Bước tiến mới trong thu hút FDI

30/10/2023 | 18:18 GMT+7

Vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ĐBSCL đã có sự phục hồi và tăng trưởng đáng ghi nhận, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Hậu Giang đang bứt phá vươn lên với nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư lớn.

Bài 1: Điểm sáng thu hút FDI ở ĐBSCL

Mười tháng qua, dòng vốn FDI “chảy” vào nước ta tăng 54% so với cùng kỳ, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư và tiềm năng phát triển của Việt Nam, trong đó ĐBSCL đang là một điểm sáng mới, hấp dẫn với nhiều lợi thế.

Nhiều tiềm năng

Với lợi thế về địa lý, thể chế, nguồn nhân lực dồi dào, mức chi phí thấp, Việt Nam là một trong những quốc gia hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Bằng chứng là hàng loạt “ông lớn” trên thế giới đến tìm hiểu và đặt nhà máy tại nước ta như: Intel, Samsung, Honda, Panasonic, Lotte..., góp phần lớn vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.

Một khảo sát của VCCI Cần Thơ, đến tháng 6-2023, toàn vùng ĐBSCL có trên 1.900 dự án FDI, tổng vốn trên 35 tỉ USD. Với nhiều dự án có quy mô vốn lớn như ngành sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản...

Ngoài ra, ĐBSCL còn là vùng xuất khẩu gạo trọng điểm của cả nước, đáp ứng đến trên 90% lượng gạo xuất khẩu hàng năm, tập trung chủ yếu tại An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và Long An. Thủy sản của vùng với các mặt hàng xuất khẩu chính là tôm và cá tra. Trong đó, tôm đang trở thành mặt hàng chủ lực trong chuyển đổi cơ cấu hàng xuất khẩu, bởi giá cả và nhu cầu thị trường thế giới đều tương đối ổn định.

Bên cạnh những kết quả khả quan thời gian qua, ĐBSCL còn đang nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các nhà đầu tư nước ngoài khi sở hữu nhiều lợi thế như: hoạt động thanh, kiểm tra đã giảm; cải cách thủ tục hành chính ở nhiều lĩnh vực; chi phí không chính thức, chi phí thời gian, tính năng động, chất lượng lao động và chất lượng hạ tầng dần được cải thiện.

Nhiều doanh nghiệp FDI lớn chọn ĐBSCL để làm điểm dừng chân.

Có địa phương top đầu thu hút FDI

Tại Hội nghị Quốc tế “Nhận diện các vấn đề khó khăn trong thu hút đầu tư và giao thương quốc tế tại ĐBSCL”, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đánh giá trong năm 2021 và 2022, mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, nhưng hoạt động giao thương tại ĐBSCL vẫn duy trì ổn định. Chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong vùng đã nỗ lực thực hiện nhiều sáng kiến nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Từ đó, tạo sự bứt phá và khẳng định vị thế là “huyết mạch giao thương” của khu vực phía Nam.

Hiện nay, Long An là một trong những địa phương trong top đầu về thu hút vốn FDI. Năm ngoái, tỉnh xếp hạng 10 cả nước và dẫn đầu khu vực ĐBSCL, tổng số dự án đăng ký là 1.332 dự án. Tiền Giang đứng thứ hai với 137 dự án. Tiếp theo là Cần Thơ với 91 dự án. Số lượng dự án chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Các địa phương khác trong vùng cũng tích cực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện quy trình cũng như chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng để đón nguồn vốn đầu tư chất lượng. Điển hình như Bến Tre, Trà Vinh,… đang là các địa phương nhận được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp nước ngoài. Các nhóm ngành trọng điểm thu hút đầu tư là lúa gạo, thủy sản, rau quả và gần đây là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch cũng trở thành những lĩnh vực tiềm năng thu hút đầu tư FDI.

Điển hình, năm 2020 tỉnh Bạc Liêu thu hút được Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng, tổng vốn đầu tư kiến lên đến 4 tỉ USD. Năm 2021, thành phố Cần Thơ cũng thành công thu hút đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II từ Nhật Bản, với nguồn vốn đầu tư trực tiếp 1,3 tỉ USD, trở thành dự án FDI quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng để thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp FDI đầu tư vào vùng ĐBSCL cần có những chiến lược thu hút nguồn vốn đầu tư của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước một cách hiệu quả, tận dụng triệt để các thế mạnh vốn có. Bên cạnh đó, cần phải giải quyết một nút thắt quan trọng về thể chế, hành lang pháp lý.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20-10-2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 25,76 tỉ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Cả nước có 38.622 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 460,07 tỉ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 292 tỉ USD, bằng 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 18,84 tỉ USD, chiếm gần 73,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 45,8% so với cùng kỳ.

 

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Bài 2: “Tháo” nút thắt, “khai thông” dòng vốn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>