Để rác thải không còn là nỗi lo ?

07/05/2024 | 19:15 GMT+7

Bài 3: Giải quyết vấn đề nan giải về rác

Việc xử lý rác thải là vấn đề không đơn giản và cần những giải pháp lâu dài để vừa đảm bảo môi trường nhưng cũng mang lại giá trị kinh tế từ rác.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu chủ đầu tư Nhà máy Điện rác Hậu Giang thực hiện đúng cam kết về tiến độ dự án.

Nhiều kỳ vọng

“Đổi rác thải nhựa lấy nhu yếu phẩm”; “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh”, “Đổi rác thải nhựa lấy quà”,… là ba trong số rất nhiều mô hình đã và đang được triển khai tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Bà Lê Thị Thùy Như, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành, cho hay trên địa bàn huyện triển khai mô hình “Đổi rác thải nhựa lấy quà” do Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Hội LHPN, Huyện đoàn, Hội Nông dân thực hiện thu gom rác thải nhựa đổi nhu yếu phẩm như: đường, bột ngọt, nước mắm, mì gói, gạo... UBND xã Đông Phú cũng thực hiện mô hình đổi rác thải lấy cây xanh để trồng. Các mô hình này kỳ vọng sẽ từng bước thay đổi thói quen của người dân, góp phần bảo vệ môi trường.

Không dừng lại ở đó, thời gian qua, nhiều thùng rác đã được trao tặng đến tay các hộ gia đình. Qua đó, tạo thói quen và nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân trong việc tái tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp. Bà Đinh Thị Kim Nở, ở thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Rác ở trong nhà thì mình vô bọc rồi buộc kín lại sau đó xách ra ngoài để vào thùng cho xe rác gom đi đổ. Tôi thấy việc làm này đơn giản, ai cũng làm được mà còn giúp cho môi trường mình sống sạch đẹp nữa”.

Không chỉ góp phần thay đổi thói quen của người dân, mà việc phân loại rác tại nguồn còn giúp giảm lượng rác thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý; giảm lượng rác chôn lấp và tiết kiệm tài nguyên đất, giảm ô nhiễm môi trường. Rác hữu cơ được người dân phân loại riêng và ủ làm phân bón cho cây trồng.

Chị Trần Thị Thu Trang, ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, bày tỏ: “Nhà tôi luôn có một bịch để chứa đồ nhựa, vỏ chai. Bịch ni-lông khi đầy sẽ mang ra để người thu gom rác lấy hoặc bán ve chai. Vỏ trái cây thì để dành ủ làm phân cho cây trồng. Theo tôi, việc phân loại rác dễ làm, có nhiều lợi ích cho môi trường. Tuy nhiên, để phân loại rác đạt hiệu quả thì bên thu gom cũng cần có giải pháp phù hợp, tránh việc người dân phân loại còn đơn vị thu gom lại đổ gộp lẫn lộn”.

Không chỉ ở các tuyến đường, bãi đất trống mà các dòng sông, kênh trên địa bàn cũng chịu chung số phận bởi thói quen vứt rác bừa bãi của một số hộ dân. Việc cải tạo “cứu” dòng sông cũng được thực hiện thường xuyên, liên tục. Đơn cử như tại thành phố Ngã Bảy, địa phương đã triển khai mô hình “Bảo vệ dòng sông, khơi thông dòng chảy” hay “Đội xung kích chống rác thải”, rác thải được các bạn trẻ, tình nguyện viên đi thu gom đưa đến điểm tập kết đúng quy định, để trả lại màu xanh cho những dòng kênh.

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, chia sẻ: Đối với các mô hình thì hội LHPN các cấp cùng với chính quyền địa phương tham gia bảo vệ môi trường, hướng dẫn người dân phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng chai nhựa, túi ni-lông. Cùng với tuyên truyền thì Hội LHPN thành lập các mô hình thí điểm, vận động người dân trong khu phố, ấp, khu vực, nơi sinh sống thực hiện với chị em, bảo vệ môi trường cùng với địa phương.

Với Đề án Hậu Giang xanh, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu 90% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở đô thị được thu gom và xử lý đúng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Phấn đấu 50% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở nông thôn được thu gom và xử lý tập trung hoặc xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, riêng các xã nông thôn mới nâng cao đạt từ 95% trở lên. Phấn đấu đến năm 2030, 100% lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường…

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: “Các mô hình này rất hiệu quả. Người dân tự nguyện, tự giác thì người ta mới tham gia triệt để. Trên cơ sở những mô hình đã thực hiện, trong đề án này, chúng tôi sẽ tổng hợp lại để nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Khi người dân trong tỉnh đồng lòng tham gia thì Đề án Hậu Giang xanh chúng ta sẽ gặt hái nhiều kết quả tốt”.

Các bạn trẻ hào hứng với hoạt động đổi rác thải nhựa lấy cây xanh.

