nhập mặn trên sông Cổ Chiên đã sâu hơn ranh mặn sâu nhất năm 2016.

Nguồn nước ở các kênh rạch thấp khiến nước mặn càng lấn sâu vào đất liền.

Còn tại Hậu Giang, những ngày đầu tháng 3, ở một số địa phương trong tỉnh, nồng độ mặn đo được lên đến 9,5‰. Còn ngày 1-4, nồng độ mặn đo được ở UBND xã Lương Nghĩa lên đến 7,2‰; cống Hóc Pó, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ cũng ở mức 6,9%. Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang cũng đã yêu cầu ngành chức năng và các địa phương chỉ đạo bộ phận chuyên môn theo dõi, chủ động ứng phó. Thường xuyên cử cán bộ kiểm tra mặn ngoài sông chính khi độ mặn đo được 1,5‰ thì tiến hành vận hành các cống, đập cải tiến có sẵn, đắp đập thời vụ tại các đầu kênh để ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.

Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường sinh thái và sinh kế của cộng đồng dân cư ở đồng bằng sông Cửu Long. Vấn đề hạn mặn thường diễn biến khá phức tạp, xâm nhập sâu vào các hệ thống kênh rạch, với độ mặn lớn nhất thường xuất hiện chủ yếu vào tháng 4 hoặc tháng 5 do ảnh hưởng của thủy triều ở biển Đông và biển Tây cũng như tình trạng suy giảm của nguồn nước đến từ thượng nguồn. Lưu lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong đổ về ít là một trong những yếu tố rất được quan tâm, không chỉ riêng ở Việt Nam mà của các nước trong khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, lượng mưa giảm, lượng nước bị bốc hơi cao cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình xâm nhập mặn.

Theo các nhà khoa học, ngoài một số yếu tố tự nhiên thì yếu tố con người cũng góp phần không nhỏ gây ra xâm nhập mặn. Việc quản lý và khai thác nguồn tài nguyên nước dưới đất chưa phù hợp, dẫn đến tình trạng sụt lún đồng bằng cũng như tình trạng khai thác cát lòng sông dẫn đến tình trạng hạ thấp đáy sông đã tạo điều kiện thuận lợi cho mặn xâm nhập sâu trong nội đồng. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phù hợp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đưa nước mặn vào sâu trong nội đồng, làm công tác quản lý thủy lợi của mỗi địa phương gặp nhiều khó khăn.

Theo PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, tính từ cuối năm 2015 đến nay, cả 13 địa phương thuộc ĐBSCL đều đã bị nhiễm mặn, trong đó đã có 11/13 tỉnh, thành công bố tình trạng thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn và đã gây ra những hậu quả hết sức nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của cả vùng ĐBSCL. Mặc dù đã có một số giải pháp được áp dụng để kiểm soát xâm nhập mặn ở địa phương như xây dựng hệ thống kênh rạch dẫn nước ở ĐBSCL, các công trình ngăn mặn lớn tại ĐBSCL gồm hệ thống thủy nông Quản Lộ - Phụng Hiệp, hệ thống thủy lợi ngọt hóa và ngăn mặn ở tỉnh Bến Tre, cống đập Ba Lai, hệ thống đê biển cho toàn bộ hệ thống ven biển ĐBSCL..., tuy nhiên tình hình xâm nhập mặn vẫn đang diễn ra với cường độ và tính phức tạp ngày càng tăng cao và khó lường. Việc nâng cao nhận thức, thiết kế và triển khai chương trình hành động cụ thể để giải quyết các vấn đề ứng phó với tình trạng hạn mặn cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực đang rất cấp bách. Bên cạnh các biện pháp chung ở cấp vùng, mỗi địa phương trong khu vực cần thực hiện những biện pháp riêng phù hợp với điều kiện của mình.

