Hơn 300 lượt ý kiến liên quan đến thẩm quyền giải quyết của Trung ương

22/10/2021 | 08:20 GMT+7

Trước Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh ghi nhận 307 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Hậu Giang có liên quan đến thẩm quyền Trung ương xem xét giải quyết.

Bà Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh, phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với Điện lực Hậu Giang trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Các ý kiến, kiến nghị trên được Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang tổng hợp từ Hội nghị tiếp xúc giữa các vị đại biểu Quốc hội với 450 cử tri bằng hình thức trực tuyến tại điểm cầu Quốc hội, Hội trường Tỉnh ủy và 8 đơn vị cấp huyện; kết hợp phát 2.625 phiếu lấy ý kiến của cử tri ở 75/75 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh và 2 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề đối với ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh, Công ty Điện lực Hậu Giang.

Với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Hiện cử tri đặc biệt chú ý vấn đề nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long từ khâu dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ lúa gạo, trong đó tổ chức liên kết nông dân trong chuỗi cung ứng lúa gạo và xây dựng thương hiệu. Liên quan vấn đề này, cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng hệ thống cung cấp thông tin thị trường, thông tin quảng bá lúa gạo và các sản phẩm nông nghiệp (OCOP) là hết sức cần thiết để giúp nông dân dễ dàng quyết định mặt hàng sản xuất, có kế hoạch đầu tư trong sản xuất và dự đoán được thị trường, giảm thiểu rủi ro.

Tình trạng gian lận thương mại cộng với đường nhập lậu tràn vào đã gây tổn thất nghiêm trọng cho nông dân, doanh nghiệp và ngành mía đường Việt Nam; thậm chí, tình trạng buôn lậu đường với quy mô lớn đã khiến cho không ít nhà máy đường phải đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang do thua lỗ cũng đang là vấn đề mà cử tri Hậu Giang băn khoăn hiện nay.

Vì vậy, nhằm khuyến khích ngành mía đường trong nước phát triển, cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và UBND cấp tỉnh có biện pháp phòng vệ phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế để bảo vệ sản xuất của ngành mía đường trong nước. Mặt khác, áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với đường và các sản phẩm từ đường; tăng cường các biện pháp chống buôn lậu đường tại các địa bàn trọng điểm. Có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp và nông dân trồng mía và sản xuất các sản phẩm từ cây mía… Có chủ trương quy hoạch lại vùng mía nguyên liệu chất lượng cao phục vụ sản xuất của ngành mía đường.

Bên cạnh đó, cử tri Hậu Giang kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tăng cường hơn nữa công tác ngoại giao vắc-xin, kêu gọi các doanh nghiệp, Nhân dân và kiều bào nước ngoài ủng hộ cho Quỹ vắc-xin; chỉ đạo khẩn trương việc sản xuất vắc-xin trong nước và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin từ các nước tiên tiến trên thế giới để sản xuất sớm nhất các loại vắc-xin tiêm đủ cho người dân tạo miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất.

Và các bộ, ngành Trung ương

Cho rằng tuyến Quốc lộ 1A dưới chân cầu vượt Sóc Trăng đoạn qua địa bàn phường Hiệp Thành, thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đã xuống cấp, thường xuyên xảy ra va chạm giao thông nên cử tri kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tổng cục Đường bộ sớm khảo sát và có biện pháp sửa chữa trong thời gian sớm nhất, tránh để xảy ra tai nạn giao thông. Đồng thời, cử tri kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tổng cục Đường bộ tiến hành khảo sát và có biện pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất tình trạng trên tuyến Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp đến Cà Mau hiện nay thiếu nhiều biển báo chỉ dẫn an toàn giao thông; mặt đường hẹp, xuống cấp nhưng lưu lượng xe lưu thông khá lớn và chưa được đầu tư sửa chữa kịp thời.

Băn khoăn trước tình trạng tuyến đường Nam Sông Hậu đi qua thành phố Cần Thơ; qua huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng đang xuống cấp trầm trọng, có nhiều đoạn bị ngập nước, thường gây ra tai nạn giao thông nên cử tri kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải khảo sát, có chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng nhằm phục vụ việc vận chuyển hàng hóa và phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trong khu vực. Cùng với đó, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau vì hiện nay còn chậm so với quy hoạch được phê duyệt nhằm đảm bảo thuận tiện lưu thông hàng hóa cho người dân trong vùng.

Quốc lộ 61C đi vào hoạt động vào năm 2012, tổng chiều dài hơn 47km, rộng 11,5m, do lưu lượng xe từ các tỉnh Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng đi thành phố Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh tăng cao, trong khi mặt đường tuyến này bị xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Trước tình hình trên, cử tri kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét sớm bố trí nguồn vốn để hoàn thành dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường này.

Ngoài ra, cử tri Hậu Giang còn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chủ trương quy hoạch lại vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn trong nước, giảm lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài để sản xuất thức ăn chăn nuôi kéo theo giá thành thức ăn chăn nuôi trong nước sẽ giảm để người chăn nuôi có lãi cao. Bởi năm 2021, do tình hình dịch Covid-19 phức tạp và nhiều nguyên nhân khác nên các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước không nhập được các loại nguyên liệu để sản xuất, kéo theo giá thức ăn chăn nuôi trong nước tăng từ 15-20% so với năm 2020, người chăn nuôi gặp khó khăn và đầu ra của gia súc, gia cầm cũng giảm so với cùng kỳ, người chăn nuôi không có lãi.

Vẫn còn lo lắng về tình hình dịch Covid-19

 

Theo ghi nhận của Đoàn ĐBQH tỉnh, cử tri phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ và của Đảng bộ tỉnh Hậu Giang trong thời gian qua đã có nhiều quyết sách quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, bảo đảm tốt an sinh xã hội. Đặc biệt, cử tri đánh giá rất cao việc Chính phủ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và có nhiều chính sách quan tâm đến người lao động, người sử dụng lao động tại Việt Nam.

Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân còn lo ngại trước tình trạng người dân từ nơi khác đến địa phương không khai báo y tế hoặc khai báo y tế thiếu trung thực, các tài xế lợi dụng việc sử dụng xe “luồng xanh” để thực hiện việc vận chuyển trái phép người từ vùng dịch về tỉnh, sử dụng xe luồng xanh không đúng mục đích, gây nguy cơ cao cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương. Chưa kể là hiện nay, một số loại nông sản, hàng hóa của nông dân sản xuất ra do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không tiêu thụ được, nếu tiêu thụ được thì bán giá thành không cao...

 

GIA NGUYỄN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>