Biến rác thành… điện

Các mô hình phân loại rác, tái chế rác dù phát huy hiệu quả nhưng chỉ giải quyết được một phần lượng rác thải ra mỗi ngày, chính vì thế rất cần một giải pháp mang tính ổn định và lâu dài. Nắm bắt điều này, dự án Nhà máy Điện rác Hậu Giang đã được triển khai thực hiện trên diện tích 23ha, được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, nhà đầu tư sẽ triển khai trên diện tích 6,3ha, công suất xử lý rác thải 300 tấn/ngày, phát điện 7,5MW. Phấn đấu đến tháng 8-2024 sẽ đưa vào vận hành tổ máy số 1. Đến thời điểm này, hầu hết các hạng mục cơ sở hạ tầng, xây dựng đã hoàn thành cơ bản. Riêng phần thiết bị chính, lắp đặt thiết bị toàn nhà máy đạt hơn 70%. Đơn vị đang tiến hành lắp đặt thiết bị công nghệ các hạng mục chính gồm: lò đốt, lò hơi, xử lý khói thải, ống khói…

Ông Lại Như Ý, thành viên HĐQT, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Greenity Hậu Giang, cho biết: Nhà máy này đốt cả rác sinh hoạt và rác công nghiệp được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Tổng công suất khi đi vào hoạt động là 600 tấn rác hỗn hợp/ngày, đảm bảo thiết kế xử lý toàn bộ lượng rác sinh hoạt ở tỉnh phát sinh ra từ nay đến năm 2050. Vào tháng 7 tới đây, nhà máy sẽ được vận hành chạy thử, mục tiêu tháng 8 sẽ chính thức đi vào hoạt động. Công suất phát điện, lắp đặt 2 tổ máy với mỗi tổ máy là 7,5MW. Tổng công suất 15MW, phát điện lên lưới là 6MW, tổng 2 tổ máy là 12MW.

Theo chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Greenity Hậu Giang, dự án Nhà máy điện rác sau khi hoàn thành đưa vào hoạt động sẽ xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, rác thải nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, nhà máy cũng sẽ góp phần bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp, phát điện lên lưới điện quốc gia, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nói về công nghệ của nhà máy, anh Vũ Quang Minh, Trưởng Ban quản lý Dự án Nhà máy Điện rác Hậu Giang, thông tin: Nhà máy sử dụng công nghệ của Đức có thể xử lý rác không phân loại, bao gồm rác sinh hoạt và rác công nghiệp không nguy hại.

“Khi đốt rác có mấy vấn đề cần phải xử lý về môi trường. Thứ nhất là nước rỉ rác. Thứ hai là xử lý khói khí. Tiếp theo là xử lý khí Sox. Ở đây thì dùng công nghệ tháp hấp thụ, dùng sữa vôi để phun vào trong tháp, xử lý đạt chất lượng khoảng 99%. Cuối cùng là xử lý bụi. Dùng công nghệ lọc bụi đảm bảo không phát tán độc hại trong tro bay ra ngoài môi trường”, anh Vũ Quang Minh thông tin.

Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết: Đây là dự án giải quyết rác cho cả tỉnh chứ không chỉ riêng huyện Phụng Hiệp. Trong Đề án Hậu Giang xanh, có nội dung liên quan đến xử lý rác. Xử lý rác theo giải pháp đốt sinh ra điện sẽ tạo ra lợi thế để thực hiện đề án sớm thành công. Đồng thời, cũng làm giảm tác hại của rác thải sinh hoạt trong Nhân dân đối với môi trường, tạo ra điện năng phục vụ lại cho người dân.

“Dự án đặt trên địa bàn huyện Phụng Hiệp chúng tôi rất vui mừng vì từ trước tới giờ, Phụng Hiệp là nơi làm các bãi rác rất lớn của tỉnh. Xây dựng nhà máy được tại các điểm trước đây đã làm bãi xử lý rác sẽ tạo điều kiện tiêu thụ hết lượng rác tại chỗ. Thứ hai là đảm bảo môi trường cho huyện Phụng Hiệp sạch và xanh hơn”, ông Lê Như Lê chia sẻ.

Trong chuyến đến thăm, làm việc với đại diện chủ đầu tư của Nhà máy Điện rác Hậu Giang mới đây, ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, khẳng định nhà máy là một trong những dự án quan trọng đối với địa phương, khi vận hành sẽ giúp bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Vì vậy, đề nghị chủ đầu tư thực hiện đúng theo cam kết phục vụ cho bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Phải tính toán phương án xử lý sự cố môi trường nước thải, xỉ, khói và ô nhiễm âm thanh cho phù hợp trong quá trình vận hành. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhưng phải đảm bảo chất lượng và an toàn lao động.

Rác thải được đánh giá là nguồn tài nguyên và sẽ tái tuần hoàn, thu hồi năng lượng từ quá trình xử lý. Còn đốt rác phát điện đang là công nghệ tối ưu trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay. Sử dụng rác thải là nguyên liệu đầu vào sẽ giúp giải quyết bài toán giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thu hồi năng lượng, tiệm cận với xu hướng thế giới. Thiết nghĩ, cùng với việc kêu gọi, đầu tư các nhà máy với công nghệ hiện đại thì theo các chuyên gia, vấn đề cốt lõi là cần tập trung tuyên truyền một cách sâu rộng chương trình phân loại rác tại nguồn một cách đồng bộ, quá trình xử lý đạt hiệu quả. Có như vậy mới giải quyết triệt để bài toán xử lý rác thải sinh hoạt ở ĐBSCL.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn cả nước hiện có khoảng 1.712 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt (bao gồm 467 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 38 dây chuyền sản xuất phân compost, khoảng 1.207 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt). Bên cạnh đó, những năm gần đây, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt để thu hồi năng lượng cũng đã và đang được các địa phương quan tâm đầu tư. Tính đến ngày 18-1-2024, có 3 nhà máy đốt rác phát điện đã đi vào hoạt động tại Hà Nội, Bắc Ninh, Cần Thơ và có 15 dự án đầu tư nhà máy đốt rác phát điện đang triển khai xây dựng tại một số tỉnh, thành phố…

 

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>