Dấu ấn hoạt động của Quốc hội năm 2023

02/02/2024 | 08:40 GMT+7

Từ tháng 1-2023 đến nay, Quốc hội tiến hành thành công 2 kỳ họp thường lệ, 4 kỳ họp bất thường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thành công 11 phiên họp thường kỳ, 1 phiên họp chuyên đề pháp luật, 6 phiên họp khác, xem xét, cho ý kiến, quyết định nhiều nội dung quan trọng cả về lập pháp, giám sát, các vấn đề kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn (đứng, bìa phải) và lãnh đạo tỉnh trao đổi thân tình với cử tri Hậu Giang.

Năm 2023 và nửa nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vun đắp thêm truyền thống vẻ vang gần 80 năm của Quốc hội Việt Nam.

Năm 2023, Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Ban Đảng Trung ương, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cáo, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ, ngành, cơ quan hữu quan.

Chủ động phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, quyết liệt đổi mới, tập trung cao độ và triển khai toàn diện các nhiệm vụ xây dựng luật, pháp lệnh, chương trình, kế hoạch giám sát và chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cơ bản hoàn thành khối lượng công việc lớn với yêu cầu cao cả về tiến độ và chất lượng; giải quyết nhiều vấn đề đột xuất, quan trọng, phức tạp, cấp bách mới phát sinh nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn; góp phần quan trọng vào những kết quả chung của cả hệ thống chính trị, đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành 26 chương trình, kế hoạch triển khai các nghị quyết, kế hoạch, kết luận của Bộ Chính trị; ban hành 40 tờ trình, đề án, 10 thông báo, kết luận; xây dựng 98 báo cáo về các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ và 117 văn bản góp ý, tham gia ý kiến về các đề án, báo cáo, quy chế, quy định gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Ban đảng Trung ương… hoàn thành 86/107 nội dung, đề án (đạt 80,37%) thuộc Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức 2 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, góp ý kiến về 7 dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và 8 dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6; tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa 15; tổ chức nhiều hoạt động quan trọng như Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt am năm 2023; phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ nhất; Diễn đàn Người Lao động năm 2023…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội thông qua 18 luật, 5 nghị quyết quy phạm pháp luật, cho ý kiến 18 dự án luật khác. Tính đến nay, việc triển khai Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cơ bản hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát và xây dựng mới với 114/137 nhiệm vụ lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt 83,2%.

Công tác giám sát tiếp tục được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm và tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành 4 chuyên đề giám sát, tổ chức có hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại 2 kỳ họp Quốc hội; tổ chức tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; thông qua 18 nghị quyết thuộc lĩnh vực giám sát)...

Việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về công tác nhân sự, về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước… được tiến hành kịp thời, kỹ lưỡng, góp phần kiện toàn bộ máy, ban hành nhiều quyết sách phù hợp, tạo chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, của doanh nghiệp và đời sống của Nhân dân.

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội tiếp tục được triển khai bảo đảm chu đáo, thiết thực, hiệu quả.

Trong năm đã thực hiện ký kết 9 thỏa thuận quốc tế giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội các nước nhân dịp chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tại các nước hoặc lãnh đạo nghị viện các nước thăm Việt Nam. Quốc hội Việt Nam đã chủ trì, đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9; các Đoàn công tác do Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu đã thành công rất tốt đẹp.

Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện các công tác đại biểu, dân nguyện, nghiên cứu khoa học và các công tác khác; việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội định kỳ xem xét, thảo luận báo cáo về công tác dân nguyện tại phiên họp hằng tháng tiếp tục được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước đánh giá cao; việc củng cố, kiện toàn đội ngũ công chức tại Văn phòng Quốc hội được tăng cường, kịp thời bổ nhiệm lãnh đạo các đơn vị của Văn phòng Quốc hội để bổ sung đội ngũ quản lý, đáp ứng yêu cầu công tác; quản lý tài chính, tài sản bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, an ninh, an toàn trong các trụ sở cơ quan, tuân thủ đúng quy định; công tác thông tin, báo chí… được thực hiện bài bản, có nhiều kết quả đáng ghi nhận…

Lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 với nhiều nội dung quan trọng

 

Chỉ đạo triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, năm 2025, bảo đảm chất lượng, tiến độ chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó, tập trung chỉ đạo, tổ chức việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, dự thảo nghị quyết trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Chỉ đạo, đôn đốc việc tiếp tục thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ lập pháp theo yêu cầu trong Kế hoạch 81 triển khai thực hiện Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Chuẩn bị và trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mới được Quốc hội phê chuẩn, các luật, nghị quyết mới được ban hành, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh, hội nhập quốc tế của đất nước.

Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác lập đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; xác định thứ tự ưu tiên khi xem xét đưa vào Chương trình trên cơ sở sự cần thiết ban hành của các dự án, dự thảo được đề nghị, bảo đảm tính khả thi của Chương trình và cân đối hài hòa với khối lượng công việc của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

 

K.L tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>