Xã Phú Hữu phát triển mô hình kinh tế hiệu quả

14/11/2023 | 07:21 GMT+7

Khi đến xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, sẽ dễ dàng nhận thấy sự đổi thay của một vùng nông thôn. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, mô hình kinh tế nông nghiệp có hiệu quả, đời sống người dân ngày càng phát triển.

Sầu riêng mùa nghịch vào vụ thu hoạch bán được giá cao từ 120.000-125.000 đồng/kg.

Sự chuyển mình của xã Phú Hữu thể hiện rõ nỗ lực, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và sự đồng lòng, chung sức của Nhân dân địa phương. Chúng tôi có dịp đến thăm trang trại nuôi ba ba của anh Phạm Phú Quốc, ở ấp Phú Trí B1, xã Phú Hữu đang làm ăn rất hiệu quả. Anh Quốc kể: “Trước kia, tôi trồng cam trên diện tích hơn 1,2ha, sau đó chuyển sang trồng mít Thái. Đợt giá mít lên cao từ 50.000-55.000 đồng/kg mấy năm trước tôi may mắn bán trúng giá nên mang về lợi nhuận khá…”.

Anh Quốc cho biết, từ tháng 4 năm 2021 khi mít vẫn đang cho thu hoạch, nhưng anh thấy mô hình nuôi ba ba mang lại giá trị kinh tế cao thế là quyết định đào ao thả nuôi hơn 100.000 con ba ba giống. Ngay từ thời điểm năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 anh rất lo lắng về đầu ra rồi việc mua thức ăn cũng khó khăn. Cuối cùng, anh cũng đã thu về trái ngọt từ con ba ba sau hơn 15 tháng chăm sóc, khi thu hoạch cho lợi nhuận từ 150.000 đồng/con loại 1. Hiện tại, anh tiếp tục đầu tư phát triển mô hình này để có hiệu quả kinh tế cao hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh phát triển chăn nuôi thì xã Phú Hữu hiện có trên 1.639ha vườn cây ăn trái. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 60,29 triệu đồng/người/năm. Theo UBND xã Phú Hữu, trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vượt kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, xã Phú Hữu được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện và thực hiện tốt công tác vận động xã hội hóa, địa phương đã có hệ thống đê bao khép kín trên 22km, góp phần hỗ trợ tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ông Lê Hữu Huyện, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hữu, cho biết: Hiện nay, xã có nhiều thế mạnh phát triển về chăn nuôi và trồng trọt. Về lĩnh vực chăn nuôi có 2 nhóm chủ đạo là nuôi lươn không bùn và nuôi ba ba. Hiện địa phương phát triển mạnh cây sầu riêng vì cho thu nhập ổn định. Tổng diện tích trồng cây sầu riêng hơn 70ha, bình quân lợi nhuận từ 1,2-1,5 tỉ đồng/ha.

Khi nói đến mô hình trồng cây sầu riêng hiệu quả thì phải nói đến hộ ông Nguyễn Văn Hiếu, ở ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu. Các năm qua, thấy được hiệu quả kinh tế từ cây sầu riêng mang lại cùng với tích lũy kiến thức và nhiều năm kinh nghiệm trồng sầu riêng, ông Hiếu mạnh dạn xử lý cho sầu riêng cho trái vào mùa nghịch và ông đã thành công. Ông Hiếu chia sẻ: “Với tổng diện tích 12.000m2, tôi trồng được 130 cây sầu riêng monthong và Ri6. Tôi rất phấn khởi khi sầu riêng vào vụ thu hoạch bán được giá cao từ 120.000-125.000 đồng/kg tùy loại. Với mỗi vụ sầu riêng cho trái tôi thu về lợi nhuận khoảng 1,8 tỉ đồng/năm”.

Hiện nay, trên địa bàn xã có hơn 20ha sầu riêng cho trái được bà con thu hoạch bán chủ yếu về tỉnh Tiền Giang và Thành phố Hồ Chí Minh… Nhờ các mô hình làm ăn hiệu quả đã giúp cuộc sống kinh tế người dân trên địa bàn ngày càng phát triển, thu nhập ổn định hơn. Ông Lê Hữu Huyện, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hữu, cho biết: Thời gian tới, địa phương sẽ quan tâm phát triển các mô hình làm ăn có hiệu quả, cũng như phổ biến đến người dân các cách làm hay, tiếp cận các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để người dân làm ăn ngày càng phát triển hơn. Bên cạnh đó, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và các đơn vị có liên quan đăng ký mã số vùng trồng, tạo đầu ra ổn định cho hàng hóa nông sản, giúp bà con an tâm sản xuất...

 Bài, ảnh: NGUYỄN HUẤN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>