Nâng cao thu nhập từ mô hình đan đát

10/03/2021 | 05:23 GMT+7

Từ việc biết tận dụng những cây thân thiện với môi trường để sản xuất ra mặt hàng thủ công mỹ nghệ đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, giúp nhiều hộ gia đình tăng thêm thu nhập.

Các anh, chị ở ấp 10, xã Vị Thắng, làm các sản phẩm gia công từ lục bình.

Cây bèo tây (lục bình) vốn quen thuộc với người dân miền sông nước từ lâu. Ở Hậu Giang, cây lục bình có mặt khắp trên các kênh, sông và đây là loại cây sinh trưởng mạnh. Khi người dân chủ động nuôi trồng thì cây lục bình trở thành nguồn nguyên liệu để làm nên các sản phẩm đa dạng, hợp thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước, đã mang lại kinh tế cho nhiều người.

Một trong những người khởi nghiệp từ cây lục bình là bà Lê Thị Ngọc Thu, Giám đốc Hợp tác xã Đan đát lục bình Thanh Tú, ở ấp 10, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy. Bà Thu bộc bạch: “Trước đây, bản thân cũng chỉ biết làm ruộng nhưng thấy thu nhập không đáng kể. Tôi thấy, người anh ở thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, làm nghề đan đát lục bình mang lại hiệu quả kinh tế cao nên quyết định đi học nghề và làm đan đát lục bình. Năm 2003, tôi xin thành lập tổ đan đát lục bình và từ hiệu quả bước đầu, đến năm 2005 xin phát triển lên thành tổ hợp tác và đến năm 2008 phát triển lên thành HTX đến nay”.

Hiện nay, HTX có 7 thành viên và có 52 thợ làm việc thường xuyên tại HTX. Ngoài ra, HTX còn phát triển được 4 tổ đan đát ở các xã Vĩnh Thuận Đông, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ và xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy với hơn 100 tổ viên. Theo HTX, trước thời điểm dịch Covid-19 diễn ra, bình quân mỗi tháng HTX sử dụng nguyên liệu lục bình là 2 tấn, giúp lao động kiếm thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi có dịch bệnh đến nay, mỗi tháng HTX sử dụng 1 tấn lục bình gia công khoảng 2.600 sản phẩm các loại. Doanh số mỗi tháng từ 120 triệu đồng trở lên, tạo thêm thu nhập thường xuyên cho mỗi lao động từ 2,5-3 triệu đồng/tháng.

Gắn bó với nghề gần 16 năm qua, chị Nguyễn Ngọc Dung, ở ấp 10, xã Vị Thắng, vui vẻ cho hay: “Khi có tổ đan đát lục bình hình thành, tôi đã xin tham gia vào làm việc. Tôi thấy việc làm này rất tốt, những lúc nhàn rỗi thì tôi đến đan. Nhờ đó mà tôi có thêm thu nhập ổn định hàng tháng, giúp gia đình tôi có cuộc sống thoải mái hơn, trang trải một phần chi phí sinh hoạt”.

Không riêng các phụ nữ trong gia đình, ngay cả những người đàn ông cũng tận dụng những lúc không ra đồng, họ đã chung tay phụ giúp vợ đan đát lục bình kiếm thêm thu nhập. Trong 52 lao động thường xuyên làm việc tại HTX, trong đó phân nửa số lao động là nam giới. Ông Nguyễn Văn Trãi, ở ấp 10, xã Vị Thắng, cho biết: “Tôi thấy việc đan đát lục bình đã giúp nhiều người ở đây có thu nhập ổn định và không ràng buộc thời gian. Vì vậy, sau mỗi vụ lúa, tôi có thời gian rảnh nên nhận làm gia công thêm những sản phẩm đòi hỏi cần có sức mạnh hơn như đế bàn, ghế. Tôi làm được gần 3 năm nay, mỗi tháng kiếm hơn 1 triệu đồng. Tuy số tiền không lớn nhưng cũng phụ trợ tiếp vợ con”.

Từ loài cây thủy sinh mọc khắp trên các kênh, sông, nhưng khi người dân biết khai thác đã trở thành nguồn thu nhập khá nhiều hộ cho gia đình. Bà Trương Thị Bé Tám, ở ấp Tư Sáng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, cho rằng: “Cây lục bình khi để chúng sống tự do, trôi dạt trên sông sẽ không sinh trưởng tốt, còn giữ một chỗ thì chúng lại phát triển mạnh. Cây lục bình khi thu hoạch cắt ngang thì lại tự mọc ra tiếp tục và không cần phải dùng phân, thuốc. 10 năm qua, nhờ cây lục bình đã giúp gia đình có nguồn thu nhập khá hơn, so với trồng lúa thì cao gấp mấy lần. Hiện nay, tôi rào mặt nước trồng được 4.000m2 lục bình, mỗi tháng thu hoạch 300kg lục bình, giá bán hiện tại là 22.000 đồng/kg. Một năm 1.000m2 thu hoạch từ 10 tấn trở lên, như vậy bình quân mỗi năm gia đình có nguồn thu vài chục triệu đồng”.

Ông Nguyễn Thanh Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến, cho biết: Hiện nay, phần lớn những hộ dân sinh sống từ cầu Cái Tư chạy cặp sông Cái Lớn đều khai thác cây lục bình để bán nguyên liệu cho các HTX làm gia công sản phẩm thủ công từ cây lục bình, từ đó giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình và thoát được nghèo. Điển hình, trong xã có 4 hộ nghèo đã được hỗ trợ vốn để mướn thêm bãi trồng lục bình và sắm dụng cụ thu hoạch, nhờ đó mà các hộ này được thoát nghèo vào năm 2020. Tuy đây là loại cây đã giúp cho nhiều hộ dân có thu nhập khá, thoát nghèo, nhưng là loại cây được trồng thuận lợi những tháng nước ngọt và không chịu mặn nên người trồng phải theo dõi tình hình mặn xâm nhập để thu hoạch kịp thời, tránh thiệt hại.

Các mặt hàng được đan thủ công từ cây lục bình tuy đơn giản nhưng bền đẹp, đều là những sản phẩm thân thiện với môi trường như giỏ sách, thùng vuông, rổ, chậu hoa… Hiện trên địa bàn tỉnh đã có một số hợp tác xã thực hiện gia công sản phẩm cho các công ty ở các tỉnh, thành phố lớn trong nước, trong đó địa bàn huyện Vị Thủy đã hình thành được làng nghề đan đát thủ công từ các loại cây thân thiện với môi trường này. Ông Trương Văn Trí, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy, cho biết: Để giúp nghề đan đát lục bình cũng như các loại sản phẩm đan đát thủ công khác trên địa bàn huyện được nhiều biết đến và phát triển bền vững, năm 2021 này, huyện sẽ hỗ trợ thủ tục đăng ký cho các sản phẩm đan đát từ lục bình đạt chuẩn OCOP. Đồng thời, tiếp tục xúc tiến thương mại và hỗ trợ vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia nhằm giúp cho các HTX có điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại làm ra sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất.

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>