Rà soát các quy định liên quan đến chính sách dân tộc trong hệ thống văn bản pháp quy hiện hành

23/02/2024 | 08:32 GMT+7

Đề án “Nghiên cứu, đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013” (Đề án) phải đánh giá những mặt được, tích cực; phát hiện ra vướng mắc, chồng chéo, bất hợp lý, nhưng cũng phải đánh giá mặt được, thành quả, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc họp.

Chủ trì cuộc họp về Đề án, Thường trực Quốc hội thống nhất với cách tiếp cận của Hội đồng Dân tộc trong xây dựng Đề án với mục đích rà soát các quy định liên quan đến chính sách dân tộc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành; phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập và nguyên nhân, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp khắc phục, sửa đổi, bổ sung quy định của văn bản quy phạm pháp luật.

Ngày 24-6-2021, Đảng đoàn Quốc hội ban hành Quyết định số 2362, giao Thường trực Hội đồng Dân tộc nhiệm vụ xây dựng Đề án “Nghiên cứu, đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013”.

Thường trực Quốc hội đánh giá cao Hội đồng Dân tộc đã phối hợp xây dựng Đề án; việc xây dựng Đề án tuy chậm so với yêu cầu nhưng Hội đồng Dân tộc đã cẩn trọng, cầu thị lắng nghe, trước tết 2024 đã trình Đề án và Thường trực Quốc hội yêu cầu xin ý kiến một số cơ quan.

Ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, công phu soạn thảo của Thường trực Hội đồng Dân tộc tập hợp được nhiều tư liệu, số liệu và dự thảo Đề án, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận thấy, Thường trực Hội đồng Dân tộc đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, xin ý kiến nhiều lần trong Tổ đảng của Hội đồng Dân tộc. Báo cáo 13 trang giải trình tiếp thu ban đầu của 4/5 cơ quan đã gửi xin ý kiến rất thấu đáo, cầu thị.

Đây là Đề án lần đầu tiên thực hiện, nội dung mới, khó, phạm vi rộng, yêu cầu cao, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều thời điểm nên Thường trực Quốc hội băn khoăn trước yêu cầu đồng bộ hóa chính sách dân tộc, vậy các lĩnh vực khác liệu có đồng bộ hóa được không?

Ngoài ra, một số văn bản thuộc thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh khó thu thập; một số văn bản “mật” trong khi công việc của Hội đồng Dân tộc lại cũng rất nhiều. Thường trực Quốc hội nhận thấy, hiện Đề án còn chưa rõ ràng trong việc xác định thời điểm tính từ đâu; phạm vi như thế nào, nội hàm khái niệm đồng bộ hóa ra sao… Vì vậy, cuộc họp này là rất cần thiết để thống nhất chỉnh sửa, sau đó xin ý kiến Đảng đoàn; sau cuộc họp này, Thường trực Hội đồng Dân tộc chỉnh sửa, có báo cáo giải trình, tiếp thu chi tiết, trình xin ý kiến Chủ tịch Quốc hội trước khi gửi xin ý kiến Đảng đoàn.

Theo lãnh đạo Quốc hội, đồng bộ hoá là việc phối hợp các sự kiện riêng lẻ để vận hành một hệ thống cùng lúc; như vậy, nhiệm vụ là rà soát để phát hiện nội dung chính sách dân tộc nào còn thiếu, không phù hợp, xác định giải pháp thực hiện cho đồng bộ.

Về bố cục Đề án, Đảng đoàn Quốc hội quan tâm nhiều đến những nội dung chính cần làm rõ: Mục tiêu đề án là gì; thực trạng vấn đề đó ra sao; đánh giá mặt được, mặt tích cực; mặt chưa được, hạn chế, khó khăn và logic với phần giải pháp. Đặc biệt là giải pháp khắc phục những hạn chế, vướng mắc vừa đảm bảo lý luận, vừa giải quyết những vấn đề từ thực tiễn...

Vì vậy, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần lưu ý bố cục:

Phải đánh giá những mặt được, mặt tích cực; phát hiện ra vướng mắc, chồng chéo, bất hợp lý nhưng cũng phải đánh giá mặt được, thành quả, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.

Đã nêu hạn chế của Hiến pháp ở trang 12, hạn chế của Luật ở trang 16, hạn chế của Nghị quyết tại trang 18, hạn chế của Chính phủ trang 20, hạn chế của các bộ, ngành trang 22, vậy nên phần đánh giá chung phải thống nhất với các nhận định của từng đối tượng ở trên.

Cần viết sao cho rõ ý, gọn, không trùng lắp với các hạn chế. Hạn chế, khó khăn trong việc đồng bộ hóa đã nhìn thấy nên có thể tách riêng thành 1 mục lớn cho rõ trọng tâm của Đề án.

Và không cần đặt vấn đề tiếp tục nghiên cứu, làm rõ các vấn đề đồng bộ chính sách… Không cần thiết đề cập các văn bản hết hiệu lực thi hành…

K.L tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>