Cao điểm vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường

03/04/2024 | 05:49 GMT+7

Trong bối cảnh nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn và cũng đã xảy ra tại một số địa phương, công tác tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đã và đang được tỉnh đẩy mạnh.

Công tác tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường được thực hiện đồng bộ và hiệu quả trên toàn tỉnh.

Ý thức từ người chăn nuôi

Trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: dại, cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại một số tỉnh trên cả nước. Để chủ động ứng phó với dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên, qua công tác tuyên truyền về tác hại của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong thời gian qua ý thức của các hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ, nuôi nhốt động vật được nâng lên rõ rệt, phối hợp tốt với ngành chức năng trong công tác vệ sinh tiêu độc môi trường trong chăn nuôi.

Ông Ngô Văn Biểu, người dân ở ấp Phú Lễ, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, cho biết: “Trang trại của gia đình nuôi được 6.000 con gà, với số lượng lớn như vậy thì việc đảm bảo cho đàn gà phát triển tốt, không bị nhiễm bệnh là một vấn đề quan trọng đòi hỏi người chăn nuôi phải luôn cẩn trọng trong mọi tình huống, tránh để mắc các loại bệnh truyền nhiễm gây ảnh hưởng đến đàn vật nuôi. Do đó, tôi luôn chủ động trong công tác vệ sinh chuồng trại, chủ động liên hệ với cán bộ thú y địa phương để tiêm phòng vắc-xin và thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình trạng sức khỏe của đàn, để khi phát hiện có trường hợp nhiễm bệnh thì kịp thời có cách xử lý”.

Trong tháng thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1 năm 2024 từ ngày 1-3 đến ngày 31-3, cán bộ thú y địa phương thường xuyên xuống tận nơi để theo dõi, kịp thời hướng dẫn người dân phun thuốc, khử trùng cho chuồng trại. Vì để bảo vệ đàn gà của mình nên ông Biểu cũng như người dân ở đây rất phối hợp với chính quyền địa phương và cán bộ thú y. Ông Biểu cho rằng đây là việc cần thiết trong mùa này vì thời tiết bất thường, đàn vật nuôi dễ bị giảm sức đề kháng và nhiễm bệnh.

Có cùng suy nghĩ trên, ông Trần Hoàng Phủ, ở ấp Phú Bình, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Sau khi được cán bộ xuống tận nơi tuyên truyền, nhắc nhở, tôi đã hiểu được tầm quan trọng của công tác vệ sinh, tiêu độc môi trường trong chăn nuôi và phối hợp tốt với ngành chức năng để thực hiện. Gia đình tôi nuôi được 49 con heo, mỗi tuần tôi thực hiện phun khử trùng 1 lần, thực hiện liên tục trong 4 tuần để đảm bảo đạt được hiệu quả cao nhất”.

Đồng thời, để góp phần phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh cũng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở và kiểm tra công tác tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ, nuôi nhốt động vật trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi đang được các cấp chính quyền, ngành chức năng và Nhân dân tích cực triển khai thực hiện. Đây được xem là một trong những giải pháp phòng bệnh hiệu quả trên đàn gia súc, gia cầm.

Triển khai đồng bộ và hiệu quả

Kế hoạch Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1 năm 2024 được triển khai đồng loạt trên phạm vi toàn tỉnh, có sự phối hợp, thống nhất chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan từ huyện đến cơ sở và thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Từ ngày 1-3 đến nay, đã triển khai đảm bảo theo kế hoạch đề ra, nhất là tần suất phun vệ sinh và khử trùng. Với những biện pháp cụ thể như phun liên tục trong 31 ngày tại các chợ, cụ thể tại các quầy kệ, nơi bày bán gia súc, gia cầm; sản phẩm gia súc, gia cầm vào cuối mỗi buổi chợ và phun toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng lân cận khu vực chuồng nuôi, đã giúp cải thiện môi trường chăn nuôi, từ đó ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của các dịch bệnh, đảm bảo an toàn về sức khỏe cho người tiêu dùng.

Việc triển khai kế hoạch này không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của các hộ chăn nuôi gia đình mà còn có sự hỗ trợ, giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn. Việc thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng và tiêu độc môi trường nhằm chủ động ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, đồng thời để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây từ động vật sang người góp phần bảo đảm an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi gắn với giết mổ, chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ sản phẩm trong chuỗi ngành hàng chăn nuôi.

Đồng thời, việc vệ sinh, phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, nuôi nhốt động vật được xem là biện pháp hữu hiệu để tiêu diệt mầm bệnh lưu trữ, phát tán trong môi trường, cắt đứt được vòng truyền lây nhiễm mầm bệnh xâm nhập vào vật nuôi, hạn chế dịch bệnh bùng phát và lây lan trên diện rộng.

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh, sau hơn 3 tuần triển khai thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường, tổng diện tích đã được thực hiện là 4.078.500m2. Trong đó, tại các hộ chăn nuôi và tại các chợ là 1.735,12 lít hóa chất/3.470.235m2 (tại hộ chăn nuôi là 27.477 hộ/1.645,03 lít/3.290.055m2; tại các chợ là 90,09 lít/180.180m2). Công tác giám sát tiêu độc tại các cơ sở chăn nuôi tập trung, các cơ sở giết mổ, cơ sở thu gom ấp trứng là 99 cơ sở/608.265m2. Đây là kết quả thể hiện sự nỗ lực của người dân, chính quyền các cấp và cơ quan chuyên môn trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, việc duy trì và tiếp tục nâng cao chất lượng công tác vệ sinh tiêu độc môi trường cũng cần sự phối hợp liên ngành, sự quan tâm và hỗ trợ của cả xã hội để đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng trong thời gian tới.

Bài, ảnh: MAI THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>