Giảm nghèo ở tỉnh từng nghèo nhất miền Tây: Từ nỗi lo, quyết tâm biến thành hành động

01/12/2023 | 13:58 GMT+7

Hậu Giang từng là tỉnh nghèo đứng nhất, nhì trong các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ những năm mới chia tách (2004), sau hơn 20 năm, giảm nghèo ở tỉnh trẻ này như một kỳ tích, đưa cuộc sống người dân sang trang mới.

Bài 1: “Đất nở hoa”

Hậu Giang từng là tỉnh khó khăn nhất trong các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ vào những năm mới thành lập, trong tỉnh khó lại có những ấp khó nhất, nhiều cụ già hay nói với nhau: “Khó hết biết đường nói...”.

Qua hành trình 20 năm, quê hương đã nhiều thay đổi, những ấp nghèo nhất khoác lên mình chiếc áo mới, trên đồng ruộng vàng chim rủ nhau về xây tổ, những cơn mưa xuân về tưới mát khắp nơi. Ít ai ngờ trên vùng đất khó, có một ngày sức người đã làm cho “Đất nở hoa”...

Cuộc sống đất nghèo sang trang mới

Bà Hường trong căn nhà được xây dựng khang trang.

Đến ấp Xẻo Trâm, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, sẽ cảm nhận được sức sống mới, chuyển mình mạnh mẽ của vùng đất... nghèo nhất tỉnh. Ông Lê Út Em, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Xẻo Trâm, cho biết: “So với trước, Xẻo Trâm bây giờ khác lắm rồi. Người dân đã có điện sử dụng, lộ bê tông hóa, đi lại thuận tiện, con em học hành nhiều hơn. Nhớ khoảng năm 2010 cả ấp có 187 hộ thì có đến 165 hộ nghèo. Nhà cửa nếu không được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, tình thương, thì chủ yếu tạm bợ. Hiện nay, cả ấp chỉ còn 59 hộ nghèo. Tết này bà con ăn tết lớn hơn”.

Như minh chứng cho lời mình vừa nói, ông Út Em dẫn mọi người dạo quanh một vòng ấp để tận mắt thấy cuộc sống thay đổi của người dân địa phương. Những khó khăn, chật vật của những năm trước đã được thay thế bằng cuộc sống ổn định và văn minh hơn.

Ghé thăm gia đình ông Hồ Văn Linh và bà Nguyễn Thị Kim Hường. Bên trong nhà, bà Hường đang chuẩn bị một số bánh mứt để cúng ông bà trong mấy ngày tết. Thấy có khách, bà Hường liền mời mọi người vào nhà và nói: “Cô chú ngồi chơi, ông nhà tôi cho ba ba ăn chút vô”.

Bà Hường vừa dứt lời, ông Linh liền vào tới nhà. Mời khách ly trà nóng, ông Linh bảo rằng: “Thấy nhiều người thành công với mô hình nuôi ba ba, gia đình tôi cũng học hỏi kinh nghiệm và nuôi khoảng 2.000 con. Đời sống bà con ở ấp nói chung và gia đình tôi nói riêng bây giờ đã đỡ hơn, tết này tươm tất, phấn khởi. Nhớ lúc trước nghèo khó, tết nhứt có gì đâu”.

Xẻo Trâm là vùng kinh tế mới, từ năm 1997 người dân từ nhiều nơi đến lập nghiệp, mỗi hộ được cấp 1.320m2 đất, lại là vùng đất phèn nặng, người dân trồng trọt, chăn nuôi đều khó khăn. Cũng như nhiều hộ dân nơi đây, lúc mới về ấp Xẻo Trâm cuộc sống gia đình ông Linh, bà Hường thường xuyên chịu cảnh ăn gạo bữa sáng chạy lo bữa chiều. Sau nhiều năm cố gắng, với sự hỗ trợ của Nhà nước, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, con cái lớn lên đi làm, gia đình ông bà vượt qua khó khăn, thoát cảnh nghèo.

Nhìn ra con lộ rộng rãi phía trước nhà, những vất vả của ngày nào dần hiện về qua ánh mắt của người đàn ông trung niên này như thước phim quay chậm. Ông Linh kể: “Hồi đó, cuộc sống khó khăn lắm, đâu có lộ, điện không có mà xài. Tối đến đốt đèn dầu, ánh đèn cứ leo lét như cái nghèo khó của bà con nơi đây. Con em chúng tôi vì hoàn cảnh nghèo khó, học hành cũng chẳng được bao nhiêu”.

