Giá gạo xuất khẩu tăng trở lại

08/05/2024 | 15:15 GMT+7

Giá gạo xuất khẩu tiếp tục điều chỉnh tăng trên thị trường quốc tế.

Giá gạo xuất khẩu tăng trở lại

Giá gạo xuất khẩu tiếp tục điều chỉnh tăng trên thị trường quốc tế. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm hiện ở mức 585 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn; gạo 25% tấm tăng 1 USD/tấn lên mức 555 USD/tấn. Riêng gạo 100% tấm duy trì mức ổn định.

Như vậy trong tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 3 - 8 USD/tấn. Với mức điều chỉnh này, giá gạo xuất khẩu của nước ta đã lấy lại vị trí dẫn đầu. Hiện gạo 5% tấm của Việt Nam đang cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 3 USD/tấn và cao hơn gạo Pakistan 10 USD/tấn.

Về giá gạo trong nước vẫn có xu hướng ổn định. Tại các địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay, lúa nối vụ Xuân Hè lượng ít. Lúa Hè Thu sớm tại một số địa phương đã được thương lái đặt cọc

Thương lái tăng thu mua lúa gạo

Không riêng gì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tại khu vực miền Trung, hiện thương lái đang đẩy mạnh việc thu mua lúa gạo. Vụ Đông Xuân này, bà con nông dân đã có một mùa bội thu khi giá lúa gạo tăng cao so với vụ Đông Xuân năm trước, năng suất lúa trung bình cũng cao, đạt bình quân 75 tạ/ha.

Giá lúa trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã tăng liên tục kể từ khi bắt đầu vào vụ thu hoạch vụ đông Xuân cho đến thời điểm này khi đã kết thúc vụ. Hiện tại, giá lúa đang dao động từ 8.800 đồng/kg - 13.000 đồng/kg, tuỳ loại. Nông dân càng vui hơn khi hiện nay, thương lái đang đẩy mạnh thu mua lúa trong dân.

Trên những vùng trồng lúa thu hoạch trong đợt cuối cùng ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, điều dễ dàng thấy được là lúa thu hoạch đến đâu được thương lái thu mua đến đó, kể cả lúa tươi.

Ông Nguyễn Đình Cúc - Xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, Phú Yên cho biết: "Năm nay, người ta đưa bao trước, theo dõi, cắt đến đâu thương lái đưa bao mua tới đó. Giá lúa từ 9.200 đồng/kg trở lên".

Bà Võ Thị Hạnh Duyên - Chủ cơ sở Xay xát Ngọc Duyên, thị xã Đông Hòa, Phú Yên chia sẻ: "Doanh nghiệp và thương lái mua nhiều. Mua nhiều nên giá ổn định, cao hơn".

Sản lượng lúa mà nông dân tỉnh Phú Yên thu hoạch được ở vụ Đông Xuân năm nay trên diện tích hơn 26.000 ha đạt khoảng 187.500 tấn. Thông thường, sau thu hoạch, nông dân sẽ bán phần nhiều nhưng năm nay, nông dân lại chậm bán ra. Theo nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Phú Yên cũng như các thương lái dù thời điểm hiện tại, giá lúa được thương lái đẩy giá lên mức cao hơn vụ đông xuân năm ngoái từ 1.500 đồng - 3.000 đồng/kg tùy loại lúa nhưng chỉ có khoảng 40% sản lượng lúa vụ này được nông dân bán ra.

Giá lúa vẫn còn ở mức cao, nhất là các giống lúa cho gạo dẻo mềm

Ông Nguyễn Minh Hiền - Thương lái thu mua lúa tỉnh Phú Yên cho biết: "Lúa trong dân bà con giữ lại và các đại lý trữ lại khoảng 50-60%. Do thời tiết khắc nghiệt, nắm được tình hình đó nên bà con giữ lại để thăm dò và chờ giá".

Hiện, lượng lúa còn trong dân trên địa bàn tỉnh Phú Yên khoảng 130.000 tấn. Giá lúa vẫn còn ở mức cao, nhất là các giống lúa cho gạo dẻo mềm. Tuy nhiên, nông dân vẫn tích trữ chờ giá lên mới bán hoặc chờ đến khi đến vụ sản xuất Hè Thu sẽ bán ra để trang trải chi phí sản xuất ở đầu vụ.

Tăng thu nhập nhờ giống lúa chất lượng cao

Vụ lúa này ở Phú Yên, bình quân, sau khi trừ chi phí, nông dân trong tỉnh có thể lãi từ 35-40 triệu đồng/ha. Với những giống lúa cho gạo dẻo mềm, thu nhập của nông dân càng cao hơn. Ở Nam Trung bộ hiện nay, việc chuyển đổi các giống lúa cấp thấp, đưa vào sản xuất đại trà nhiều giống lúa chất lượng cao chính là cách để giúp nông dân tăng thêm thu nhập trên cùng một ruộng lúa.

Đây là năm thứ ba Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hòa Thành bán ra thị trường gạo Đài thơm. Giá lúa hiện được hợp tác xã mua gần 13.000 đồng/kg. Còn gạo bán ra thị trường là 21.000 đồng/kg và sức tiêu thụ khá mạnh. Chuỗi liên kết này đã giúp lãi của nông dân trồng lúa lên đến 60 triệu đồng/ha

Ông Hồ Đắc Sự - Xã Hòa Thành, thị xã Đông Hòa, Phú Yên cho biết: "Giống Đài thơm trong quá trình làm, năng suất so với giống khác tương đối như nhau, nhưng gạo bán rất chạy".

Ông Phạm Đức Hậu - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Thành, Phú Yên nhận định: "Hợp tác xã sẽ thu mua toàn bộ lúa sau khi bà con thu hoạch. Thứ hai là không bị thương lái ép về mặt giá cả. Ngoài ra, trong quá trình tham gia mô hình liên kết chuỗi của chúng tôi, bà con nông dân được hợp tác xã hỗ trợ về mặt sản xuất, về kỹ thuật".

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có gần 32% diện tích lúa trong khoảng 26.000 ha trồng giống lúa chất lượng cao. Hiện có 10 giống lúa chất lượng cao được nông dân sản xuất đại trà. Ưu điểm của những giống lúa này là dẻo, thơm, đáp ứng nhu cầu gạo ăn của người tiêu dùng, còn cái được mang lại cho người trồng lúa là lợi nhuận cao

Bà Đặng Thị Thủy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên nêu ý kiến: "Đây là một trong những kết quả ban đầu, đánh giá cao sự chủ động các địa phương và bà con nông dân đã hưởng ứng khi chuyển sang giống lúa gạo chất lượng cao. Cơ bản nhất bây giờ, chúng tôi cần xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo chất lượng cao. Đồng thời xây dựng được thương hiệu gạo chất lượng cao của tỉnh Phú Yên".

Hiện tỉnh Phú Yên đang chủ trương thực hiện đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo đến năm 2030 với diện tích 50.000 ha mỗi năm, trong đó, diện tích gieo trồng lúa có liên kết sản xuất, tiêu thụ đạt trên 35%; lợi nhuận của người trồng lúa trên 30%; giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa khoảng 5%. Bước đầu, tỉnh đã chấp nhận chủ trương cho doanh nghiệp triển khai Dự án Vùng liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tỉnh Phú Yên trên diện tích khoảng 15.000 ha lúa.

Theo VTV.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>