Phản biện dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

14/04/2022 | 09:04 GMT+7

(HG) - Sáng ngày 13-4, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc phản biện xã hội dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, chủ trì hội nghị.

Quang cảnh tại điểm cầu Hậu Giang.

Điểm cầu Hậu Giang có ông Lê Minh Đang, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; cùng lãnh đạo ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố và đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đến dự.

Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có 6 chương, 49 điều, trong đó đề cập tới các nội dung quan trọng như: thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị; thanh tra nhân dân; trách nhiệm bảo đảm thực hiện và quản lý nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở...

Tại đây, các đại biểu trình bày ý kiến, phản biện về tính thống nhất, đồng bộ, liên thông của dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với Hiến pháp năm 2013 và pháp luật hiện hành; phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật; việc thể hiện nguyên tắc thực hiện dân chủ; các quy định thể hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong dự thảo Luật, đặc biệt là những quy định dân chủ cơ sở ở cấp xã, khu dân cư,...

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Tiến Châu cho rằng, cần phải nghiên cứu đầy đủ, toàn diện hơn những vấn đề lý luận, các hình thức, khái niệm, từ đó tạo sự thống nhất, đồng bộ; sự cần thiết ban hành Luật, giúp cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”…

Lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá, nếu dự thảo luật được thông qua và tổ chức thực hiện tốt sẽ góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền, là cơ sở pháp lý đẩy mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, đối với chế độ xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu thấu đáo, rà soát kỹ để đảm bảo văn bản luật này liên thông, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

Tin, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>