Trước khó khăn đó, tỉnh và huyện Phụng Hiệp đã thực hiện nhiều chính sách đầu tư vào ấp Xẻo Trâm. Sau nhiều vun đắp, ngày mới đã đến với Xẻo Trâm. Cách đây chừng chục năm, đa số học sinh trong ấp chỉ học đến lớp 6, lớp 7 là nghỉ. Hiện nay, con em được học cao hơn. Đặc biệt, có trường đại học đóng trên địa bàn, là điều kiện thuận lợi để người dân địa phương nâng cao trình độ.

Rời Xẻo Trâm, về ấp 10, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ - một trong những ấp nghèo, đông đồng bào dân tộc đã có sự chuyển mình. Men theo con đường xi măng vào ấp, mọi người cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt của vùng quê nghèo khó này. Những con đường đất ngày nào đã được cứng hóa, những cây cầu “khỉ” lắt lẻo giờ được thay bằng cầu bê tông, lưới điện đã được kéo tới tận nhà dân. Cuộc sống no đủ hiện hữu với những ngôi nhà vững chãi, sạch đẹp, nhiều hộ mua được xe máy, ti vi, tủ lạnh… Đi đến đâu cũng thấy bà con đang tất bật với công việc ruộng nương, sửa sang nhà cửa chuẩn bị đón tết.

Ông Danh Muôi, Trưởng ấp 10, cho biết: “Trước đây, bà con chủ yếu xài đèn dầu, chứ đâu có điện như bây giờ. Lộ giao thông đa phần là đường đất, muốn đi ra chợ hay ra UBND xã mệt lắm, tháng nắng còn đỡ, tháng mưa sình lầy, đường sá trơn trượt khó đi, học sinh bỏ học nhiều, hộ nghèo nhiều. Nhờ được hưởng lợi từ những chương trình, dự án dành cho đồng bào dân tộc, đời sống người dân được cải thiện và có bước phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần. Nhiều hộ thoát nghèo, cuộc sống ổn định hơn”.

Rồi ông Muôi kể về nỗ lực thoát nghèo của bà con địa phương. Người dân từ sự hỗ trợ của Nhà nước đã thực hiện các mô hình làm ăn hiệu quả. Có người nuôi gà, người nuôi bò, người trồng rau... Mỗi gia đình, mỗi cách tính toán làm ăn, đời sống kinh tế nhờ đó được cải thiện. Như hộ bà Nghĩa (Lê Thị Nghĩa) từ khi thoát nghèo cuộc sống sang trang mới thấy rõ.

Gia đình bà Nghĩa là hộ nghèo nhiều năm ở ấp. Chồng bà mất đã lâu, để lo cái ăn cái mặc hàng ngày và 5 đứa con thơ, một mình bà vất vả làm thuê. Bà Nghĩa cho biết: “Trước đây, bà con ở ấp mình nghèo nhiều lắm, giờ đây nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững. Đó thật sự là niềm vui, niềm hạnh phúc của bà con mình”.

Nhìn vẻ mặt rạng ngời của bà, ai nấy hiểu được niềm vui của gia đình khi đời sống kinh tế đã ổn định và có bước phát triển. Trong tâm trạng phấn khởi, bà Nghĩa chia sẻ: “Nhờ nguồn vốn vay từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi đầu tư vào mô hình nuôi gà và nuôi cá, hy vọng bán được giá để nông dân chúng tôi thêm phấn khởi. Qua năm mới mong sao ai cũng làm ăn thuận lợi để cuộc sống no đủ, sung túc hơn”.

Những năm trở lại đây, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ấp 10 được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Ông Huỳnh Hoàng Đệ, Chủ tịch UBND xã Lương Nghĩa, cho biết: “Từ những chính sách, chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước đã từng bước nâng cao đời sống của người dân. Những hộ muốn thực hiện mô hình mà không có vốn thì được vay vốn ưu đãi, khi mô hình kinh tế phát triển, bà con muốn mở rộng sản xuất tiếp tục đầu tư để mở rộng. Những lúc nhàn rỗi, bà con còn đi làm để tăng thêm thu nhập cho gia đình”.

Bà Nghĩa vui mừng khi cuộc sống ổn định.

