Sáng tạo những sản phẩm hữu ích cho cuộc sống

04/03/2022 | 09:38 GMT+7

Bùi Thị Cát Tuyền và Nguyễn Lê Phước Thọ, học sinh lớp 9TA, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam (huyện Châu Thành A), đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích cho cuộc sống.

“Hệ thống cảnh báo điểm mù tích hợp cảm biến nồng độ cồn, định vị GPS” có thiết kế gọn, nhẹ, giá thành phải chăng.

Tiêu biểu trong các sản phẩm sáng tạo đó phải kể đến “Hệ thống cảnh báo điểm mù tích hợp cảm biến nồng độ cồn, định vị GPS”. Sản phẩm ra đời từ quá trình tham gia giao thông và nắm bắt các vấn đề thời sự của các em.

“Khi xem các bản tin, em thấy tình trạng tai nạn giao thông vẫn còn rất nhiều, gây nguy hiểm cho nhiều người, đặc biệt các điểm mù là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn nghiêm trọng. Trên đường đi học của em cũng có một số điểm mù như thế. Do đó, em suy nghĩ là làm một sản phẩm để khắc phục vấn đề những điểm mù này, từ đó kéo giảm tai nạn giao thông”, Cát Tuyền cho biết.

Với sự hướng dẫn của thầy Tôn Phước Nguyên, giáo viên của trường, các em bắt đầu hành trình sáng tạo. Trước khi thực hiện, nhóm đã tham khảo những sản phẩm tương tự trên mạng, nhưng có giá thành cao, có dây và ít chức năng hơn. Do đó, bên cạnh sáng tạo hệ thống cảnh báo điểm mù, nhóm học sinh này còn mong muốn tích hợp thêm các chức năng khác như cảm biến nồng độ cồn, định vị GPS và đo thân nhiệt không tiếp xúc cho tài xế. Đây đều là những chức năng rất cần thiết trong quá trình tham gia giao thông, nhất là dịch Covid-19 hiện nay còn diễn biến phức tạp.

Để hoàn thiện sản phẩm này, nhóm học sinh phải mất hơn nửa năm để sáng tạo, thử nghiệm và cải thiện. Hệ thống sau khi hoàn chỉnh có 3 phần riêng biệt, đó là hai thiết bị cảnh báo điểm mù được đặt ở trước và sau xe ô tô, một thiết bị được đặt trong cabin xe để cảm biến nồng độ cồn, định vị GPS và đo thân nhiệt của người tài xế. Em Nguyễn Lê Phước Thọ cho biết: “Các chức năng của thiết bị được chúng em lập trình tích hợp vào cùng một máy chủ để thu nhận thông tin và gửi lên phần mềm mã nguồn mở Blynk. Phần mềm này sẽ hiển thị các thông số cho người dùng dễ nắm bắt”.

Các thiết bị cảnh báo điểm mù được gắn cảm biến siêu âm, sử dụng sóng siêu âm để phát hiện vật cản và báo hiệu cho người điều khiển phương tiện. Thiết bị này có thể cảm biến trong phạm vi từ 2cm đến 6m. Khoảng cách phát hiện vật cản do người sử dụng thiết lập sao cho phù hợp với yêu cầu và khả năng xử lý tình huống của họ. Khi phát hiện có vật cản xuất hiện ở vị trí điểm mù, hệ thống sẽ thông báo trên phần mềm Blynk để người điều khiển phương tiện kịp thời phát hiện và xử lý tình huống.

Thiết bị cảm biến nồng độ cồn được tích hợp với thiết bị đo thân nhiệt và định vị GPS. Khi đặt trong cabin xe ô tô, xe tải, thiết bị có thể cảm biến được các thông số trên và gửi lên phần mềm Blynk để tài xế quan sát và nắm thông tin. Đặc biệt, với cùng một tài khoản đăng nhập trên phần mềm, người thân của tài xế có thể nhận được những thông tin tương tự và nhắc nhở họ khi phát hiện nhiệt độ cơ thể hoặc nồng độ cồn quá cao. Ngoài ra, trên phần mềm này còn có các hiển thị biểu đồ thông số theo thời gian để người dùng xem lại khi cần thiết.

“Hệ thống cảnh báo điểm mù tích hợp cảm biến nồng độ cồn, định vị GPS” có giá thành khá hợp lý, với tổng chi phí để hoàn thiện chỉ hơn 700.000 đồng, nhưng có nhiều chức năng hơn so với các thiết bị tương tự. Thiết bị có kích thước nhỏ gọn và trọng lượng nhẹ, do sử dụng pin và kết nối không dây nên dễ dàng tháo lắp, vận chuyển. Để kiểm định khả năng ứng dụng của thiết bị, nhóm học sinh đã thực nghiệm tại Phòng Cảnh sát giao thông, Công an huyện Châu Thành A và một số tài xế xe ô tô, xe tải, đều được đánh giá cao về hiệu quả mang lại.

Tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hậu Giang lần thứ VIII năm 2021, sản phẩm này đã đoạt giải nhất. Sản phẩm cũng đạt giải ba ở bảng D2 của Hội thi Tin học trẻ tỉnh Hậu Giang lần thứ XVIII năm 2021. Thời gian tới, hai em Tuyền và Thọ còn mong muốn cải thiện tính năng của sản phẩm để có thể sử dụng cho ghe, tàu. Đồng thời, các em cũng đang trong giai đoạn nghiên cứu các sản phẩm mới để thể hiện năng khiếu và tham gia các cuộc thi phát huy sáng kiến, sáng tạo dành cho học sinh.

Theo thầy Tôn Phước Nguyên, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam, người hướng dẫn của các em: “Hai em Tuyền và Thọ đều là học sinh lớp chuyên Anh văn của trường. Ngoài ra, các em có năng khiếu về tin học, khả năng trình bày, tư duy lập luận logic. Đó là những yếu tố quan trọng, cần thiết cho việc nghiên cứu, sáng tạo. Với năng khiếu và niềm đam mê này, Tuyền và Thọ sẽ tiếp tục tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua sáng tạo trong nhà trường thời gian tới”.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>