Chủ động để không bị động thực hiện chương trình giáo dục mới

19/02/2024 | 07:32 GMT+7

Dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành giáo dục cùng các địa phương đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Các trường học đang được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị… để đảm bảo thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đầu tư cơ sở vật chất

Những dãy phòng học, phòng thí nghiệm thực hành xuống cấp, khi triều cường dâng cao hoặc mưa lớn có thể bị ngập bất cứ lúc nào… đây là hình ảnh có thể bắt gặp ở một số dãy phòng học của Trường THPT Vị Thanh, thành phố Vị Thanh cách đây khoảng 2 năm, nhưng nay đã khác hoàn toàn.

 Ông Trần Hoàng Nguyên, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Những năm gần đây từ nguồn ngân sách, chương trình dự án, huy động xã hội hóa… trường đã đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới giáo dục. Đến cuối năm 2023, cơ sở vật chất của trường đã hoàn chỉnh, đảm bảo mỗi lớp/phòng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhờ vậy, trường chính thức được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia trong năm qua”.

Năm học 2023-2024, Trường THPT Vị Thanh có 32 lớp, với 1.339 học sinh đang theo học. Nhà trường đang triển khai dạy học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 10 và 11. Để đáp ứng dạy và học theo chương trình mới, nhà trường đã được đầu tư xây dựng thêm phòng học, nâng cấp phòng thí nghiệm thực hành, trang bị phòng STEM, phòng thư viện, bố trí trang thiết bị dạy học cho khối lớp 10…

Được đầu tư theo tinh thần “chìa khóa trao tay”, từ năm học 2020-2021, Trường THCS Tân Hòa, huyện Châu Thành A, đã được chính quyền các cấp quan tâm, đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị đủ tiêu chuẩn đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Ông Nguyễn Phước Trung, Hiệu trưởng nhà trường, tâm sự: “Khi chia tách từ Trường THPT Châu Thành A, thành lập trường mới vào năm học 2020-2021, được sự quan tâm, đầu tư kịp thời của tỉnh,  huyện, chúng tôi đã có một ngôi trường khang trang, hiện đại. Với 21 phòng học và phòng chức năng, khu hiệu bộ, sân chơi, bãi tập rộng thoáng… trên diện tích hơn 12.000m2, đáp ứng tốt cho hơn 1.300 học sinh theo học mỗi năm”. 

Cùng với cơ sở vật chất, qua từng năm, Trường THCS Tân Hòa cũng được chính quyền địa phương các cấp quan tâm đầu tư bàn ghế, tivi thông minh, máy vi tính, hệ thống tường rào, sân chơi, khu vệ sinh... đảm bảo đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 với tổng kinh phí hàng chục tỉ đồng. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để nhà trường thực hiện chương trình mới với quyết tâm cao nhất nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Xây dựng lộ trình cụ thể, đầu tư có trọng điểm, không dàn trải

Trên địa bàn tỉnh hiện có 315 trường học từ mầm non, mẫu giáo đến THPT, với 5.628 lớp và hơn 156.000 học sinh theo học, trong đó, tổng số phòng học là 4.623 phòng, phòng chức năng 1.065 phòng chức năng. Để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tỉnh đã lồng ghép sử dụng các nguồn kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học.

Để đảm bảo cơ sở vật chất cho năm học 2023-2024, ngành đã đầu tư xây dựng mới 151 phòng học cho các cấp học; nâng cấp, sửa chữa 499 phòng học, 148 phòng bộ môn… Về đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học phục vụ giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, tỉnh đã bố trí nguồn vốn 187 tỉ đồng để thực hiện mua thiết bị tối thiểu lớp 1, 2, 6, thiết bị phòng ngoại ngữ, phòng vi tính cấp THCS, THPT. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng thực hiện đấu thầu đầu tư thiết bị tối thiểu lớp 3, 7, 10 và phòng vi tính ở cấp tiểu học.

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sở đã mưu UBND tỉnh có kế hoạch đảm bảo đội ngũ giáo viên thực hiện giảng dạy. Bên cạnh đó, vừa qua chúng tôi đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 16, “Chiến lược phát triển bền vững giáo dục và đào tạo tỉnh Hậu Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Đề án số 07 “Xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, có nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đây cũng là cơ sở để ngành tham mưu triển khai thực hiện đầu tư cơ sở vật chất. Hiện hàng năm, ngành vẫn tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đầu tư nguồn kinh phí khá lớn để nâng cấp, xây dựng mới cơ sở vật chất cũng như mua sắm thiết bị…”.

Tính từ năm 2018 đến nay, việc thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học đã đạt một số kết quả như: xây dựng được 1 trường THCS (Trường THCS Tân Hòa, huyện Châu Thành A); nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới 835 phòng học và 358 phòng học bộ môn; đã bổ sung thiết bị dạy học cho lớp 1, 2, 6, thiết bị giáo dục quốc phòng, phòng ngoại ngữ, tin học cấp THCS, THPT…

Để đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành giáo dục và đào tạo sẽ tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo trường có các phòng chức năng theo quy định. Trong đó, đầu tư theo hướng có trọng điểm, không dàn trải, đầu tư đến đâu đạt chuẩn đến đó; từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật; tăng cường xã hội hóa giáo dục nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển giáo dục và đào tạo… Xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; đảm bảo đủ các thiết bị tối thiểu phục vụ công tác dạy và học đáp ứng theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Toàn ngành hiện có 315 trường học từ mầm non, mẫu giáo đến THPT, với 5.628 lớp và hơn 156.000 học sinh theo học, trong đó, tổng số phòng học 4.623 phòng và 1.065 phòng chức năng.

Qua khảo sát, số lượng phòng học đáp ứng được khoảng 82% nhu cầu thực tế, thiết bị dạy học đáp ứng 57% các lớp đã thay sách theo chương trình mới. Để đáp ứng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần đầu tư xây dựng thêm 523 phòng học ở các cấp học.

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>