20 năm giảm hơn 20,5% hộ nghèo

Nhớ lại thời điểm mới chia tách từ tỉnh Cần Thơ (cũ), Hậu Giang có địa bàn nông thôn rộng, nông dân chiếm phần lớn số dân, hộ nghèo đông, cơ sở vật chất thiếu thốn. Nhưng 20 năm sau, Hậu Giang đã có những bứt phá khá ấn tượng, cụ thể như tỷ lệ hộ nghèo giảm từ gần 24% xuống còn 3,29%.

Tiêu chí xét hộ nghèo có nhiều thay đổi trong những năm qua, có những năm Hậu Giang đã giảm sâu nhưng sau đó tỷ lệ lại tăng do có nâng cao các tiêu chí đảm bảo chất lượng, cuộc sống, thu nhập. Bởi vậy mới thấy, để đạt được kết quả như hôm nay là hành trình gian nan và đầy nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, người dân và sự trợ giúp của doanh nghiệp, mạnh thường quân xa gần.

Điểm sáng trong thực hiện công tác giảm nghèo có thể ghi nhận rõ nét nhất ở thành phố Ngã Bảy, khi đến nay qua kết quả rà soát sơ bộ tỷ lệ hộ nghèo của thành phố chỉ còn 187 hộ, chiếm tỷ lệ 1,21%. Quyết tâm giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân được cấp ủy, chính quyền thành phố thể hiện rõ qua các giải pháp thực hiện. Thành phố đã tổ chức các buổi đối thoại với hộ nghèo, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để có sự hỗ trợ phù hợp; nâng cao ý thức tự vươn lên của chính người nghèo bên cạnh việc giúp họ sử dụng hiệu quả nhất sự hỗ trợ của Nhà nước để thoát nghèo một cách bền vững nhất.

Còn tại huyện Phụng Hiệp, địa phương có địa bàn rộng, tỷ lệ hộ nghèo cao so với các địa phương khác trong tỉnh, song với nhiều giải pháp, cách làm cụ thể, huyện này đã có chuyển biến rõ nét trong công tác giảm nghèo. Nếu như năm 2005 toàn huyện có 10.328 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 24,6%, thì đến cuối năm 2023, qua kết quả rà soát sơ bộ tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 5,3% tương đương 2.697 hộ. 

Bà Đỗ Thị Ngọc Trúc, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Cấp ủy, chính quyền các cấp luôn xác định giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến người dân về mục tiêu giảm nghèo bền vững, khơi dậy ý chí chủ động, tự vươn lên của người nghèo. Thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo, xây dựng các mô hình giảm nghèo phù hợp”.

Những năm qua, từ nguồn ngân sách nhà nước, vận động xã hội hóa, lồng ghép với chương trình, dự án, các chính sách giảm nghèo được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Việc vận động xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình thương được quan tâm, đẩy mạnh. Các cấp, các ngành, địa phương giúp người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững... Qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống người nghèo và thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”...

Có nhà mới, gia đình chị Võ Thị Xum, ở ấp 5, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, đặt mục tiêu thoát nghèo trong 3 năm tới.

“Vui mừng khi thấy đời sống vật chất, tinh thần của người dân Hậu Giang ngày càng được nâng lên”

Dự và phát biểu tại lễ khánh thành, bàn giao 1.400 căn nhà đại đoàn kết vừa qua tại Hậu Giang, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hậu Giang luôn quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Nổi bật là trong 20 năm thành lập, tỉnh vận động xây dựng hơn 11.000 căn nhà tình nghĩa. Chủ tịch nước hoan nghênh tỉnh Hậu Giang đã phát động xây dựng và bàn giao 1.400 căn nhà đại đoàn kết trong năm 2023.

Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng khi thấy đời sống vật chất, tinh thần của người dân Hậu Giang ngày càng được nâng lên. Thời gian tới, Chủ tịch nước mong muốn tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống người dân, quan tâm sửa chữa các căn nhà tình nghĩa, tình thương đã xây dựng trước đó…

 

Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh cuối năm 2005 là 23,5%. Tính đến cuối năm 2023, qua kết quả rà soát hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 3,29%. Để thực hiện đạt kết quả đáng phấn khởi trên, cấp ủy, chính quyền các cấp đã thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; tổ chức đối thoại với hộ nghèo, để có sự hỗ trợ phù hợp, kịp thời. Cán bộ, đảng viên, đại biểu HĐND còn đồng hành, hướng dẫn, kèm cặp hộ nghèo trong thực hiện các mô hình làm ăn. Song song đó, chú trọng nâng cao dân trí, phát huy tính chủ động và năng lực của “người trong cuộc” để thoát nghèo bền vững...

THU THỦY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>