Chặng đường phát triển khoa học và công nghệ

31/03/2022 | 08:41 GMT+7

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ sự nghiệp công nghệ hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và nghị quyết mỗi nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh Hậu Giang, ngành KH&CN tỉnh nhà đã có nhiều bước tiến quan trọng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhiều đề tài nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp được đầu tư, đã đóng góp vào sự phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn tại tỉnh nhà.

Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu

Nghị quyết số 20 được ban hành vào tháng 11-2012. Ra đời trong tình hình hoạt động KH&CN của cả nước còn khá trầm lắng, đã  xác định: “Phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; là một hoạt động cần tập trung ưu tiên đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp”.

Nghị quyết đã đặt ra mục tiêu tổng quát và những mục tiêu cụ thể, với 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm là: Đổi mới tư duy, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển KH&CN; Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động KH&CN; Triển khai các định hướng nhiệm vụ KH&CN chủ yếu; Phát huy và tăng cường tiềm lực KH&CN quốc gia; Phát triển thị trường KH&CN; Hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN.

Tại Hậu Giang, 10 năm qua, hoạt động KH&CN luôn được quan tâm, triển khai bằng nhiều chương trình, đề án thiết thực. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đưa ra những giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN, cụ thể là: “Xây dựng và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, tiến hành chỉ dẫn địa lý, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ, khuyến khích phát triển doanh nghiệp khoa học, công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng, hướng đến đồng bộ các khâu sản xuất trong chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh”.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV cũng nêu rõ: “Ưu tiên đầu tư các nhiệm vụ, các sản phẩm khoa học, công nghệ. Nâng mức đầu tư ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN tương xứng với nhu cầu phát triển của tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với kết quả nghiên cứu KH&CN; đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển khoa học, công nghệ; chủ động xây dựng cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động khoa học, công nghệ theo hướng linh hoạt, hiệu quả”.

Thực hiện Nghị quyết số 20 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020- 2025, thông qua việc tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp trên, lĩnh vực KH&CN của tỉnh đã có những bước tiến quan trọng so với giai đoạn trước. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 7 tổ chức KH&CN công lập và ngoài công lập, cung ứng các dịch vụ về hoạt động KH&CN như: ứng dụng, chuyển giao kết quả hoạt động KH&CN; kiểm định phương tiện đo nhóm 2; thông tin KH&CN; thiết kế, giám sát công trình xây dựng;... Qua đó, đáp ứng nhu cầu về lĩnh vực KH&CN trên địa bàn tỉnh.

Những năm qua, nguồn lực KH&CN của tỉnh không ngừng được nâng lên. Tổng nhân lực KH&CN của tỉnh hiện có 535 người, trong đó, có 36 người có trình độ tiến sĩ; 126 người có trình độ thạc sĩ. Trong giai đoạn từ năm 2016-2020, tỉnh đã chi gần 74 tỉ đồng cho sự nghiệp KH&CN và chi hơn 25,7 tỉ đồng cho 5 dự án đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ sự phát triển KH&CN của tỉnh nhà. Qua đó, giúp tiềm lực KH&CN của tỉnh ngày càng vững chắc hơn, tạo ra những thành quả nổi bật.

Trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà

Qua 10 năm triển khai Nghị quyết số 20, hoạt động KH&CN đã tích cực đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nổi bật là các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Trung bình mỗi năm, tỉnh triển khai thực hiện 9 đề tài, dự án. Trong đó, có đến 56% đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp; 18% đề tài, dự án lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ; 4% đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học y dược chiếm 4%, 22% đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn chiếm 22%. Nhiều đề tài, dự án không chỉ giúp ích cho lĩnh vực nghiên cứu, mà còn là động lực quan trọng cho sự phát triển chung của tỉnh.

Đề tài “Nghiên cứu, chọn tạo giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được phèn, mặn, sâu bệnh và thích nghi tốt với điều kiện canh tác tại Hậu Giang” là nhiệm vụ KH&CN của tỉnh, được triển khai từ năm 2019, với mục tiêu đến năm 2024, tạo ra được 2 giống lúa có năng suất, chất lượng cao, mang thương hiệu đặc trưng của tỉnh Hậu Giang. Ông Phan Quốc Thứ, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Hậu Giang, chủ nhiệm đề tài, cho biết: “Các giống lúa trong phạm vi nghiên cứu của đề tài mang tính kế thừa những sản phẩm từ trước. Đến nay, qua 3 vụ sản xuất thử nghiệm, đã xuất hiện những giống lúa đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu đề tài đã đề ra”.

Là nhiệm vụ KH&CN của tỉnh năm 2021, đề tài “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang” đang được tích cực triển khai với nhiều hoạt động thiết thực. Theo ông Phan Hoàng Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, chủ nhiệm đề tài: “Vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là nội dung trọng tâm, then chốt góp phần xây dựng hệ thống chính trị, chính quyền vững mạnh từ cơ sở”. Do đó, việc thực hiện đề tài đã giúp tỉnh có điều kiện nghiên cứu sâu những lý luận chung, thực trạng, kinh nghiệm và định hướng những giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh. Qua đó, thể hiện những đóng góp của KH&CN cho sự phát triển vững mạnh của hệ thống chính trị.

Theo ông Huỳnh Trường Vĩnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ: “Trong giai đoạn tới, sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH&CN phù hợp với điều kiện của tỉnh. Phát triển công nghệ cao, các công nghệ 4.0, công nghệ số, công nghệ sinh học,… có tính đột phá, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN của các tổ chức KH&CN công lập, phòng thí nghiệm. Thành lập Khu thực nghiệm, bảo tồn nguồn gen và ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Hậu Giang. Hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, cung cấp các dịch vụ công về KH&CN đáp ứng nhu cầu tại địa phương. Phát triển doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh”.

Nghị quyết số 20 là động lực cho sự phát triển KH&CN của tỉnh Hậu Giang trong suốt 10 năm qua. Đó là nền tảng quan trọng để lĩnh vực KH&CN của tỉnh tiếp tục có những bước tiến mới, đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh nhà.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>