Tượng đài đặc biệt trong trường học ở Hậu Giang: Chuyện bây giờ mới kể...

20/02/2024 | 08:45 GMT+7

Trường THCS Tây Đô (xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp) có một tượng đài nằm trong khuôn viên, là tượng đài mang tầm di tích duy nhất trong trường học ở Hậu Giang. Phía sau tượng đài này là những câu chuyện hùng tráng của thế hệ cha anh đi trước !

Đại tá Nghĩa chia sẻ về những đồng đội sát cánh cùng ông trong những năm tháng kháng chiến từ bức ảnh cũ đã nhuốm màu thời gian.

Ký ức người lính khi xưa: “Ra đi là chiến thắng, đánh là tiêu diệt”

Để hiểu hơn những câu chuyện phía sau tượng đài tại Trường THCS Tây Đô, chúng tôi có dịp gặp đại tá Lê Trọng Nghĩa, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn Tây Đô, đang sinh sống tại ấp Láng Hầm A, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A. Người lính khi xưa giờ đã là cụ ông gần 80 tuổi. Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn nhớ những câu chuyện từ ngày đầu tham gia Tiểu đoàn Tây Đô, những trận đánh nhiều mất mát, hy sinh nhưng đầy vinh quang.

Cách đây 60 năm, ngày 24-6-1964 tại xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ cũ (nay là tỉnh Hậu Giang), từ sự chỉ đạo của Quân khu 9, Tỉnh ủy Cần Thơ quyết định thành lập Tiểu đoàn bộ binh theo biên chế chính quy, trang bị 3 đại đội bộ binh, 2 đại đội binh chủng. Có hơn 1.300 cán bộ, chiến sĩ tham gia, lấy tên là Tiểu đoàn Tây Đô.

Từ những bước chân đầu tiên trên mảnh đất Phương Bình, với sự quyết tâm “Tiểu đoàn Tây Đô ra đi là chiến thắng, đánh là tiêu diệt”, các cán bộ, chiến sĩ đã vượt qua khói lửa chiến tranh, với những bước chân vững chắc, trưởng thành trên khắp nẻo đường của quê hương thân yêu. Những tên đất, tên làng, tên trận chiến còn ghi đậm những chiến công hào hùng của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Tây Đô như Cái Sắn, Vòng Cung, Quang Phong, Một Ngàn...

Theo lời kể của đại tá Nghĩa, chiến sĩ Tiểu đoàn Tây Đô luôn ghi nhớ những điều đó, để sống và chiến đấu hết mình vì lời thề sắt son với quê hương, đất nước ngày ra đi: Thà hy sinh chứ không để mất nước. Trong số những chiến sĩ ngày đó, có những người nông dân chất phác, quanh năm gắn bó với ruộng đồng nhưng khi cầm súng ra chiến trường rất hăng hái, đã không ngại xông pha làm nên những chiến thắng.

Trải qua không biết bao nhiêu trận đánh, đại tá Nghĩa vẫn khắc sâu những ký ức liên quan đến trận chiến đấu ở kênh Tân Hiệp. Đó là chuyến đi thực hiện công tác dân vận, đặc biệt hơn là chuyến hành quân nhân dịp sinh nhật Bác. Từng đợt máy bay dội bom xuống trận địa, những chiếc xe bọc thép M113 của địch bắn tới tấp nhưng không làm quân ta nản lòng, không sợ hy sinh, dù nguy hiểm cận kề trong gang tấc. “Điểm đặc biệt của tiểu đoàn là ít nhưng lại thắng nhiều, càng khó khăn thì càng hăng hái, thắng lớn. Phía địch lúc nào cũng hơn hẳn Tiểu đoàn Tây Đô về số lượng người, phương tiện chiến tranh,... nhưng chúng tôi luôn quyết tâm vượt lên tất cả và cũng có thể nói là đánh thắng. Dù đây có thể xem là trận đánh lớn và tổn thất nhiều nhất của Tiểu đoàn Tây Đô trong những năm chống Mỹ lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều đã thể hiện ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt chiến thuật của ta”, đại tá Nghĩa bồi hồi.

Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Chiến dịch mùa khô 1972, Tiểu đoàn Tây Đô là đơn vị đầu tiên tiến sâu vào nội ô thị xã Cần Thơ khi ấy để chiếm Sở chỉ huy Quân đoàn 4 và Vùng IV chiến thuật, Dinh tỉnh trưởng Phong Dinh, cắm cờ chiến thắng ngay sào huyệt kẻ thù tại thủ phủ miền Tây Nam bộ.

