Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

21/11/2023 | 10:32 GMT+7

Ở ấp 4, xã Vị Bình (huyện Vị Thủy) và các địa phương lân cận, nhắc đến ông Út Đẹt “ba ba” nhiều người biết. Ông là một trong những người gầy dựng mô hình làm ăn hiệu quả nuôi ba ba tại đây.

Ông Nguyễn Văn Đẹt (bìa trái), Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy.

Ở một đoạn dài dọc theo con kênh 9 Thước và kênh 8 Ngàn giáp nhiều xã của huyện Vị Thủy, nhà tường khang trang được xây ngày càng nhiều, cho thấy cuộc sống khá giả của người dân nơi đây.

Trong những hộ dân này, không ít người phất lên nhờ nuôi ba ba và ông Nguyễn Văn Đẹt (Út Đẹt) là một trong số đó. Ở ấp 4, ông Út Đẹt được xem như người tiên phong nuôi và làm giàu từ ba ba. Kể về cái duyên đến với vật nuôi giúp thay đổi cuộc sống của mình, ông Út Đẹt nhớ lại: Ông từng đi làm nghĩa vụ giúp nước bạn Campuchia từ năm 1985-1988, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương, vẫn gắn bó với mảnh vườn và vài công ruộng cha mẹ để lại, cuộc sống lay lắt, kéo dài như vậy cả chục năm.

“Trong suốt những năm đó, tôi luôn cố gắng tìm kiếm những mô hình làm ăn phù hợp nhưng chưa đủ duyên. Mãi đến năm 2006, có anh bạn bên xã Vĩnh Trung kế bên đây có nuôi ba ba, chia sẻ về quy trình nuôi, tôi thấy hay, cảm nhận đây là mô hình có thể phát triển được, thế là bắt tay vào nuôi từ đó”, ông Út Đẹt chia sẻ về những ngày đầu đến với nghề nuôi ba ba.

Ban đầu, ông thử nghiệm với ao nuôi nhỏ, thả khoảng 1.000 con, rồi 2.000 con, nuôi ba ba thịt, ao 100m2, dần dà đầu tư nhiều thêm, ông bắt đầu nuôi ba ba bố mẹ, để gầy giống, bán ba ba con. Đến nay diện tích ao nuôi đã lên khoảng 3.500m2, bình quân mỗi năm ông bán khoảng 70.000-100.000 ba ba con. Với giá thị trường hiện nay khoảng 3.000 đồng/con ba ba giống, đã đem lại lợi nhuận lớn.

Hiện nay, riêng giá ba ba thịt dù lên xuống cũng không dưới 300.000 đồng/kg với loại đủ chuẩn của thương lái, người nuôi đều có lời khá. “Nuôi ba ba công chăm sóc không nặng nhưng nó có cái khó riêng, cũng có bệnh, bị “dở chứng” khi giao mùa hoặc thời tiết thất thường, người nuôi phải đặc biệt lưu ý mới đem lại năng suất ổn định được”, ông Út Đẹt chia sẻ.

Hiện ông là Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi ba ba Cựu chiến binh xã Vị Bình. Tổ hiện có 3 thành viên, đang dự kiến mở rộng nếu có những hội viên cựu chiến binh chí thú làm ăn, đảm bảo các điều kiện theo yêu cầu của tổ.

Bên cạnh xây dựng mô hình hiệu quả, làm giàu cho bản thân, ông Út Đẹt luôn mở lòng, nhiệt tình giúp đỡ hàng xóm, những hộ dân khó khăn quanh xã, quanh ấp và cả những người dân ngoài huyện nếu có nhu cầu nuôi ba ba thoát nghèo. Ông cung cấp giống theo cách “lấy trước trả sau” và hướng dẫn kỹ thuật, đến khi ba ba lớn bán được thì ông mới lấy tiền con giống, hàng chục hộ dân trong và ngoài xã đã được ông giúp đỡ theo cách này, đã có cuộc sống ổn định.

Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vị Bình, thông tin: “Toàn xã có gần 150 hội viên cựu chiến binh, các hội viên đều có nhiều nỗ lực trong thực hiện trách nhiệm với quê hương, xứ sở, chí thú làm ăn, trong đó anh Út Đẹt là gương sáng. Chúng tôi đang lên kế hoạch, nếu đủ điều kiện sẽ nâng tổ hợp tác này lên thành hợp tác xã, tạo dựng mô hình làm ăn tiêu biểu của Hội Cựu chiến binh xã Vị Bình, qua đó phát huy vai trò của những hội viên cựu chiến binh luôn năng động, tiên phong, làm kinh tế giỏi, góp phần vào sự phát triển của địa phương”.

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>