10 năm đổi mới giáo dục từ Nghị quyết số 29

11/03/2024 | 08:10 GMT+7

Triển khai Nghị quyết trong bối cảnh có nhiều thời cơ thuận lợi, cùng những khó khăn, thách thức đan xen. Ngoài kết quả đạt được, bức tranh tổng thể của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) vẫn còn những điều chưa đạt như kỳ vọng mong muốn.

Bài 3: Nút thắt cần tháo gỡ

Tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 29 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những đánh giá cụ thể về kết quả và những vấn đề tồn tại, hạn chế sau 10 năm thực hiện, đồng thời có những định hướng tới đây.

Nghị quyết số 29 là khởi đầu, đổi mới, bứt phá lĩnh vực giáo dục và đào tạo là câu chuyện dài, phải tiếp tục được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Những vấn đề còn tồn tại

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, trên cả nước những năm qua công tác phân luồng học sinh sau THCS được quan tâm tổ chức thực hiện, nhưng học sinh sau THCS vào học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Cơ sở vật chất, nhất là phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị dạy và học từng lúc, từng nơi chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT; Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chưa đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện một số nội dung về phân cấp, phân quyền đối với công tác quản lý giáo dục, nhất là đối với cấp huyện.

Đội ngũ giáo viên các cấp học, bậc học còn thừa, thiếu cục bộ ở một số sơ sở giáo dục và một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục còn hạn chế, thiếu tâm huyết; vẫn còn một bộ phận giáo viên yếu về năng lực sư phạm, chuẩn nghề nghiệp chưa theo quy định.

Bức tranh tổng thể của giáo dục cả nước đến nay còn những tồn tại, trong đó mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có nơi phân bố chưa hợp lý, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư và miền núi. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học còn chậm hoàn thiện, việc thực hiện đào tạo liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học còn hạn chế.

Trên cả nước, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chậm tiến độ 2 năm, chưa hoàn thành được mục tiêu miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi trước năm 2020. Việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới còn gặp nhiều khó khăn, chưa hoàn thành mục tiêu thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020. Cơ cấu, số lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông còn bất cập, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; chất lượng đội ngũ chưa đồng đều giữa các vùng, miền. Lương của nhà giáo chưa được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 29. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình GD&ĐT nhất là trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018…

“Nơi nào nhận thức, chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm, thì đổi mới ở đó diễn ra mạnh mẽ”

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chia sẻ về định hướng tới đây cho GD&ĐT tỉnh nhà: Trong điều kiện nguồn lực của địa phương còn hạn chế, chất lượng và hiệu quả GD&ĐT còn thấp so với yêu cầu, nhưng với tinh thần “Đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng” trong thời gian tới, ngành GD&ĐT cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương và trên cơ sở Nghị quyết số 16 của Tỉnh ủy “Về Chiến lược phát triển bền vững giáo dục và đào tạo tỉnh Hậu Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh duy trì chất lượng giáo dục cả về đại trà và mũi nhọn, để giữ vững vị thế của mình, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành GD&ĐT cần phải tiếp tục hướng đến một số nội dung trọng tâm rà soát lại và đánh giá tính hiệu quả của việc sáp nhập một số cơ sở giáo dục trong thời gian qua, đề xuất quy hoạch lại cơ sở giáo dục, tăng cường thu hút đầu tư xây dựng hệ thống trường ngoài công lập để giảm đầu tư công và giảm áp lực biên chế cho ngành. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa. Triển khai Đề án số 07 về “Xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030” trong đó, tập trung bồi dưỡng đội ngũ trẻ có tiềm năng về phương pháp quản lý giáo dục hiện đại ở các nước tiên tiến…

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Ở thời điểm bắt đầu đổi mới, giáo dục xuất phát thấp, khó khăn nhiều, điều kiện khó, kỳ vọng lớn, mong muốn cao, ước mong nhiều... quá trình để đạt được những điều đó, trong bối cảnh ấy rất khó khăn. Những kết quả đạt được 10 năm qua cho thấy sự cố gắng vượt bậc của các bộ, ban, ngành và các địa phương. Trong đó, đặc biệt là vai trò triển khai của 63 tỉnh/thành phố.

“Ở nơi nào đảng bộ, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm thì ở đó sự đổi mới đạt được kết quả rất cao. Điều đó không đồng nhất với hoàn cảnh nơi đó giàu hay nghèo. Có một số nơi điều kiện khó khăn nhưng sự đổi mới đạt được rất nhiều. Như vậy, giữa cái khó và đổi mới dường như chỉ là sự ràng buộc tương đối. Nơi nào nhận thức, chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm mạnh mẽ, sự đổi mới ở đó diễn ra mạnh mẽ hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ thêm.

Nghị quyết số 29 là khởi đầu, đổi mới, bứt phá lĩnh vực giáo dục và đào tạo là câu chuyện dài, phải thực hiện thường xuyên, liên tục với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, chủ động mạnh hơn, để GD&ĐT nước nhà vươn mình với khu vực và thế giới.

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích