Hoạt động khoa học và công nghệ cấp huyện phát huy hiệu quả

15/02/2022 | 08:30 GMT+7

Năm qua, dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) vẫn được các địa phương duy trì thực hiện tốt, đạt những kết quả nổi bật.

Người chăn nuôi dê ở huyện Châu Thành A thêm trợ lực từ dự án “Nghiên cứu một số giải pháp kỹ thuật và thị trường nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả mô hình chăn nuôi dê lấy sữa tại huyện Châu Thành A”.

Trợ lực cho nông nghiệp địa phương

Điểm nhấn của hoạt động KHCN cấp huyện là những mô hình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, mà hầu hết đều thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nhằm hỗ trợ và phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương. Tùy vào tình hình thực tế, ngân sách và thời gian thực hiện, mà số lượng mô hình, đề tài, dự án thực hiện hàng năm sẽ khác nhau. Qua đó, giúp người dân cải thiện sinh kế và trợ lực cho nền nông nghiệp phát triển.

Vừa qua, Hợp tác xã Sản xuất dưa hấu VietGAP Vị Thủy ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, được hỗ trợ cấp lại giấy chứng nhận VietGAP từ kinh phí sự nghiệp KHCN của huyện. Sự hỗ trợ này được duy trì thực hiện trong suốt nhiều năm qua. Ông Võ Văn Năng, Giám đốc Hợp tác xã, chia sẻ: “Nông dân chúng tôi làm lụng vất vả quanh năm, nhưng lợi nhuận cũng không có bao nhiêu. Nếu cứ 2 năm một lần, phải tự bỏ ra hàng chục triệu để xin cấp lại giấy chứng nhận, thì… ngán lắm. Được huyện hỗ trợ kinh phí nên chúng tôi đã giữ được chuẩn VietGAP trong mười mấy năm qua. Nhờ vậy, các loại nông sản của hợp tác xã luôn có đầu ra ổn định, được bao tiêu và thu mua với giá cao”.

Tại thành phố Ngã Bảy, năm vừa qua đã triển khai 2 mô hình “Trồng rau thủy canh trong nhà lưới” và “Quy trình trồng rau an toàn”. Trong đó, mô hình “Trồng rau thủy canh trong nhà lưới” là mô hình đầy triển vọng. Theo ông Trương Văn Chín, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Ngã Bảy: “Mô hình trồng rau thủy canh rất phù hợp với nền kinh tế đô thị của thành phố. Có thể tận dụng được những khoảng trống với diện tích nhỏ hẹp, an toàn, thân thiện với môi trường, vừa tạo ra kinh tế cho gia đình vừa tạo ra nguồn thực phẩm cho thành phố. Do đó, nếu mô hình thành công sẽ viết lại quy trình và triển khai ra người dân”. Hiện tại, cả hai mô hình đang phát triển tốt và sẽ được nghiệm thu trong thời gian tới.

Ngoài ra, còn có nhiều mô hình, đề tài, dự án đã được các huyện, thị, thành phố triển khai trong năm qua. Thành phố Vị Thanh có dự án “Xây dựng mô hình áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP để phát triển vùng chuyên canh Khóm Queen Cầu Đúc ở Hậu Giang” và dự án “Xây dựng mô hình sản xuất khổ qua rừng theo hướng VietGAP cung cấp sản phẩm nguyên liệu chế biến dược liệu”. Dự án “Giảm thiểu thiệt hại của bệnh vàng lá, thối rễ và cải thiện “sức khỏe” của đất bằng biện pháp tổng hợp cho cây quýt đường tại xã Long Trị - thị xã Long Mỹ”. Dự án “ Nghiên cứu một số giải pháp kỹ thuật và thị trường nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả mô hình chăn nuôi dê lấy sữa tại huyện Châu Thành A”...

Tất cả đã góp phần trợ lực cho nền nông nghiệp của các địa phương phát triển bền vững.

Duy trì hiệu quả đã đạt

Bên cạnh việc triển khai các mô hình, đề tài, dự án, hoạt động KHCN cấp huyện còn thực hiện nhiều nội dung khác như: tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, phong trào sáng tạo, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ, thông tin về KHCN, tập huấn,... Dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng hoạt động KHCN cấp huyện vẫn được duy trì thực hiện tốt và có nhiều điểm sáng. Theo ông Phạm Trường Giang, Phó Giám đốc Sở KHCN: “Năm qua, đa số các huyện đã hoàn thành tốt kế hoạch, hoạt động KHCN của các huyện được đánh giá cao. Đặc biệt, một số địa phương đã có bước tiến rõ rệt so với những năm trước”.

Một trong những điểm sáng của hoạt động KHCN cấp huyện là phong trào thi đua sáng tạo tại huyện Châu Thành A. Trong năm 2021, huyện đạt giải nhất toàn đoàn tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hậu Giang lần thứ VIII, với 3 giải nhất, 3 giải nhì, 2 giải ba và 1 giải khuyến khích. Huyện cũng đạt giải nhất toàn đoàn trong Hội thi Tin học trẻ tỉnh Hậu Giang lần thứ XVIII năm 2021, với nhiều thí sinh, sản phẩm đoạt giải ở các bảng của hội thi.

Các sản phẩm tham gia và đoạt giải tại các cuộc thi, hội thi đều là những sản phẩm triển vọng, có tính ứng dụng cao. Do đó, huyện Châu Thành A quan tâm phát triển sản phẩm này. Ông Lê Quang Duy, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Châu Thành A, cho biết: “Đối với các sản phẩm đã đoạt giải, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ nhóm nghiên cứu để hoàn thiện sản phẩm. Chúng tôi sẽ hướng dẫn về chuyên môn để phát triển thương hiệu. Khi cơ sở và các sản phẩm đã hình thành, sẽ có những chương trình khuyến công để hỗ trợ nguồn vốn, máy móc thiết bị, hạ tầng,... cho các sản phẩm này”.

Với những sự quan tâm, nỗ lực của các địa phương, hoạt động KHCN cấp huyện đã phát huy hiệu quả, góp phần vào sự phát triển của từng địa phương nói riêng và cả tỉnh nói chung.

Bà Lê Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở KHCN, chia sẻ: “Trong năm 2022, các địa phương cần tiếp tục bứt phá để gặt hái được kết quả như những năm qua đã đạt được. Nhiệm vụ ngành KHCN giao cho các địa phương khá nhiều, do đó, trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục phối hợp với Sở KHCN, phản ánh những khó khăn để sở kịp thời hỗ trợ, giúp các địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

 

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>