Nguồn vốn nhỏ, hiệu quả lớn

28/11/2017 | 08:15 GMT+7

Phong trào cho hội viên mượn vốn, giúp mọi người phát triển kinh tế gia đình luôn được các cấp hội chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện. Tuy số tiền cho mượn vốn chỉ vài triệu đồng, nhưng nhờ đó, nhiều người đã có thêm điều kiện để cải thiện kinh tế gia đình.

Nhờ mượn vốn xoay vòng mà cuộc sống gia đình chị Đẹp có bước ổn định hơn.

Phía trước nhà, chị Nguyễn Thị Đẹp, ở ấp 6, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy đang bán đường, sữa cho khách hàng. Nhờ có tiệm tạp hóa nhỏ này, cuộc sống gia đình chị đã ổn định hơn. Hiện nay, mỗi ngày chị Đẹp buôn bán cũng được vài chục ngàn đồng, còn chồng chị thì đi làm thợ hồ. Dẫu cuộc sống vẫn còn khó khăn, nhưng so với trước thì đỡ hơn rất nhiều. Trước đây, gia đình chị Đẹp là hộ nghèo ở địa phương. Trong nhà, chỉ có chồng chị đi làm, bởi chị thì bị bệnh cao huyết áp, viêm mũi, dị ứng gan... nên chỉ ở nhà lo việc nội trợ, cuộc sống cũng vì thế mà túng thiếu, chật vật.

Thấy điều kiện kinh tế quá khó khăn, chị Đẹp liền mượn vốn xoay vòng từ câu lạc bộ từ thiện (CLB) ở địa phương để mở quán tạp hóa nhỏ, nhằm phụ chồng lo kinh tế gia đình. Lúc đầu chị mượn 3 triệu đồng từ CLB cùng với 2 triệu đồng tích góp bấy lâu, mở tiệm tạp hóa nho nhỏ, bán sữa đường, nước ngọt, dầu ăn...  Để có tiền trả lại vốn mượn đúng hạn, chị Đẹp đã có sự tính toán và cân đối chi tiêu trong gia đình một cách hợp lý. Sau mấy năm chí thú làm ăn, cuộc sống gia đình chị cũng ổn định hơn. “Hồi trước ở nhà có làm gì ra tiền đâu, giờ tự mình có thể kiếm tiền, tôi thấy vui lắm. Quả thật, nếu không có nguồn vốn xoay vòng này, biết đến lúc nào vợ chồng tôi mới để dành đủ mà mở tiệm. Giờ đây, mỗi lần lấy đồ về bán mà thiếu vốn thì tôi đều mượn CLB, bởi vay bên ngoài lãi suất cũng khá cao. Tuy số vốn được mượn không nhiều, nhưng cũng có thể giúp mình vượt qua cơn khốn khó”, chị Đẹp bộc bạch.

Cũng nhờ được mượn vốn xoay vòng mà đời sống kinh tế gia đình chị Hồ Thị Cẩm Nơi, ở ấp 6, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, ổn định hơn. Theo chị Cẩm Nơi, lúc trước chị cũng mua bán đồ rẫy nhưng không nhiều, từ khi mượn vốn xoay vòng chị đã mua nhiều hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc lợi nhuận mang lại cũng cao hơn. Chị Cẩm Nơi cho biết: “Nhờ đồng vốn này mà những gia đình có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện để phát triển kinh tế. Tôi hy vọng, mô hình sẽ được tiếp tục duy trì, để những hộ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nguồn vốn, từng bước ổn định cuộc sống”.

Chị Đẹp chỉ là một trong số nhiều hội viên chữ thập đỏ trên địa bàn ấp 6, xã Vị Thắng có hoàn cảnh khó khăn được mượn vốn xoay vòng. Theo bà Nguyễn Thị Xuyến, Phó Chủ nhiệm CLB từ thiện ấp 6, mô hình góp vốn xoay vòng được triển khai thực hiện ở địa phương từ năm 2012. Đây là hình thức giúp các hội viên đang gặp khó khăn về kinh tế có thêm một số vốn để làm ăn, mua bán nhỏ, lẻ ở địa phương. Từ đó, tạo điều kiện để mọi người cải thiện thu nhập cho gia đình. Được biết, hiện nay, CLB có 12 hội viên góp vốn xoay vòng hàng tháng (20.000 đồng/tháng), từ số tiền góp vốn, nếu hội viên nào có nhu cầu sẽ được mượn vốn từ 1-3 triệu đồng. Theo đó, thời gian mượn vốn là 4 tháng, nếu hộ nào có hoàn cảnh khó khăn sẽ được gia hạn thêm 2 tháng, sau đó, hoàn trả lại số vốn đã mượn. “Nhờ mượn vốn xoay vòng, nhiều người đã có thêm điều kiện để đầu tư vào mô hình sản xuất, chăn nuôi. Nhờ đó, cuộc sống dần được cải thiện và vươn lên thoát nghèo”, bà Xuyến cho biết. 

Mặc dù, số tiền đóng góp của mỗi thành viên không nhiều nhưng cũng góp phần không nhỏ trong việc giúp đỡ, hỗ trợ bước đầu cho những hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện cải thiện cuộc sống gia đình, tăng thu nhập, phát triển kinh tế. Bà Từ Thị Cẩm Thơ, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, cho biết: “Việc xây dựng mô hình góp vốn xoay vòng không chỉ giúp hội viên nghèo cải thiện điều kiện kinh tế, mà còn tránh tình trạng vay nặng lãi bên ngoài. Với kết quả đạt được, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động mọi người đóng góp vốn nhiều hơn, để ngày càng có nhiều người được tiếp cận nguồn vốn xoay vòng này”.

Mô hình góp vốn xoay vòng của hội chữ thập đỏ không chỉ góp phần nâng cao đời sống cho hội viên mà còn làm tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó, tương trợ của mọi người trong xã hội. Đây cũng là động lực thúc đẩy mọi người cố gắng vươn lên, ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>