Đó đều là những trận chiến gắn liền với những bước ngoặt lớn của dân tộc mà Tiểu đoàn Tây Đô có vinh dự được góp sức.

Câu chuyện về những ngày tháng gắn bó với Tiểu đoàn Tây Đô của đại tá Nghĩa không chỉ là những phút giây chiến đấu cận kề sinh tử, sống dưới làn mưa bom lửa đạn của kẻ thù, mà còn thấm đẫm tình quân - dân. Những Tết quân - dân là sự gắn kết, đùm bọc của bà con dành cho cách mạng. Hình ảnh đến nay vẫn còn đọng lại trong trí nhớ của đại tá Nghĩa là trên những con đường đất, những căn nhà lá cất dọc theo mé sông ở vùng ven Cần Thơ. Dù khi đó còn là vùng bị giặc chiếm đóng nhưng bà con vẫn làm những chiếc cổng bằng lá dừa dọc theo đường quê, trong nhà mỗi người còn có bàn thờ Tổ quốc có hoa, bánh trái, gói bánh, nấu cơm tiếp tế cho bộ đội.

Trải qua những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế, Tiểu đoàn Tây Đô đã gắn bó với biết bao tên đất, tên làng, với lòng người dân Tây Đô, Quân khu 9 và nước bạn Campuchia. Đơn vị đã 2 lần được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Để tôn vinh những giá trị lịch sử và giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau, ngày 22-12-1992, Tượng đài Tiểu đoàn Tây Đô được khánh thành, đúng dịp ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, tượng nằm trong khuôn viên Trường THCS Tây Đô đến nay.

Đến năm 2010, UBND tỉnh Hậu Giang có chủ trương quy hoạch xây dựng Khu Di tích lịch sử Địa điểm thành lập Tiểu toàn Tây Đô nằm trên địa bàn ấp Phương An, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, trên diện tích hơn 10.000m2, cách tượng đài cũ tại Trường THCS Tây Đô không xa. Tháng 2-2012, khu di tích được chính thức khánh thành.

Tự hào và tiếp nối truyền thống yêu nước

Học sinh, giáo viên Trường THCS Tây Đô luôn tự hào được học tập và làm việc tại ngôi trường có tượng đài đặc biệt.

Về lại Phương Bình, nghe câu chuyện xưa, lại thấy tự hào khi nhìn Tượng đài Tây Đô đứng hiên ngang trong khuôn viên Trường THCS Tây Đô. Đây vừa là minh chứng cho một thời kỳ đầy hào hùng, là lời nhắc nhở động viên cho thế hệ học sinh sống và học tập có trách nhiệm.

Em Dương Tiểu My, lớp 8A1, chia sẻ: “Chúng em được tìm hiểu những câu chuyện về Tiểu đoàn Tây Đô thông qua những tiết sinh hoạt dưới cờ, hoạt động trải nghiệm,... Có cơ hội biết về lịch sử và học ở một ngôi trường từng là nơi chiến đấu của thế hệ cha ông là điều khiến em rất tự hào”.

Việc giáo dục lòng yêu nước, tự hào về lịch sử dân tộc nói chung và Tiểu đội Tây Đô nói riêng đã trở thành truyền thống của Trường THCS Tây Đô. Các thế hệ thầy trò tại trường đều được bồi đắp tình cảm và lòng biết ơn đối với thế hệ ông cha anh dũng chiến đấu vì độc lập hôm nay.

Cô Trần Thị Kim Trang, giáo viên Trường THCS Tây Đô, cho biết: “Việc chăm sóc và bảo vệ tượng đài là công việc thường xuyên được nhà trường thực hiện. Trường phân công nhân viên bảo vệ coi sóc tượng đài. Hằng tuần sẽ có các chi đội được phân công phụ trách quét dọn để giữ gìn mỹ quan khu vực tượng và vào mỗi dịp lễ, tết đều được trang trí hoa kiểng để làm đẹp và trang trọng không gian xung quanh”.

Nhiều lần, nhà trường đã mời những cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô đến kể chuyện về những trận đánh hào hùng, kỷ niệm về những ngày cầm súng chiến đấu và truyền lửa cho học sinh về tinh thần yêu nước. Qua đó nhân lên tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc cho các em. Nhà trường còn lồng ghép những nội dung liên quan đến Tiểu đoàn Tây Đô vào các tiết học ngữ văn, lịch sử, giáo dục công dân để đa dạng hình thức giáo dục...

Bài, ảnh: THANH NGÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>