Điện mặt trời tại Hậu Giang nên khai thác sao cho phù hợp ?

13/03/2022 | 12:54 GMT+7

Điện mặt trời đang nhận nhiều ý kiến trái chiều về định hướng phát triển. Dư luận quan tâm nhiều đến cách thức quy hoạch, khai thác phù hợp và phát huy hiệu quả của điện mặt trời. Tại Hậu Giang, có một đề tài nghiên cứu đã có đề cập đến những nội dung trên...

Nhà máy điện mặt trời Vị Tân 2 triển khai tại xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh. Ảnh: TRUNG QUÂN

Xác định đúng tiềm năng

Điện mặt trời là một nguồn năng lượng quan trọng, góp phần đáp ứng nhu cầu về điện năng để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và tại Hậu Giang nói riêng. Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư đã tìm đến để xây dựng nhà máy sản xuất năng lượng mặt trời tại tỉnh. Tuy nhiên, nếu chưa có vị trí quy hoạch cụ thể để xây dựng nhà máy, thì nhà đầu tư phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu và lập phương án tiền khả thi cho dự án. Điều này đã gây ảnh hưởng đến quá trình thu hút đầu tư vào lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh.

Trước đây, chưa có một nghiên cứu nào toàn diện về các tiềm năng năng lượng mặt trời của tỉnh, như tiềm năng lý thuyết, tiềm năng kỹ thuật, tiềm năng kinh tế. Thêm vào đó, chưa có đánh giá cụ thể nào về tác động của các dự án này đến hệ thống điện, để làm cơ sở quy hoạch các nhà máy điện mặt trời tối ưu về kinh tế và kỹ thuật. Vì vậy, từ năm 2019, tỉnh đã triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Xác định tiềm năng sản xuất điện mặt trời tỉnh Hậu Giang”, do TS. Trần Văn Tấn làm chủ nhiệm, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang là cơ quan chủ trì.

Theo TS. Trần Văn Tấn: “Mục tiêu chính của đề tài là xác định được tiềm năng sản xuất điện mặt trời ở Hậu Giang. Khi nghiên cứu và thu thập các số liệu thì chúng tôi mới xác định được sự khả thi và chứng minh được tỉnh có tiềm năng để sản xuất điện mặt trời. Đó là cơ sở để tiến hành các mục tiêu nghiên cứu tiếp theo”. Cụ thể, thông qua các phương pháp nghiên cứu và sử dụng các phần mềm trực tuyến, phần mềm chuyên dụng, đề tài đã thu được những kết quả khả quan về tiềm năng sản xuất điện mặt trời tại tỉnh.

Qua nghiên cứu, đề tài đã xác định tỉnh Hậu Giang có số giờ nắng trung bình là 2.000 giờ/năm, với bức xạ trung bình là 1.123 kWh/m2/năm. Trong đó, tháng 3 có bức xạ trung bình cao nhất và tháng 9 có bức xạ trung bình thấp nhất. Tiềm năng kỹ thuật để sản xuất điện mặt trời của tỉnh là 602,7km2, với công suất là 33.151 MW điện mặt trời. Các khu vực có tiềm năng kỹ thuật để phát triển điện mặt trời là huyện Long Mỹ, huyện Vị Thủy, thị xã Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp, xã Hỏa Lựu và xã Hỏa Tiến (thành phố Vị Thanh). Những kết quả trên là cơ sở quan trọng để tỉnh tiến hành thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Cơ sở quan trọng để thu hút đầu tư

Triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát thực địa, thu thập các dữ liệu quy hoạch liên quan như: quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch thủy lợi,... để xác định các vùng loại trừ, vùng tiềm năng. Từ đó, tạo bản đồ tiềm năng kỹ thuật điện mặt trời, phục vụ cho việc lập quy hoạch. Đề tài đã xác định được 4 vị trí phù hợp để xây dựng nhà máy điện mặt trời với công suất 50MW là: Nhà máy điện mặt trời Long Phú (xã Long Phú, thị xã Long Mỹ); Nhà máy điện mặt trời Hồ Nước Ngọt (xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy); Nhà máy điện mặt trời Hỏa Lựu 1&2 (xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh).

Để phân tích tiềm năng kinh tế của các dự án điện mặt trời được đề xuất, đề tài đã chọn dự án Nhà máy điện mặt trời Hồ Nước Ngọt để làm đối tượng đánh giá. Theo đó, khi đầu tư dự án 50 MW tại đây với tổng số vốn đầu tư hơn 42 triệu USD sẽ hình thành hệ thống sản xuất được 74.115.000 kWh/năm, khả năng thu hồi vốn trung bình là 7,1 năm, giảm phát thải khí nhà kính trung bình 28.384 tấn CO2/năm. Nghiên cứu cho thấy, các dự án này không tác động lớn đến môi trường xung quanh và chất lượng cuộc sống của người dân.

Theo ông Phạm Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ: “Những số liệu của đề tài sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý làm việc với các nhà đầu tư. Đây sẽ là những gợi ý quan trọng để thuyết phục nhà đầu tư và giúp ích cho họ trong quá trình đầu tư vào các dự án nhà máy sản xuất điện mặt trời tại Hậu Giang”. Bên cạnh đó, để phát huy tiềm năng sản xuất điện mặt trời tại tỉnh, đề tài cũng đã đề xuất các giải pháp như: đẩy mạnh công tác quy hoạch phát triển điện mặt trời; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực điện mặt trời; quỹ hỗ trợ tài chính cho phát triển và sử dụng điện mặt trời; áp dụng cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời và các biện pháp phát triển nguồn nhân lực.

GS.TS. Lê Chí Hiệp, Chủ tịch Hội đồng liên ngành Môi trường, Tài nguyên và Năng lượng, Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét: “Những kết quả mà nhóm nghiên cứu đề tài đã làm được có ý nghĩa đào tạo rất lớn, đóng góp cho công tác giảng dạy chuyên ngành trong nhà trường”.

ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>