Thiếu cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin

17/07/2020 | 09:21 GMT+7

Các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các lĩnh vực hoạt động. Tuy nhiên, thiếu cán bộ có năng lực, trình độ, chuyên môn chuyên trách CNTT là thực trạng đáng quan tâm.

Để công tác cải cách hành chính nói chung đạt yêu cầu thì không thể thiếu cán bộ chuyên trách về CNTT.

Tham mưu về CNTT, nhưng không có chuyên môn về CNTT

Hiện nay, tùy thực tế từng nơi, cán bộ phụ trách CNTT ở các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến huyện được bố trí làm việc theo nhiều cách khác nhau. Thường các sở, ban, ngành cấp tỉnh sẽ bố trí cán bộ phụ trách CNTT tại văn phòng. Một số cơ quan, đơn vị khác bố trí cán bộ CNTT làm việc tại một trong những phòng chuyên môn hoặc thành lập riêng phòng CNTT.

Thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được quy định: phòng văn hóa - thông tin cấp huyện phải tham mưu UBND cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước lĩnh vực thông tin và truyền thông. Trong đó, có công tác quản lý, triển khai ứng dụng CNTT. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại các huyện, thị, thành phố, nhiệm vụ phòng văn hóa - thông tin chủ yếu chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao, du lịch… Riêng về nhiệm vụ CNTT còn khá hạn chế, vì thiếu cán bộ chuyên trách hoặc chỉ có cán bộ kiêm nhiệm, nhưng lại không có chuyên môn về lĩnh vực CNTT.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Trước đây, ở phòng cũng có một cán bộ phụ trách CNTT, nhưng đã được rút về công tác ở UBND huyện. Vì vậy, mấy năm nay công tác tham mưu quản lý nhà nước lĩnh vực CNTT được giao cho một cán bộ kiêm nhiệm. Mặc dù, vẫn đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ chuyên môn, nhưng do không có cán bộ chuyên trách CNTT nên gặp nhiều khó khăn. Do không am hiểu cũng như không có chuyên môn nhiều về CNTT, nên hiệu quả công việc không cao. Chúng tôi đã tham mưu UBND huyện bố trí 1 biên chế có chuyên môn về CNTT để đảm bảo công việc. Hy vọng là biên chế mới có trình độ chuyên môn lĩnh vực này”.

Thực tế cho thấy chức danh cán bộ phụ trách mảng CNTT ở không ít địa phương đang bỏ trống khá lâu. Ông Lê Văn Chính, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vị Thủy, cho biết: “Phòng hiện có 4 biên chế, trong đó có 2 lãnh đạo và 2 chuyên viên. Trước giờ phòng không có cán bộ phụ trách ứng dụng CNTT. Cán bộ kiêm nhiệm cũng được đi tập huấn chuyên môn về CNTT, nhưng do không am hiểu nhiều nên chưa thực hiện tốt công tác ứng dụng CNTT. Nếu có cán bộ CNTT thì ngoài thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước ở lĩnh vực thông tin, còn giúp chúng tôi rà soát được mức độ ứng dụng CNTT của các đơn vị, địa phương…”.

Nhìn vào thực trạng để có giải pháp cụ thể

Thiếu cán bộ có trình độ trên lĩnh vực CNTT là thực trạng chung không chỉ của các phòng văn hóa - thông tin mà là vấn đề khó khăn của nhiều đơn vị. Tuy nhiên, đã có địa phương quan tâm thực chất công tác bố trí cán bộ lĩnh vực này.

UBND thành phố Vị Thanh đã bố trí được 2 biên chế cho cán bộ CNTT. Ông Trần Thế Lương, Tổ phó Tổ cải cách thủ tục hành chính thành phố, chia sẻ: “Thành phố rất quan tâm đến đội ngũ cán bộ CNTT. Ngoài đưa đi đào tạo các lớp ngắn hạn, dài hạn trong và ngoài tỉnh, năm nào cũng tổ chức các lớp đào tạo cho cán bộ công chức thông thường tại các xã, phường. Công việc chính của tôi không chỉ tham mưu về làm quản lý nhà nước và làm nghiệp vụ, còn phụ trách tổ cải cách hành chính trong đó có ứng dụng CNTT, quản lý phần mềm, đề án chính quyền điện tử, đô thị thông minh... Theo tôi, thực trạng cán bộ CNTT yếu và thiếu hiện nay cũng có phần là do không có biên chế dành cho đối tượng này”.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang tại đợt làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông vừa qua: Sở, ban, ngành tỉnh tuy có cán bộ chuyên môn về CNTT, nhưng có không ít trường hợp làm việc tại các bộ phận không liên quan đến CNTT. Đối với nguồn nhân lực CNTT đa phần năng lực của đội ngũ phụ trách về CNTT còn yếu và thiếu. Chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm về CNTT trong các cơ quan, đơn vị. Một số cán bộ phụ trách CNTT có kinh nghiệm, năng lực không phục vụ lâu dài trong cơ quan nhà nước…

Nhìn nhận thực trạng để có giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng nhân lực CNTT là yêu cầu cấp thiết hiện nay, khi ứng dụng CNTT đã trở thành bắt buộc đối với hoạt động các cơ quan, đơn vị, địa phương, để hiện thực hóa chính quyền điện tử trong tương lai gần!

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT, hàng năm tỉnh bố trí kinh phí đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng khai thác, ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức. Sắp tới Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông) dự kiến mở một lớp về an toàn an ninh thông tin cho 60 cán bộ chuyên trách CNTT của các sở, ngành. Ngoài ra, dựa theo nhu cầu của các sở, ngành và địa phương, Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu tỉnh mở thêm 1 lớp đào tạo về lĩnh vực ứng dụng CNTT trong năm nay.

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>