Chủ động ứng phó

Để giảm thiểu thiệt hại do tình trạng mùa khô năm 2024 khả năng ít mưa trái mùa, nguồn nước trên sông Mekong chảy về ĐBSCL thấp, gió Đông Bắc mạnh, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn sẽ tới sớm và mức độ gay gắt hơn, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ liên tiếp chỉ đạo các Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh ra những bản tin dự báo, cảnh báo hạn dài, tập trung vấn đề khô hạn, xâm nhập mặn, tham mưu cho địa phương bố trí mùa vụ cây trồng để tránh thiệt hại do vấn đề thiếu nước sinh hoạt, sản xuất. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hậu Giang cũng luôn trao đổi, có nhiều bản tin dự báo, tham mưu cho đơn vị vận hành các hệ thống cống ngăn mặn, ngăn triều để đưa ra quy trình vận hành hợp lý, hiệu quả.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, năm 2016, độ mặn cao nhất tại Hậu Giang lên tới gần 19,7‰, ảnh hưởng đến hơn 6.000ha lúa, thiệt hại gần 40 tỉ đồng. Tháng 2-2024, hạn mặn xuất hiện nhánh sông Cái Côn (huyện Châu Thành), đo được 1,3‰, tăng 1,1‰ so với năm 2023. Hậu Giang được hưởng lợi từ cống Cái Lớn, Cái Bé và cống Ninh Quới - Bạc Liêu nên kiểm soát được mặn. Ngành nông nghiệp cập nhật liên tục thông tin cảnh báo và quán triệt, theo dõi thường xuyên và chuẩn bị nước sạch cho người dân như khoan 6 giếng dự phòng. Nếu độ mặn tăng đột biến, địa phương sẽ cung cấp nước này cho người dân để phục vụ sản xuất. Các hệ thống cống trên địa bàn tỉnh hiện nay có người trực đảm bảo 24/24, có thông tin đo độ mặn thường xuyên và được cập nhật vào buổi sáng hàng ngày.

Theo ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, cuối tháng 3-2024, các tỉnh ĐBSCL đang chuẩn bị kết thúc thu hoạch vụ lúa Đông xuân sẽ tiến hành xuống giống vụ lúa Hè thu 2024. Trước diễn biến hạn hán và xâm nhập mặn các tháng còn lại của mùa khô 2024 vẫn còn khá gay gắt và phức tạp, nhất là đợt triều ngày 23-24 (15-2 âm lịch) đã đẩy mặn vào khá sâu nên thời gian giảm mặn sẽ diễn ra dài ngày. Bên cạnh đó, các kênh rạch một số tỉnh ĐBSCL đang khô cạn, tình trạng sụt lún vẫn còn tiếp tục tại một số tỉnh Nam sông Hậu. Do đó, công tác theo dõi, quan trắc, dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ sẽ càng phải tập trung, chủ động và sát sao hơn để thông tin về quan trắc, dự báo, cảnh báo cần liên tục, sớm và kịp thời.

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, nắng nóng vẫn gay gắt, lượng bốc hơi mạnh, nguồn nước từ thượng nguồn thấp nên mặn vẫn tiếp tục xảy ra tại các tỉnh ĐBSCL. Từ nay đến cuối tháng 5, ĐBSCL còn diễn ra các đợt xâm nhập mặn tăng cao (8-14/4, 23-28/4, 6-12/5), trong đó đợt xâm nhập cao nhất vào thời kỳ 8-14/4, ranh mặn 4‰ tại các cửa sông như: sông Vàm Cỏ 80-95km, các cửa sông Cửu Long 50-65km, sông Cái Lớn 45-55km.

Ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình khí tượng thủy văn nhất là diễn biến nguồn nước sông Mekong chảy về ĐBSCL, diễn biến hạn hán và đặc biệt tình hình xâm nhập mặn, Đài khu vực chỉ đạo các Đài khí tượng thủy văn tỉnh và Phòng dự báo ra các bản tin dự báo, cảnh báo sớm, đầy đủ, kịp thời, có độ tin cậy cao. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tham mưu cụ thể, chi tiết tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và nguồn nước các tháng còn lại của mùa khô, từ đó các tỉnh thành chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, phát triển kinh tế và an sinh xã hội trong toàn khu vực. Chuẩn bị tốt công tác tổ chức Hội nghị nhận định xu thế mùa 2024 dự kiến ngày đầu tuần giữa tháng 4-2024, trong đó thông tin sẽ được cung cấp chi tiếp cho các sở, ban, ngành địa phương...

Bài, ảnh: HOÀI THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>